• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
Thạch Ngọc Xuân
by On November 12, 2013
77 views

 

Trả lời thư Po Dharma đề ngày 2-9-2013

Ngày 7/10/2013, tôi, Nguyễn Văn Tỷ, có nhận được thư của Po Dharma viết từ Paris đề ngày 2-9-2013. Nội dung thư này đã được phổ biến rộng rãi theo các địa chỉ email và website Champaka cùng lúc, nhưng không gởi vào email của tôi. Đáng lẽ tôi không  bao giờ trả lời thư từ có nội dung nhai đi nhai lại hàng chục lần như bức thu này, toàn là luận điệu cũ rích, đầy xuyên tạc và phản cảm, nhưng tôi thấy bức thư có sao gởi cho các Bộ Giáo dục – đào tạo, Văn hóa – thể thao – du lịch, và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nên tôi đành phải trả lời. Tôi xin phép được lưu ý quí vị độc giả là không bao giờ bản thân tôi viết riêng cho Po Dharma, nếu cần trao đổi về vấn đề ngôn ngữ chữ viết Chăm như tôi thường làm thì tôi chỉ xin trao đổi với các độc giả Chăm mà thôi.

Sau đây tôi xin phép được trả lời từng ý một của bức thư:

1. Việc cải tiến chữ Chăm là “chính sách cải biến hoàn toàn sai lầm?”

Đây là cách nói rất chủ quan của Po Dharma đã từng phát biểu (hàng trăm lần) gây phản ứng kịch liệt nơi trí thức Chăm và được đáp trả lại không khoang nhượng như quí vị đã từng thấy nơi các thư email của các trí thức Chăm. Nói rằng: “Con em học chữ Chăm cải biến của Ban Biên soạn sách chữ Chăm (BBSSCC) trở thành một thế hệ vô dụng, vì không đọc được chữ Chăm do cha mẹ họ viết hay kho tàng văn chương Chăm còn lưu lại trong thôn xóm” là một sự xuyên tạc trắng trợn. Để chứng minh cho điều này tôi xin mời quí vị đọc lại, để có sự tham khảo khoa học và khách quan, bức thư của Quảng Văn Chung mà tôi đã trân trọng gởi đến các Bộ và UBND tỉnh (vì đây là bức thư tích cực nhất và khoa học nhất mà các độc giả Chăm chúng tôi gặp được) cộng thêm các thư email của các trí thức Chăm (đặc biệt là Đạo Văn Chi, Lâm Gia Tân, Quảng Đại Cẩn, Hán Dương Phú và Hán Vũ). Những bức thư này làm cho Ban Biên tập Champaka tê liệt hoàn toàn vì không bao giờ trả lời nỗi, và Po Dharma phải… khoanh tay mà đánh trống lãng bằng cách gởi những bài “đấu tranh của Fulro” xa xưa để tự đánh bóng một cách trơ trẽn!

Để trả lời cho “chính sách hoàn toàn sai lầm” này của Nhà nước Việt Nam, bản thân tôi chỉ xin Po Dharma hãy trả lời nghiêm túc hai bức thư của QUẢNG VĂN CHUNG và HÁN VŨ một cách khoa học thì các trí thức Chăm sẽ công nhận lời phát biểu của Po Dharma trên đây là đúng sự thật và đáp ứng với nguyện vọng của Trí thức Chăm! Bằng không thì xin ông hãy cố gắng im lặng cho dân tộc Chăm nhờ!

2. “Ông Thành Phú Bá công nhận rằng BBSSCC chế biến thêm 3 ký tự mới là sai lầm?”

Năm 2001, tôi và ông Thành Phú Bá có đi Mã Lai trong 2 tháng (chứ không phải 1 tuần như Po Dharma nói). Đây không phải “họp mặt” và “kín đáo” mà lại chúng tôi được Viện Viên Đông bác cổ (EFEO) Mã Lai mời làm việc trong chương trình từ điển Chăm – Pháp – Việt. Không bao giờ có chuyện ông Bá và Tôi (Nguyễn Văn Tỷ) “Công nhận BBSSCC chế biến thêm 3 ký tự mới (paoh gak, troh aw không có dartha, và dartha dardwa có hua balau) để đưa vào bản chữ cái Chăm là sai lầm”. Nói như thế là nói không đúng sự thật, là nói ngoa đấy thôi! Xin ông hãy tự chỉnh sửa lại cách nói cho đúng tầm người làm khoa học!

3. Năm 2002, Lộ Minh Trại và Đàng Năng Quạ có đi Mã Lai thật. Nhưng việc Po Dharma nói là “Lô Minh Trại hứa sẽ thống nhất lại chữ viết Chăm truyền thống” là không đúng sự thật, vì nếu đúng như thế thì ông Trại phải trao đổi, bàn bạc với chúng tôi. Nay tôi chân thành xin Po Dharma đứng ra chính thức yêu cầu ông Lộ Minh Trại xác nhận lại thông tin này thì các trí thức Chăm mới tin, nếu không thì ông lại chỉ nói ngoa một lần nữa.

4. Tháng 10 năm 2005, tôi được mời đi Mã Lai cùng Quảng Văn Đại theo chương trình của EFEO Mã Lai (2 tháng chứ không phải 1 tháng) về ngữ pháp Chăm. Tôi không bao giờ “hứa là sẽ cố gắng chỉnh đốn lại những sai lầm”! Đấy cũng là cách nói đúng theo tác phong cố hữu của Po Dharma mà thôi!

5. Ở hội nghị Osaka (Nhật Bản) tháng 2/2006, đúng là Po Dharma có báo cáo và bêu xấu, bôi nhọ việc làm của cơ quan Ban BSSCC một cách quá đáng, chỉ xin đưa 2 ví dụ này làm điển hình:

- “Học xong giáo trình của Ban BSSCC học sinh không thể đọc được (…) thư từ của cha mẹ họ viết (trang 12, hàng 31).

- “Một số ông cụ lớn tuổi người Chăm nói rằng: “Sách giáo trình của BBSSCC chỗ nào cũng có baluw”, tức là âm dài. Từ baluw nêu trong câu trên có nghĩa châm biếm, mỉa mai để chỉ “lông” của con người. Một số cụ già Chăm còn nói răng: “Nếu mày cho tao sách Tiếng Chăm viết theo kiểu BBSSCC thì tao không lấy”.(Trang 12, hàng 40)

6. Nói về hội thảo ngôn ngữ chữ viết Chăm ngày 21-22 tháng 9 năm 2006 tại Kuala Lumpua là cả một việc khôi hài, vì đây chỉ là sự sắp xếp để “khủng bố” Ban BSSCC (từ ngữ của một thành viên Hội thảo) vì lẽ:

- Hội thảo mà không cho các thành viên (15 người trong đó có 3 đại biểu của BBSSCC) phát biểu một câu nào, trừ việc mỗi người có 15 phút để vừa đọc báo cáo  (viết theo chủ đề của Po Dharma áp đặt trước) vừa trả lời các chất vấn (đã được bố trí trước). Rõ ràng, không thể đủ thời gian để trả lời chứ đừng hòng phát biểu thêm ý của cá nhân!!

- Buổi chiều ngày thứ nhì, Po Dharma có hứa với hội thảo là sẽ dành trọn buổi cho các đại biểu thảo luận, phát biểu, nhưng…. ngược hẳn với lời nói, vào chiều hôm ấy, Po Dharma đã viết sẵn 8 cầu kết luận trên bảng, và yêu cầu thảo luận nội dung 8 câu đó mà thôi. Cuối cùng các đại biểu, sau 3 tiếng làm việc rút lại còn 6 câu, 6 câu đó là kết luận của Hội thảo Kuala Lumpua của Po Dharma. Đáng lưu ý là có 5 câu chỉ nói chung chung về văn hóa Chăm (xin xem lại bản kết luận được Po Dharma gởi đính kèm bức thư này), chỉ có 1 câu duy nhất (câu thứ 5) ghi là: “… Akhar thrah Chăm không bao giờ có paoh gak, craoh aw luôn luôn phải có dartha, và không bao giờ có baluw trên dartha-dardua” nghĩa là nói về chữ viết Chăm.

Tất cả 15 đại biểu đều ký vào biên bản kết luận này (trong đó có bản thân tôi) vì xét thấy 5 câu nói về việc “trân trọng và bảo tồn di sản văn hóa Chăm” thì không có gì là sai. Còn nội dung câu thứ 5 nói về 3 ký tự cần xét lại là ý của các cụ trong Ban BSSCC cũ (đã qua đời, hay nghĩ hưu) đã gửi gấm cho thế hệ sau, vì đây là 3 vần phức tạp luôn luôn gây tranh cải. Sự bế tắc tiếp theo đó là bắt nguồn từ “Bản tường trình về hội thảo khoa học lịch sử ngôn ngữ và chữ viết Chăm ngày 21-22 tháng 9 năm 2006 tại Kuala Lumpua”. Trong lúc kết luận, hội thảo chỉ nêu có 3 ký tự “sai lầm” cần phải xem xét lại, thì bản tường trình này của Po Dharma gởi cho Bộ giáo dục – đào tạo Việt Nam ghi rõ (và chi tiết hóa) là có bảy điểm sai lầm trong sách giáo trình của Ban BSSCC!! Bảy sai lầm này, theo Po Dharma, phát xuất từ 9 nguyên nhân. Po Dharma triển khai bảy điểm sai lầm và 9 nguyên nhân nói trên một cách “lố bịch”(vì không bao giờ được trình bày trong Hội thảo) để đi đến kết luận rằng:

- “Ban BSSCC đã chế biến ra một hệ thống chữ viết Chăm mới, khác xa với chữ akhar thrah truyền thống đang lưu hành trong cộng đồng Chăm hôm nay” (trang 2).

- “Ban BSSCC không tôn trọng qui luật chữ viết Chăm truyền thống mà lợi dụng cơ hội này để chế biến akhar thrah Chăm theo quan điểm riêng tư của mình hầu đưa vào trường lớp phổ thông” (trang 2).

- “Điều này (việc chuẩn hóa ngôn ngữ Chăm) đã nói lên phong cách làm việc thiếu nghiêm túc và thiếu khoa học của Ban BSSCC”. (trang 3)

- “Ban BSSCC đã vô tình biến học sinh Chăm học tiếng Chăm của Ban BSSCC thành một thế hệ vô dụng…”. (trang 3)

- “Ban BSSCC đã tạo ra một loại ngôn ngữ chữ viết hoàn toàn khác hẳn với akhar thrah đã lưu truyền từ thế kỷ 17 cho đến hôm nay”. (trang 3)

Như vậy, từ 3 ký tự “sai lầm” cần xét lại của Hội thảo Kuala Lumpua, Po Dharma viết bản tường trình hết sức “không bình thường” như các kết luận nêu trên đây. Do bản tường trình này quá kỳ lạ mà Bộ Giáo dục – đào tạo Việt Nam phải mở ngay hội nghị ngày 07-2-2007 tại Ninh Thuận dưới sự chủ tọa của bà Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai nhằm mục đích xem xét lại cụ thế những “tồn tại – sai lầm” trong vấn đề chuẩn hóa chữ viết Chăm có trầm trọng như nội dung của bản tường trình đó không, hầu đi đến quyết định dừng lại bộ sách giáo khoa tiếng Chăm đang đà chỉnh lý và in ấn lại cho kịp phục vụ năm học mới, hay cứ tiếp tục tiến hành theo kế hoạch…

Mục tiêu của hội nghị Ninh Thuận rất rõ ràng như thế và đã đưa đến kết luận cũng rất rõ ràng, xin tóm lược như sau:

- Những “tồn tại – sai lầm” trong việc chuẩn hóa chữ viết Chăm không có gì trầm trọng và Ban BSSCC cần tiếp tục tiến hành chỉnh lý bộ sách giáo khoa tiếng Chăm theo đúng kế hoạch để ấn định.

- Bộ giao trách nhiệm cho UBND tỉnh Ninh Thuận mở hội nghị về ngôn ngữ chữ viết Chăm (gồm đủ các thành phần: các trí thức tiêu biểu dân tộc Chăm, một số chuyên viên ngôn ngữ học và Chăm học và đại diện của UBND tỉnh Ninh Thuận) để thảo luận về những điểm “tồn tại – sai lầm” đang được tranh luận.

7. Tại sao cho đến hôm nay, hội nghị bàn về chữ viết Chăm nói trên vẫn chưa được tổ chức? Po Dharma cho đây là một BÍ ẨN! Tôi xin mạn phép giải trình bí ẩn này như sau:

- Một là: Po Dharma hiểu lầm một cách tai hại nội dung và mục tiêu của hội nghị Ninh Thuận (như đã nói rõ trên đây) chỉ kéo dài một buổi và không đủ thành phần bắt buộc để giải quyết kết luận của hội thảo Kuala Lumpur và những tồn tại khác nếu có. Ông ở xa không nắm được thông tin cụ thể, chỉ nghe một số người báo cáo lệch lạc nên Champaka mới đăng bài của ja Kathaut mở tòa án dân tộc kết tội treo cổ những người “bán đứng băn hóa Chăm!?”

- Hai là: Nguyễn Văn Tỷ, Lộ Minh Trại và Thuận Ngọc Liêm là 3 đại biểu của hội thảo K.L có viết một bức thư thanh minh rõ việc hiểu lầm đó để giải tỏa những thắc mắc và phẩn nộ nơi trí thức Chăm do bức thư ja Kathaut gây ra, rất tin tưởng ở thiện chí của mình, nhưng ông lại trả lời: “Bức thư của các ông Tỷ, Trại, Liêm gởi qua cổng công an Hà Nội”, ý muốn nói mấy ông này cộng tác với công an để “dập” Champaka!!!

- Ba là: Từ kết luận hội thảo K.L ai cũng hiểu là 3 ký tự đặc biệt đó phải được hội nghị xem lại dưới ánh sáng của khoa học, nay P.D đã nói rõ ra là phải trở lại y như cũ. Như vậy là Ban BSSCC phải “cải lùi” chứ không được cải tiến  3 ký tự này. Từ đó không ai còn mặn mà với hội nghị do hội thảo K.L đề nghị và Ban BSSCC cũng không quan tâm đến những gì Champaka nói nữa. BÍ ẨN là như thế đấy!

8. Vào tháng 5 năm 2013, TS Quảng Đại Cẩn được Bộ giáo dục – đào tạo Việt Nam mời dự Hội nghị về ngôn ngữ tại Hà Nội, Champaka liền tung ra 4 bài liên tiếp để chặn đứng và bôi nhọ Quảng Đại Cẩn. Một số người thấy vô lý quá nên phản ứng mãnh liệt thì Champaka la hoán lên là “đội ngũ bút chiến Hà Nội trù dập các người không đồng tình với Ban BSSCC!!”. Nói như thế có logic và khoa học không???

9. Ngày 24/7/2013, trong không khí đầy căng thẳng của sự cải cọ gây gắt về việc “phải cải tiến chữ viết Chăm, hay không được cải tiến”, tôi có viết một bức thư dài không phải cho Po Dharma (để làm gì?) mà cho các trí thức Chăm để bày tỏ quan điểm của tôi (nguyên là Trưởng Ban BSSCC) là không thể không cải tiến, vì “CÁI TIẾN ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN” nếu không muốn đi vào bế tắc! Quan điểm này được đại đa số trí thức trong nước và ngoài nước hoan nghênh và ủng hộ thì Po Dharma cho là tôi huy động và hình thành đội ngũ bút chiến để trù dập những người không đồng tình với Ban BSSCC?!!

- Về lời phát biểu của tôi trong bức thư nói trên mà Po Dharma cho là nhằm lên án và hạ bệ chính ông ta: “Po Dharma chỉ chuyên về lịch sử, chứ về ngôn ngữ chữ viết Chăm biết được bao nhiêu mà cứ lớn tiếng chửi bới người khác và tự cho mình là “bậc thầy” trong các vấn đề tranh luận… về ngôn ngữ chữ viết Chăm”. Tôi cho là lời phát biểu này rất chính xác, rất có văn hóa, cụ thể:

Một là: Ông chỉ chuyên môn về lịch sử thì rõ ràng, còn về ngôn ngữ chữ viết Chăm làm sao so được với các cây cổ thụ: Nhà văn hóa Chăm Bổ Thuận (sống vào đầu thế kỳ 20), các cụ quá cố Lưu Quí Tân, Thiên Sanh Cảnh, Lâm Nài, Bạch Thanh Chạy hay các cụ còn sống như Lâm Gia Tinh, Qua Đình Bồi, Châu Văn Kên? Và những người này là những người ủng hộ sự cải tiến chữ viết Chăm của Ban BSSCC!?

Hai là: Po Dharma thường lớn tiếng chửi bới, chê bai, mỉa mai người khác, cụ thể:

+ Ý đã nhắc trên đây: “Sách giáo trình của Ban BSSCC chỗ nào cũng có baluw” (= lông!)…

+ “Năm 1975 là năm đánh dấu cho định mệnh tăm tối nhất của akhar thrah Chăm. Biểu tượng cho định mệnh tăm tối này là sự ra đời của Ban biên soạn tiếng Chăm ở Việt Nam?” (Vấn đề ngôn ngữ chữ viết Chăm sau năm 1975 – trang 2, hàng thứ 4). Tôi còn nhớ, cụ Lâm Nài phải ứa nước mắt khi đọc đến câu này!

+ “Đưa các con em học tiếng Chăm thành người mù chữ tiếng Chăm” (văn bản trên, trang 7, hàng 34)

+ “Phá hủy cả một di sản ngôn ngữ chữ viết vô cùng quí giá của dân tộc Chăm đã lưu lại từ thế hệ này sang thế hệ khác”. (văn bản trên trang 7, hàng 36)

+ “Ban BSSCC lí luận thô sơ là: giúp con em Chăm học và đọc nhanh chóng chữ Chăm,… không khác gì Ban BSSCC yêu cầu bỏ các dấu thanh (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) trong tiếng Việt để con em người Chăm cũng như các dân tộc thiểu số khác dễ viết và dễ phát âm hơn” (???) (Tường trình Hội thảo K.L trang 3, h àng 15)

+ Vân vân và vân vân…

Nếu quí vị đọc lại 3 văn bản: Báo cáo Osaka, Vấn đề ngôn ngữ chữ viết Chăm sau 1975, và Bản tường trình đã được trích dẫn trên đây, quí vị sẽ nhận thấy là Po Dharma rất trịch thượng đã tự chứng tỏ là “bậc thầy” của các bậc thầy! Vậy quí vị suy nghĩ như thế nào câu nói của Po Dharma đối với câu phát biểu của tôi: “Đây  là thể loại văn chương thiếu văn hóa!?”.

10. Để kết luận, Po Dharma viết: “Thư này chỉ nhằm cho ông biết rằng chữ viết Chăm là di sản thiêng liêng của dân tộc Chăm, chứ không phải tài sản riêng tư của ông hay của bất cứ ai. Chính vì thế ông hay Ban BSSCC không có quyền cải biến chữ viết Chăm một cách tùy tiện”. Đúng là trịch thượng của bậc thầy thiên hạ!!

Tôi xin trả lời: Chữ viết Chăm là di sản thiêng liêng của dân tộc Chăm, chỉ cộng đồng dân tộc Chăm mới có trách nhiệm và có quyền bàn bạc về việc cải tiến hay không cải tiến, chứ một người sống lưu vong bị cả cộng đồng nguyền rủa là phá hoại sự đoàn kết và sự bình yên của dân tộc như bản thân ông thì không có quyền gì nói đến ngôn ngữ chữ viết Chăm hay di sản văn hóa Chăm của chúng tôi!”

Kính thưa quí vị, bức thư trả lời của tôi tuy không chi tiết lắm nhưng khá đầy đủ những thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề phát biểu của Po Dharma, đặc biệt là vấn đề Hội thảo Kuala Lumpur mà ông ta rất lấy làm tâm đắc và hảnh diện!

Tôi xin phép được chấm dứt ở đây.

Kính chúc quí vị và bà con mạnh khỏe và thành công trong cuộc sống.



Bản sao kính gửi:                                                                          Kính thư

- Bộ giáo dục – Đào tạo;                                                              

- Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch;                                                                

- UBND tỉnh Ninh Thuận;

- Sở giáo dục – Đào tạo Ninh Thuận;

   Để “Kính báo cáo”

                                                                                     Nguyễn Văn Tỷ

 

 

 

Like (1)
Loading...
1
bavananh
sao ba con minh lai chui nhau the kia, hay chung tay vi cong dong chu
November 12, 2013
admin
<p><img src="https://scontent-a-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-ash3/1466053_197411823780617_2038207993_n.jpg" alt="" width="279" height="426" /></p>
November 12, 2013