• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
prancham
by On May 8, 2016  in Văn hóa Champa / Lịch sử Champa /
0 Rating 800 views 1 Likes 0 Comments

+Văn hoá Sa Huỳnh Khu vực ven biển miền Trung Việt Nam từ Quảng Bình đến Bình Thuận và một phần Tây Nguyên từ lâu đã là địa bàn sinh tụ của các dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo - Polynesien, trong đó người Chăm là đông nhất.

 

Phát hiện khảo cổ học về các khu cư trú và mộ táng của người cổ ở vùng này cho thấy có một trung tâm nông nghiệp trồng lúa thuộc thời đại kim khí phát triển từ tiền Sa Huỳnh tới Sa Huỳnh với các giai đoạn văn hóa Xóm Cồn (Khánh Hòa), văn hóa Long Thạnh, văn hóa Bình Châu và văn hóa Sa Huỳnh liên tục cách ngày nay khoảng 3.500 - 2.200 năm. Thời tiền Sa Hùynh, cư dân cổ tại đây sở hữu những đồ đất nung gồm chum, vò hình trứng có nắp đậy trang trí hoa văn thừng, khắc vạch… được tô màu, miết láng. Thời Văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cư dân đã có nhiều nghề cơ bản: đúc đồng, rèn sắt, làm gốm, dệt vải, nấu thủy tinh, chế tạo đồ trang sức và buôn bán thương mại mà di vật còn lại là các loại khuôn đúc đồng, xỉ đồng, công cụ và vũ khí bằng sắt, đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh trong đó có vật đeo hai đầu thú, các loại khuyên tai đa dạng: loại khối tròn phía ngoài có 3 mấu hình tam giác, loại tròn phình quăn như con đỉa… làm bằng đất nung, đá quý hoặc thủy tinh, kim loại đồng… và đồ gốm với các hình dạng, hoa văn đặc trưng: bát chân cao có hai lỗ dưới chân trang trí văn chấm dải, nồi miệng loe có hai lỗ trên cổ… đặc biệt là tục chôn người chết trong các loại vò gốm [51, tr.11] với đủ loại đồ tùy táng như đồ trang sức, đồ gốm, vũ khí… được chế tác tinh xảo. Văn hóa Sa Huỳnh được xem là tiền đề của văn hóa Champa.

Bát chân cao:

 Bát được tạo hình như một chiếc đĩa bồng chân cao hơi loe nhưng đường kính chân chỉ nhỏ bằng nửa so với miệng bát. Vành miệng có thành hơi xiên. Bát được nặn bằng tay, nung nhẹ lửa, văn chấm dải.

+ Văn hoá Chămpa (TK II- TK XVII)

Năm 179 tr. CN, mảnh đất miền Trung - Sa Huỳnh cùng chung số phận với Âu Lạc - Đông Sơn khi Triệu Đà xâm lược. Năm 111 tr. CN, miền đất này thuộc nhà Hán, được gọi là quận Nhật Nam. Nhưng cùng với nhân dân Giao Chỉ và Cửu Chân ở phía Bắc, nhân dân Nhật Nam nhiều lần khởi nghĩa đòi quyền độc lập và đã trở thành bộ phận đầu tiên giành được độc lập: Năm 192, Khu Liên (Srimara?) lãnh đạo nhân dân huyện Tượng Lâm thuộc Nhật Nam đuổi được quân Hán thành lập nước với tên gọi là Lâm Ấp có nghĩa là xứ rừng. Đến TK VII, Sambhuvarman (Phạm Chí) khẳng định tên nước là Champa mà thủ đô trước đó ở Sinhapura (Trà Kiệu). Tuy nhiên người Trung Quốc lại gọi Champa là nước Hoàn Vương (758 - 859) và sau đó gọi là nước Chiêm Thành. Lịch sử Champa hiện nay còn nhiều điểm chưa rõ ràng nhưng về đại thể có thể chia làm các giai đoạn như sau:

 - Giai đoạn Sinhapura - Trà Kiệu (192 - 750): bước đầu thống nhất.

 - Giai đoạn Virapura (750 - 850): khẳng định vị thế.

 - Giai đoạn Indrapura - Đồng Dương (850 - 982): bắt đầu phát triển

 - Giai đoạn Vijaya - Bình Định (982 - 1471): thịnh đạt và đi vào khủng hoảng.

 - Từ năm 1471, khi bị vua Lê Thánh Tông chia làm 3 nước nhỏ, vương quốc Champa chấm dứt sự tồn tại. Sau đó, các chúa Nguyễn Đàng Trong dần kiểm soát đất đai còn lại của Champa, năm 1693, kiểm soát miền đất cuối cùng Phan Rang - Bình Thuận. Tuy nhiên người Chăm vẫn được chúa Nguyễn và nhà Nguyễn phong vương kéo dài đến năm 1822 khi vua Chăm cuối cùng là Po Chơn Chan bỏ sang Campuchia thì vương triều Champa thật sự chấm dứt.

 Dân tộc Chăm cơ bản được hình thành từ hai thị tộc: Cau (Caramukar) ở phương Nam và Dừa (Narikelanamsa) ở phương Bắc. Về không gian sinh tồn, vương quốc Champa có 5 vùng: Amaravati tương ứng với Quảng Bình - Huế, Indrapura (Quảng Nam – Đà Nẵng), Vijaya (Quy Nhơn – Bình Định) với kinh đô là thành Chà Bàn (Đồ Bàn), Kauthara (Khánh Hòa), Pandurangar (Bình Thuận – Đồng Nai).

 Qua hàng ngàn năm lịch sử, nhân dân Champa đã xây dựng nên một nền văn hóa độc đáo mang đậm tính bản địa và chịu ảnh hưởng tôn giáo Ấn Độ trong đó chủ yếu là Bà la môn giáo và Phật giáo. Trong đạo Bà la môn, người Chăm tôn thờ Shiva trong tam vị nhất thể, Vishnu và Brahma ít quan trọng hơn. Từ khoảng thế kỷ XI đạo Hồi xuất hiện trong cộng đồng Champa.

 Champa đã để lại một khối lượng di tích và di vật rất lớn về kiến trúc, điêu khắc đá, các loại đồ đồng, đồ gốm, đồ thờ cúng bằng vàng, bạc, các loại đồ trang sức… các loại hiện vật này phản ánh những nét sinh hoạt trong xã hội Champa xưa, từ đời thường đến tôn giáo và cung đình, chúng có giá trị về nhiều mặt, nhất là về nghệ thuật. Đặc biệt có một quần thể kiến trúc đền tháp thuộc tôn giáo của Chămpa ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) còn gọi là “thánh địa Mỹ Sơn” được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12 năm 1999. Ngoài ra, người Chămpa còn để lại các di sản ca múa nhạc thể hiện một phần trên điêu khắc đá: các tượng vũ công hoặc người chơi nhạc cụ.

 - Kiến trúc Champa chủ yếu là các loại đền tháp (kalan) bằng gạch được xây dựng theo một kỹ thuật đặc biệt với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo trên gạch. Trong quá trình tồn tại, người Champa đã xây dựng hàng trăm đền tháp nhằm thờ cúng thần và các vị vua, tuy nhiên khi người Champa suy yếu các tháp đã bị bỏ hoang và bị phá hoại nghiêm trọng, hiện nay còn lại khoảng 70 tháp, rải rác ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Đaklak... tập trung nhiều ở Quảng Nam, nhất là Mỹ Sơn nơi được coi là vùng đất thánh dùng xây đền tháp thờ các vị vua đã qua đời mà mỗi vị vua được xây dựng một cụm kiến trúc gồm 4 tháp (tháp cổng, tháp nước, tháp lửa và tháp thờ).

Tháp Chăm thường có mặt bằng vuông, dùng gạch làm vật liệu xây dựng chính, chỉ có một ít bộ phận bằng đá như mi cửa, trụ cửa, bậc cửa. Mỗi tháp có ba tầng, nhỏ dần khi lên cao theo dạng núi Meru - nơi trú ngụ cùa các thần Bà la môn, tháp chỉ mở một cửa chính hướng về phía Đông, 3 cửa còn lại đóng kín. Theo quan niệm của người Chăm thì hướng Đông là hướng của thần linh, Bắc là hướng của ma quỷ, Tây Nam là hướng của dân chúng nên nhà cửa của người Chăm thường mở cửa về hướng Tây Nam.

 - Điêu khắc đá Champa là một bộ môn nổi tiếng được nghiên cứu từ cuối thế kỷ XIX. Các nhà nghiên cứu đã định ra được các phong cách tạo hình của Champa từ giai đoạn trước TK VII (chịu ảnh hưởng nghệ thuật Amaravati của Ấn Độ) cho tới giai đoạn nửa sau TK VII trở đi, đã tạo ra được những nét riêng của điêu khắc đá Champa qua 8 loại phong cách: Mỹ Sơn E1, Hòa Lai, Đồng Dương, Khương Mỹ, Chánh Lộ, Tháp Mắm, Yang Mun, Pô Rô Mê. Hiện nay sưu tập điêu khắc Champa tập trung ở các Bảo tàng Lịch sử Hà Nội, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Tổng hợp Huế, Bảo tàng Bình Định và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam –Tp. HCM. Nghệ thuật điêu khắc Champa rất phong phú với nhiều tác phẩm phù điêu, tượng tròn gắn với sinh hoạt tôn giáo Bà la môn, trên những tác phẩm này thường bắt gặp nét chủng tộc, y phục, trang sức Chăm hòa trộn với hình ảnh các vị thần Bà la môn, hoặc những nét tả thực cũng như cách điệu thể hiện trong hình ảnh con người, loài vật… hết sức sinh động.

Nữ thần Devi:

Được tạo tác bán thân, tóc búi kiểu hình tháp, lông mày liền nhau, mắt mở to, sống mũi thẳng, cân đối, miệng hơi nở nụ cuời tạo nên khuôn mặt xinh đẹp, hài hòa, tượng để hở bộ ngực tròn căng sức sống nhưng lại tạo nên một cảm giác thánh thiện.

Theo truyền thuyết, nữ thần Devi có tên Champa là Rija kula hara Devi, là vợ của vua Indravarman II, người sáng lập triều đại Đồng Dương, triều đại Phật giáo vào thế kỷ thứ IX. Vì Devi có công với đất nước, đặc biệt là thường giúp đỡ những người nghèo, cô nhi quả phụ, nên sau khi mất bà được phong thần và được vua Jaya Shinhavarman I dựng tháp thờ.

  

Thần Shiva:

Shiva là thần Bà la môn giáo được người Chăm thờ cúng và tôn vinh là vị thần tối cao. Khoảng TK IV, sự tôn thờ Shiva một cách tuyệt đối của các vua Champa khởi đầu bởi vua Bhabravarman đã hình thành một tôn giáo chuyên thờ thần Shiva gọi là Shiva giáo mà từ đó ra đời khu “thánh địa Mỹ Sơn”. Shiva vừa mang tính hủy diệt vừa mang tính sáng tạo, vừa được coi là hung thần phá hoại, hủy diệt muôn loài vừa là phúc thần bảo vệ đời sống của cư dân Champa. Shiva thường thể hiện dưới dạng một nam nhân có ba con mắt với mắt thứ ba ở giữa trán, ba mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, ngọn lửa thế gian, và có thể nhìn thấy hết quá khứ, hiện tại, tương lai. Tay Shiva có khi cầm đinh ba biểu tượng cho sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt, có khi cầm rìu biểu hiện cho sự tuyệt đối hoặc cầm cây kiếm xua đuổi những sợ hãi và một tay ban phúc lành. Shiva cũng là vị thần tổng hợp, vạn sự đều qui tụ vào đó, khác nào như biển là nơi qui tụ tất cả mọi dòng nước trong, nước đục.

 Biểu tượng của Shiva là Linga. Linga cũng là biểu hiện của tam vị nhất thể với chỏm đầu hình cầu tròn là Shiva, phần giữa là Vishnu có tám cạnh và phần cuối là Brahma có bốn cạnh. Chiếc Linga đầu tiên xuất hiện dưới triều vua Bhadravarman thế kỷ IV. Nhà vua cho xây tại thánh địa Mỹ Sơn một đền thờ thần Shiva Bradravarman, mà biểu tượng là một Linga.

Thần Ganesha:

Là con của Shiva và Parvati, được thể hiện dạng đầu voi mình người với cái bụng to ăn quá no bị vỡ phải quấn con rắn Naduki bó lại. Theo thần thoại Ấn Độ, thần Ganesha có đầu voi là vì do trong một cơn nóng giận, Shiva lỡ chặt mất đầu Ganesha. Ngay sau đó Shiva sửa chữa sai lầm bằng cách lập lời nguyền sẽ lấy đầu kẻ nào gặp trước tiên để gắn vào thân hình Ganesha cho Ganesha sống lại, nhưng sinh vật mà Shiva gặp đầu tiên sau khi chém con mình lại là một chú voi nên Ganesha đành mang đầu voi mình người. Ganesha được coi là thần tài, thần hạnh phúc. Ở những quốc gia theo Ấn giáo, Ganesha rất được sùng kính.

Ganesha Chăm được thể hiện như trong thần thoại với tư thế ngồi, đầu đội vương miện, có con mắt thứ ba giữa trán,bụng cuốn con rắn Naduki. Tượng bị mất cả 2 cánh tay.

 

- Sư tử (Trà Kiệu – Quảng Nam, TK X - XI)

Sư tử, người Chăm gọi là “Rimon”, là hình tượng phổ biến trong điêu khắc Champa, đặc biệt là ở kinh đô Sinhapura (thành phố sư tử) - Trà Kiệu. Sư tử là con vật không có ở Champa nhưng vua chúa Champa lại dùng sư tử biểu hiện cho vương quyền. Theo quan niệm của người Chăm sư tử biểu tượng cho quý tộc, cho sức mạnh vì theo truyền thuyết, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu và đã giết được quỷ Hiraya Kapipu.

Sư tử Champa thường được tạo thân hình vạm vỡ với các tư thế đứng, ngồi, quỳ, phổ biến là tư thế đứng. Nghệ nhân thể hiện sư tử không hoàn toàn đúng theo đời thường nhưng lại được mang rất nhiều đồ trang sức.

 - Đồ gốm:

Nghề gốm ở Champa ít được biết đến. Khoảng nửa cuối TK XX mới có một số công trình đề cập về gốm Champa nhưng từ đó đến nay những hiểu biết về dòng gốm này vẫn còn ít ỏi so với lãnh vực kiến trúc và điêu khắc của vương quốc Chămpa. Tuy nhiên điều chắc chắn là đã từng tồn tại những lò gốm cổ trong địa bàn cư trú của người Chăm ở Bình Định như các lò Gò Sành, Gò Hời, Gò Trường Cửu, Gò Cây Me, Gò Ké… mà niên đại thuộc thời Vijaya. Điểm quan trọng khác là sản phẩm loại gốm này chủ yếu được phát hiện trong những công trình khảo cổ không những ở Hoa Lư, Thăng Long thuộc Đại Việt, Đại Làng, Đại Lào (Lâm Đồng) mà còn tìm thấy trên con tàu đắm ở Padanan (Philippine), ở cảng Altur thuộc bán đảo Sinai (Trung Cận Đông) [31, tr.236-242] … Điều đó cho thấy gốm Champa thực sự là một loại sản phẩm có chất lượng được tin tưởng sử dụng ở ngoài Champa. Đây có lẽ cũng là một dạng gốm xuất khẩu mà không sử dụng trong nội địa tương tự như gốm Chu Đậu Việt Nam thời Lê.

 

Sản phẩm gốm Champa rất đa dạng từ các loại gạch, ngói, vật trang trí phục vụ việc xây đền tháp, thành trì hoặc kiến trúc nhà ở cho đến các loại đồ đựng như bát đĩa hũ chóe, âu, bình, vò... Gốm đồ đựng Champa có nét riêng về dáng kiểu và đặc biệt là màu men với các loại men nâu ngả đen, da lươn, men ngọc, men sắt… mà bao giờ phần chân hiện vật cũng được để mộc. Gốm đồ đựng Champa được trang trí kiểu khuôn in, đắp nổi hoặc khắc vạch với những họa tiết hoa sen, dây lá, hình kỷ hà, sóng nước, mặt Kala… cho thấy đây là những thủ pháp trang trí đặc thù của các loại men độc sắc TK XIII - XIV trước khi xuất hiện gốm men xanh trắng.

- Lokesvara (Thế tự tại Bồ tát)

Người Champa xem Lokesvara là hình thức thể hiện sự kết hợp giữa Shiva (Bà la môn giáo) và Avalokitesvara (Phật giáo) với hình tượng nam nhân, được thờ phổ biến nhất tại vùng Indrapura (Đồng Dương - Quảng Nam), nơi đây tìm thấy nhiều tượng Lokesvara bằng kim loại (đồng, vàng, mạ vàng hoặc bạc) đa số được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. HCM và Bảo tàng Chàm Đà Nẵng. Lokesvara được thể hiện trong tư thế đứng hoặc ngồi, ngực nở eo thon, mang nhiều trang sức ở tai, cổ, bắp tay, cổ tay, cổ chân… khuôn mặt đầy đặn. Đôi mắt mở, tóc búi cao có miện chạm Avalokitesvara. Tượng thường có hai tay, cầm hoa sen, chuỗi hạt hoặc bình nước cam lồ.

Nghệ nhân Champa đã thể hiện Lokesvara với ý nghĩa thuần túy bằng trực giác, những biểu trưng của Phật giáo phù hợp với ước vọng và niềm tin của xã hội Champa xưa.

  - Tượng Phật Đồng Dương - TK IV

Người Chăm gọi Đức Phật là “phịh”. Tượng Đồng Dương mặc áo choàng hở vai trong tư thế đứng trên tòa sen, tóc hình bụt ốc, tai dài gần đến vai, đôi mắt mở, khuôn mặt thon và đầy đặn.

 Tượng Phật được thể hiện khá vạm vỡ, mang đậm phong cách Ấn Độ đến nỗi có nhà nghiên cứu cho rằng tượng được mang từ Ấn Độ sang. Trong các công trình nghiên cứu về Champa, nghề đúc đồng ít được quan tâm nhưng có một điều đáng lưu ý là trong các di vật Champa hầu như không có tượng Phật bằng đá và ngược lại không thấy các loại tượng Bà la môn được đúc bằng đồng. Ảnh hưởng của Phật giáo với Champa thể hiện mạnh nhất vào thời kỳ Indrapura.

VĂN HÓA CỔ CHĂMPA (Từ thời Kim khí - TK XVII)
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA CỔ CHĂMPA (Từ thời Kim khí - TK XVII)
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA CỔ CHĂMPA (Từ thời Kim khí - TK XVII)
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA CỔ CHĂMPA (Từ thời Kim khí - TK XVII)
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA CỔ CHĂMPA (Từ thời Kim khí - TK XVII)
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA CỔ CHĂMPA (Từ thời Kim khí - TK XVII)
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA CỔ CHĂMPA (Từ thời Kim khí - TK XVII)
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA CỔ CHĂMPA (Từ thời Kim khí - TK XVII)
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA CỔ CHĂMPA (Từ thời Kim khí - TK XVII)
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA CỔ CHĂMPA (Từ thời Kim khí - TK XVII)
Xem Ảnh lớn

 

Theo baotanglichsuvn.com

 

0
Total votes: 0
prancham
User not write anything about he.
Like (1)
Loading...
1

It will be interesting:

By: On April 17, 2015
0 Rating 502 views 1 like 0 Comments
Read more
By: On November 14, 2018
0 Rating 629 views 2 likes 0 Comments
Read more