prancham
On September 9, 2023
97 views
  • Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
TRI THỨC BẢN ĐỊA CÓ GIÁ TRỊ GÌ?
Nếu không có người bản địa rừng chỉ là những đốm xanh hoang tàng, nếu không có người bản địa âm thanh của rừng chỉ còn lại những tiếng cưa máy xé nát lòng.
Nhân vụ "600 hecta đất rừng sẽ bị "phá" chuyển sang làm hồ" mình xin kể vài thứ về tri thức bản địa. (Lưu ý: để khỏi Bí thư Bình Thuận bắt bẻ về từ "phá" và cho là "nhạy cảm", rồi quy kết "tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn và không gian mạng". Mình xin trích dẫn từ "phá" trong từ điển, hiểu là: hành động làm cho tan vỡ, hư hỏng, cho không còn tồn tại như cũ nữa. Ví dụ "phá mìn", phá nhà cũ xây nhà mới",... (TĐ Hoàng Phê 2010, tr. 979)). Như vậy, việc chuyển diện tích rừng sang hồ, làm cho nó không còn tồn tại như cũ nữa thì chúng ta hoàn toàn có thể dùng từ "phá".
Trên facebook này, mình viết rất nhiều bài về rừng gắn với người bản địa, đến nay Việt Nam chúng ta chưa có một chính sách "cụ thể" nào về rừng dành cho người bản địa, tất cả đều thuộc quyền quản lý của nhà nước, kể cả đất đai và quyền khai thác. Chính vì thế những can thiệp về rừng vô tình gạt đi quan điểm của cộng đồng và bỏ đi những giá trị của tri thức bản địa.
Tri thức bản địa có giá trị gì đối với rừng hôm nay?
Một thời gian dài, người ta cho rằng tri thức bản địa là những thứ lạc hậu và mê tín. Chính vì thế giá trị của trị thức bản địa không được được xem trọng và bị quên lãng đi. Người ta chỉ tin rằng "khoa học" mới là thứ đáng tin.
Trong một buổi nói chuyện do viện VESS tổ chức mình đã từng chia sẻ quan điểm về "tri thức bản địa" và "khoa học". Có thể xem, tri thức bản địa cũng là một dạng khoa học, mà loại khoa học ấy không phải kiểm chứng theo kiểu 1 + 1 = 2, mà nó được kiểm chứng bằng xương máu, thậm chí cả cái chết của nhân loại qua trải nghiệm. Một phát mình khoa học cũng thế, không phải bụp một cái là chúng ta phát minh được một thứ gì đó.
Tri thức bản địa và khoa học thực chất nó cùng tồn tại trên đường thẳng của sự phát triển, có thể phân ra thành ba giai đoạn. Gia đoạn thứ nhất là ý tưởng; Giai đoạn thứ hai là thực nghiệm (trải nghiệm); Giai đoạn thứ ba là kết quả. Trong ba giai đoạn, giữa tri thức bản địa và khoa học chỉ khác nhau ở giai đoạn thứ hai, đó là trong quá trình thực nghiệm (trải nghiệm) tri thức bản địa không ghi chép cụ thể, chứng minh từng bước, mà cộng đồng đưa nó vào bên trong ý niệm (quan niệm). Giai đoạn này có thể do bị thời gian vùi lấp hay cộng đồng cố ý làm cho nó "bí hiểm" hơn để giáo dục thế hệ sau.
Chẳng hạn, người Raglai sống trong một không gian rừng núi rộng lớn, có những vùng đất bằng phẳng nhưng tổ tiên người Raglai không chọn làm cánh đồng (ruộng), mà vẫn thích sống trên núi trồng ngô, mà trồng ngô rồi phải trồng chọn khu vực gần những mép đá to,... Kinh nghiệm sống cho họ biết được đất nào trồng cây gì, vùng nào có thể sống được mà không có bão cuốn, nước ngập,.... Họ không đi chứng minh trong lượng đất này bao nhiêu phần trăm là chất dinh dưỡng, hay đất loại gì,...vân vân để giáo dục cháu, nhưng họ có thể xem đất đó là vùng đất thiêng hay vùng đất "ma quỷ", xấu chẳng hạn để nhắc nhở con cháu không được đến vùng đất đó. Cũng như người Chăm, tại sao người Chăm phải làm nhà quay về hướng Đông hoặc hướng Nam chứ không quay về hướng Bắc, vì có một loại gió mà người Chăm gọi là "angin barak" (gió bắc), và họ cũng chả cần lý giải tại sao lại phải tránh những loại gió này, hay chứng minh trong loại gió này có chất độc gì,.... Đó là những thứ mà chúng ta có thể gọi "tri thức bản địa", nó được đúc kết từ kinh nghiệm của mỗi dân tộc, những tri thức ấy nó được truyền miệng từ đời này đến đời khác.
- Về vấn đề khai thác rừng, có lẽ chúng ta thường học trên sách giáo khoa và cứ nghĩ người dân tộc thiểu số là nhóm "phá rừng". Nhưng thực tế, rừng đối với cộng đồng dân tộc bản địa luôn luôn có mối quan hệ tương hỗ, chứ không kiểu "rừng vàng", "biển bạc" mà chúng ta có thể khai thác vô tội vạ. (Đọc thêm: Quan niệm người Chăm về rừng trên facebook này)
Đối với người Chăm và người Raglai mỗi khi chặt rừng họ phải trình bày rõ ràng với thần linh "chặt cây" để làm gì? Trong Rija hay đám thiêu người Chăm hôm nay, việc làm đám cần gỗ, tre và là-a, cho nên từ xưa đến này họ đều có khu vực rừng riêng của mình. Chẳng hạn, trong lễ tục Rija người Chăm có nói rằng, họ chặt cây này ở núi có tên là "cek mah" (núi vàng), "cek pariak" (núi bạc), đây là tên của núi chứ không phải như "rừng vàng", "biển bạc" như ngày nay. Và chặt cây để làm gì họ đưa vào trong quan niệm qua các lễ tục của mình. Ngoài rừng để chặt cây làm nhà hay lễ tục ra, người Chăm con có rừng để chăn nuôi (trâu), người Chăm gọi là "cek deng kabaw",... xưa hơn nữa có loại rừng để khai thác gỗ làm tàu thuyền, và họ cũng chỉ khai thác theo mùa vụ.
Thời Pháp thuộc người Chăm còn những loại rừng nay, và khai thác rừng phải xin Po Palei (chủ làng) hoặc thời Nhà Nguyễn là Lik Kleng (Lý trưởng). Sau năm 1975 các loại rừng này dường như biến mất, thậm chí rừng "thả trâu" của người Chăm cũng không còn. Còn người Raglai chặt cây chủ yếu để làm nhà và lễ tang, và các loại cây được chặt không phải là cổ thụ lớn như ngày nay, mỗi lần chặt cây họ cũng trình bày và cúng xin như người Chăm.
Một khi xã hội thay đổi, cơ chế vận hành thay đổi, cách thực hành về niềm tin và không gian linh thiêng cũng từ đó thoái lui nhường chỗ cho các quan niệm mới.
Về việc phá rừng làm hồ thuỷ lợi, nhắc đến thuỷ lợi để làm nông nghiệp có thể nói người Chăm đã phát triển từ hàng ngàn năm trước. Trong tài liệu Hoàng Gia Chăm ghi chép trên vùng đất Panduranga Ninh Thuận và Bình Thuận đã có hơn hàng trăm cái đập. Xây đập nước (banak) là kinh nghiệm vô cùng quý báu của người Chăm để phát triển nông nghiệp, ngoài đập lớn người Chăm còn có "can", "bra", halep (tiêu nước),... Và hoàng gia Champa xưa thu thuế (ikak jiâ) nông nghiệp dựa trên các cánh đồng "ăn nước" theo đập.
Người Chăm xây dựng đập (banak) không gây tác hại đến rừng (tự nhiên), mà dựa vào lưu vực của con sông mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho công đồng. Đập Nha Trinh (Banak Caklaing - Ninh Thuận) là một minh chứng được người Chăm lưu lại trong các giai thoại thời Po Klaong Giray, tức là thời Chế Mân thế kỷ 13.
Thời Chế Mân, người Chăm có một câu chuyện về cuộc thi xây dựng mương Đực và mương Cái giữa Po Kloang Giray với Po Dam. Po Klaong Giray dẫn dắt một nhóm phụ nữ, còn Po Dam dẫn dắt nhóm đàn ông. Cuối cùng con mương của nhóm nữ hoàn thành xong, nhóm Po Klaong Giray đã dành chiến thắng. Câu chuyện "ribaong kamei" (mương cái) và "ribaong likei" (mương đực) và kết quả thắng thua chỉ là truyền thuyết, nhưng việc xây dựng đập Nha Trinh và dẫn nước vào các ruộng đồng làng Chăm là có thật.
Khi phân tích lại vấn đề, tại sao mương bên nhóm đàn ông làm chưa hoàn thành, dẫn đến nhóm con trai thua cuộc. Chúng tôi mới phát hiện ra, truyền thuyết người Chăm đã gắn ý niệm về chế độ mẫu hệ đương thời để tô vẽ cho chiến thắng của người phụ nữ. Nhưng thực chất đây là có trình có sự tính toán rất cẩn thận và mang tính lịch sử thời Po Klaong Giray. Như chúng ta đã biết, giai đoạn Chế Mân khi còn là hoàng tử, Champa đang đương đầu với cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, đây là giai đoạn mà người con trai phải ra chiến trận, phụ nữ là hậu phương vững chắc để sản xuất và làm các vấn đề khác về nông nghiệp. Chính vì thế, hình ảnh phụ nữ tham gia vào các công việc đồng án là một điều dễ thấy.
Ngoài ra, khi làm một công trình thuỷ lợi hàng ngàn năm trước người Chăm đã phân tích về lợi ích và năng suất công trình mang lại về mặt kinh với kinh phí và nguồn lực mà vương quốc bỏ ra. Việc xây dựng mương đực và mương cái là một trường hợp. Theo dấu tích xây dựng kênh mương trên đập Nha Trinh, thì mương cái là con mương dùng để dẫn nước cho các vùng Praong (Phước Hậu và Phước Thuận ngày nay), mương đực sẽ chạy theo hướng về vùng Biuh phía tây (là công trình mương Nhật - Hoài Trung ngày nay). Thế kỹ thứ 13, người Chăm đã nghĩ ra một công trình đập để đưa nước từ con sông lên để tưới tiêu cho cánh đồng rộng lớn, không chỉ vùng đồng bằng (thấp) mà còn vùng cao, và họ đã tính toán nếu dẫn nước lên khu vực vùng cao thì năng suất vùng đất đó để trồng lúa nước đạt hay không, ngoài ra khu vực mà con mương đực đi qua có đủ rộng để canh tác và xứng tầm với kinh phí và công lực xây dựng nó không? Chính vì hoàn cảnh lịch sử và việc đánh giá năng suất cũng như lợi ích kinh tế mang lại trên mà người Chăm xưa quyết định dừng xây dựng kênh mương đực và tập trung vào mương cái.
Người Chăm xây dựng đập dẫn nước dựa vào điều kiện tự nhiên và đến nay nó chưa bao giờ lỗi thời, nếu chúng ta biết áp dụng nó không chỉ ở vùng đồng bằng mà vùng núi cũng có thể, bằng chứng là truyền thuyết "Po Kei Maw" cũng nói về việc làm đập để dẫn nước ở các vùng phía tây người Raglai.
Việc xây dựng hồ thuỷ lợi, bỏ hàng trăm hecta rừng hiện này, chúng ta chỉ nghe thấy các báo cáo "sẽ mang lại mấy chục triệu mét khối nước, phục vụ cho mấy ngàn hộ dân" nhưng trên thực tế các hồ làm xong tốn rất nhiều ngân sách, thậm chí môi trường tự nhiên bị phá vỡ nhưng hồ khô vẫn khô. Nên cần xem xét lại, đánh giá mất mát và lợi ích nó mang lại như thế nào.
Trên thực tế, không phải có hồ là có nước, có nước thì dân (bản địa) mới giàu mà chúng ta cần phải xem xét về điểm mạnh kinh tế của vùng hay dân tộc đó là gì? Chẳng hạn, người Raglai điểm mạnh của họ là việc chăn nuôi, trong lịch sử Champa - Panduranga cũng đã nhắc đến người Raglai chăn nuôi trâu rất giỏi, và là người trông coi trâu cho hoàng gia, điểm mạnh thứ hai của họ là người biết chăm sóc rừng và khai thác rừng. Hiện nay việc khai thác rừng toàn đấu thầu, đa phần là người Kinh (vùng khác đến), tại sao chúng ta không có một chính sách giao rừng để người Raglai tự quản lý và khai thác để làm kinh tế, đồng thời có những chính sách quy định về khai thác rõ ràng dành cho họ?
Thời Minh Mệnh, người Chăm thì bị đẩy ra xa biển, thời nay các dân tộc bản địa bị đẩy ra khỏi rừng. Trong tất cả các chính sách, chính sách khốc liệt nhất là đẩy con người ra khỏi môi trường sống quen thuộc của họ, việc đẩy họ ra khỏi khu vực này làm mất đi sinh kế, mất đi giá trị văn hoá,... họ giống kẻ bơ vơ lạc loài, và để khôi phục lại là một thời gian khá lâu và mất đi nhiều di sản khác.
Sohaniim.
Ảnh: Học hỏi người Raglai làm nhà sàn tại Bác Ái (khu vực hồ Sông Sắt).
Nguồn: fb
Dimension: 2048 x 1365
File Size: 791.88 Kb
Be the first person to like this.