• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
admin
by On January 23, 2012
669 views

Sakaya



Lễ hội Katé gồm có các bước lễ cơ bản như sau: “lễ đón rước trang phục–raok khan aw; lễ mở cửa tháp-péh bi-mbang yang; lễ tắm tượng thần-manei yang; lễ mặc trang phục cho thần-anguei khan aw ka po yang; Ðại lễ-maliéng yang và Hội- adaoh tamia ”. Ðó là nghi thức linh thiêng bắt buộc trong nghi lễ ở đền tháp Chăm. Tuy nhiên, ngày nay qui trình nghi lễ này của lễ Katé đã bị biến đổi ở một số đền tháp như sau:
Sau lễ đón trang phục (raok khan aw) là nghi lễ mở cửa tháp (péh bi-mbang yang). Thầy Kadhar hát lễ, thầy Camnei và bà Pajau đốt hương trầm tẩy uế đền tháp và xin thần Po Ginuer Mantri (Siva) để mở cửa đá của tháp (Cuh dhuk pahuel gihlau péh bi-mabang yang bitau). Nhưng rất tiếc ngày nay, cửa đá của đền tháp không còn nữa để mở mà cửa đá đã thay bằng cửa gỗ.

Ngày xưa đền tháp là nơi linh thiêng, nơi ngự trị của thánh thần và nơi cúng tế của tầng lớp tu sĩ, cho nên người Chăm phải kiêng cữ, người dân thường không ai được lên viếng thăm trừ khi có dịp tham gia cúng tế và ngay cả ông Camanei - ông trông coi đền tháp cũng không được mở cửa tháp tùy tiện nếu không phải là ngày lễ cúng của tháp. Ngày nay đền tháp Chăm bị sự quản lí của Bảo tàng tỉnh thuộc Sở VHTT-DL  Ninh Thuận nên tháp Chăm phải mở cửa thường xuyên để kinh doanh, phục vụ du lịch.

Ngày xưa ông Camanei (ông từ giữ đền) có vai trò quan trọng, không những đảm nhiệm việc trông coi đền tháp mà còn có nhiệm vụ thiêng liêng là người trực tiếp tắm tượng thần (manei yang) trong ngày lễ Katé. Ngày xưa ông Camanei như là một tu sĩ Chăm theo chế độ cha truyền con nối được cộng đồng Chăm cho hưởng hoa lợi ruộng đất đền tháp, suốt ngày phải kiêng cữ nhiều việc để chú tâm vào việc trông coi đền tháp. Ngày này ông Camanei Chăm được thay thế bởi nhân viên Bảo tàng, do đó ông Camanei phải tái nhập vào cuộc sống để kiếm kế sinh nhai, không còn giữ được những điều kiêng cữ, đến ngày lễ Katé thì ông mới đến làm lễ và tham gia tắm tượng. Việc không kiêng cữ của ông Camanei được xem là haram (ô uế) đối với thần linh. Ðiều này do nguyên nhân khách quan đưa đến làm cho ông Camanei ngày nay khác hẳn với ông Camanei theo phong tục của người Chăm xưa.

Các vị thần linh cầu cúng trong đền tháp lễ hội Katé truyền thống ngày xưa là những bức tượng đá cổ, linh thiêng (theo tín ngưỡng của nhân nhân) như tượng Po Klaong Garai ở tháp Po Klaong Garai (Ðô Vinh-Tháp Chàm), Po Ina Nagar ở tháp Po Ina Nagar (Hữu Ðức-Ninth Phước), Po Romé, Bia Sucan, Bia Sucih, tượng bò Nandin (Limo Kapil) ở tháp Po Romé (Hậu Sanh- Ninh Phước), v.v. Ngày nay một số bức tượng cổ nêu trên như Po Ina Nagar, Bia Sucan, Bia Sucih, tượng bò Nandin (Limo Kapil) đã bị mất cắp và đã bị thay thế bằng những tượng giả vô hồn trong những năm gần đây.

Ngày xưa nhiều tư liệu và hiện vật còn lưu giữ ở các bảo tàng cho biết Champa nổi tiếng về đồ trang sức, kim hoàn bằng vàng bạc và đá quý . Trước năm 1975, một số hiện vật này vẫn còn lưu giữ và được dùng mặc cho các tượng thần trong ngày lễ Katé ở một số đền tháp Chăm. Chẳng hạn, tượng thần Po Romé, ngoài mặc y phục còn được mặc nhiều vật trang sức khác như mão (đồ đội đầu), đồ đeo tai, còng tay, v.v bằng vàng trong ngày lễ. Tuy nhiên ngày nay những hiện vật này không còn nữa mà đã bị mất cắp. Vì vậy trong ngày lễ hội Katé chúng ta thấy tượng của vua Po Romé và một số tượng Chăm khác chỉ mặc trang phục mà không có đeo đồ trang sức lộng lẫy như xưa.

Các đồ cúng lễ trong Katé ngày nay cũng bị thay đổi. Ngày xưa, đền tháp Champa có ruộng đất riêng để hưởng hoa lợi. Ðây là nguồn kinh phí to lớn để các tu sĩ Chăm mua sắm lễ vật, vật dùng để cúng tế đền tháp. Vì kinh phí dồi dào nên họ mua sắm nhiều đồ quý giá để dùng trong cúng lễ như mâm bằng gỗ quí (gỗ mun), mâm đồng, chén bạc, áo quần ngũ sắc.v.v. Ngày nay do không còn ruộng đất, tu sĩ Chăm không còn kinh phí để cúng lễ và mua sắm những vật dùng trong lễ. Vì thế đồ dùng để cúng lễ Katé hiện nay trông thấy không đẹp mắt, họ dùng loại mâm cũ gãy chân, chén, ly bể miệng, khai trầu bị hư hỏng để đựng lễ vật dâng cúng thần linh trong ngày lễ Katé.

Nhạc cụ trong nghi lễ Katé truyền thống chỉ có đàn Rabap (hay còn gọi là Kanyi) được ông thầy Kadhar dùng để đệm hát bài thánh ca ca ngợi các vị thần. Nhưng ngày nay ngoài đàn Rabap còn có trống Ginang, Baranang, kèn Saranai – những nhạc cụ chỉ được phép biểu diễn trong nghi lễ Raja cũng được đem ra biểu diễn theo kiểu văn nghệ múa hát của những chàng trai cô gái Chăm thời hiện đại.

Ngày xưa, từ dân thường đến quan chức người Chăm kể cả người Kinh đều mặc trang phục truyền thống Chăm khi lên tháp dự lễ Katé. Ðây là điều bắt buộc theo phong tục của người Chăm. Nhưng ngày nay, tục này không còn nữa mà cho đến 80% những người dự lễ, không riêng gì người Kinh mà có cả một số cô gái Chăm đã lột bỏ áo dài truyền thống để mặc Âu phục (quần tây, áo sơ mi) lên tháp dự lễ Katé . Vì thế ngày nay khi nhìn toàn cảnh ngày hội Katé với dòng người lai căng không còn mang đậm bản sắc dân tộc Chăm mà giống như toàn cảnh lễ Chùa Hương, lễ Núi Bà Ðen ở Tây Ninh trong dịp Tết Nguyên Ðán.

Như trên đã trình bày, Katé ngày nay không còn là lễ nghi đơn thuần mà đã biến thành hội lễ. Ngày xưa trong lễ hội Katé, lễ phải diễn ra trước hội. Trong lúc bà Pajau đang xuất thần điệu múa thiêng trong tháp để kết thúc đại lễ thì bên ngoài mới được bắt đầu mở Hội. Ðó là nghi thức thiêng bắt buộc của các lễ hội ở đền tháp Chăm. Tuy nhiên ngày nay do ảnh hưởng của lễ hội hiện đại, lễ hội Katé truyền thống của người Chăm bị đảo lộn, phần Hội được tổ chức trước Lễ với những màn múa hát trình diễn trước đền tháp để khai mạc lễ hội và đón tiếp quan khách, sau đó mới đến phần Lễ.

“Katé là lễ hội lớn của cộng đồng người Chăm, được diễn ra trên một không gian rộng lớn từ đền tháp (bimong, kalan) - làng (palei)- đến gia đình (sang). Lễ hội được lần lượt tổ chức theo thứ tự trước sau tạo thành một dòng chảy của lễ hội Champa phong phú, đa dạng” . Ðiều này có nghĩa là khi Katé ở đền tháp kết thúc thì Katé ở làng mới được bắt đầu và tương tự như vậy, Katé ở làng kết thúc thì Katé ở gia đình mới bắt đầu. Ðây không phải là phong tục mà thuộc về luật tục (adat) của người Chăm, một qui ước của cộng đồng, dân tộc mà mỗi cá nhân, làng phải tuân theo. Ngày nay luật tục, nghi thức lễ Katé truyền thống này bị vỡ ở một số làng, chẳng hạn như làng Hữu Ðức (Palei Hamu Tanran), gia đình thường tổ chức ăn lễ Katé trước ngày lễ Katé ở đền tháp (bimong-kalan) và Katé của làng (palei).

Ngày xưa lễ Katé đơn điệu nhưng ngày nay ồn ào, náo nhiệt, sôi động. Ngày xưa đất tháp là đất thiêng, đất thánh, xung quanh tĩnh lặng, ngày thường không ai dám lai vãng đến sợ thần bắt (theo tín ngưỡng của nhân dân) chỉ đến ngày cúng lễ (ngày lành tháng tốt) mới được các tu sĩ Chăm và những tín đồ có nhu cầu cúng tế (mbun ka Po) mới đuợc lên tế lễ và dự lễ. Tất cả mọi điều cấm kỵ của người xưa đều có nguyên do của nó. Thứ nhất là người Chăm muốn giữ đền tháp như là một chốn tôn nghiêm để thờ tự tổ tiên, vị thần linh của họ; thứ hai là nhằm ngăn chặn con người đến sống xung quanh đất tháp để rồi mang theo những chất thải như tiểu tiện, xả rác, ăn uống bừa bãi những loại thức ăn cấm kị trong tôn giáo như thịt bò, heo, chó, mèo, cá trê mà tạo sự ô uế đền tháp; và thứ ba là ngăn chặn thị hiếu tò mò và lòng tham của một số người khi đứng trước tháp để chống mất cắp những vật quý, linh thiêng của đền tháp như tượng thờ, đồ trang sức, v.v. Ngày nay không gian đền tháp không còn tĩnh lặng, kiêng cữ như xưa để dìm bớt lòng tham của con người mà đã bị bao quanh bởi những ngôi nhà mới xây xa lạ, những dịch vụ, quầy hàng, quán ăn có cả món ăn cấm kị trong tôn giáo Chăm để phục khách du dịch tứ phương đến viếng thăm đền tháp Chăm hàng ngày. Vì vậy cảnh quan di tích tháp Chăm ngày càng xuống cấp, những bức tượng cổ, những tượng thờ vua – thần Chăm ở các đền tháp mấy năm gần đây lần lượt ra đi là điều tất yếu.

 Katé là sản phẩm của nền văn minh Champa vùng Panduranga chỉ được thực hiện ở 3 đền tháp thuộc vùng Panduranga như đền Po Ina Nagar (Hữu Ðức– Ninh Phước), tháp Po Klaong Garai (Ðô Vinh–Tháp Chàm) và tháp Po Romé (Hậu Sanh–Ninh Phước), cả ba tháp đều thuộc tỉnh Ninh Thuận. Nhưng ngày nay do nhu cầu du lịch, lễ hội Katé cũng được người Chăm giả (người Kinh hoá trang thành người Chăm qua sắc phục truyền thống của người Chăm) tổ chức ở nhóm đền tháp Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) thuộc vùng Amavati ở phía bắc Champa cổ, nơi mà ngày nay không còn người Chăm sinh sống. Ngày xưa Mỹ Sơn còn được mệnh danh như là một Thánh địa của vương quốc Champa một thời và từ thế kỉ V-VII là trung tâm phát triển Bàlamôn giáo của người Champa. Cho đến hôm nay chưa có nhà khoa học nào có thể tìm thấy một thông tin tư liệu nào cho biết từ thời xa xưa ở Thánh địa Mỹ Sơn có lễ hội Katé hay không ? Thậm chí ngày nay ngôi tháp Bimong Yang Pakran (Ba Tháp–Ninh Hải–Ninh Thuận) và tháp Po Dam (Lạc Trị–Bình Thuận)- nơi còn có nhiều người Chăm sinh sống nhưng những ngôi tháp này cũng không được người Chăm cúng lễ Katé cần gì nói đến đền tháp Mỹ Sơn. Thế mà ngày nay lễ hội Katé lại đột nhiên xuất hiện ở đền tháp Mỹ Sơn? Ðây là câu hỏi lớn đặt ra cho những nhà nghiên cứu.

Lễ hội Katé là sản phẩm lâu đời của nền văn minh vùng Panduranga – Champa đến hôm nay nó không còn nguyên gốc ban đầu mà đã bị biến đổi và lai căng. Sự biến đổi là quy luật của mọi sự vật và như vậy Katé phải biến đổi là quy luật tất yếu của thời đại nhưng quan trọng là biến đổi như thế nào để phát triển đi lên, chứ đừng biến đổi để rồi làm suy thoái và cuối cùng biến mất. Sự biến đổi của lễ hội Katé vừa nêu trên là biến đối theo đà suy thoái. Ðó là hậu quả của sự ảnh hưởng, tác động của văn hoá hiện đại và làn sóng du lịch trong lễ hội Katé cũng như ở các di tích đền tháp Champa. Ngày nay sự tác động của du lịch đến di sản văn hoá con người đang trở thành làn sóng cảnh báo trên toàn cầu. Một vấn đề không ai có thể chối cãi là du lịch có tác động tốt đến nhu cầu giải trí con người, góp phần quảng bá di sản văn hoá, giải quyết công ăn việc làm cho người địa phương và tăng ngân sách cho nhà nước. Ngược lại du lịch có mặt tiêu cực nếu con người khai thác không đúng hướng, nó tác động đến di sản văn hoá, làm cho di sản xuống cấp, văn hoá bản địa bị lai căng do ảnh hưởng nhiều luồng văn hoá khác nhau và ô nhiễm môi trường, trường hợp lễ hội Katé ở Việt Nam là bằng chứng.

 Ngày nay lễ hội Katé và di tích đền Chăm được nhìn nhận từ hai phía khác nhau: về phía nhân dân Chăm xem lễ hội Katé, đặc biệt là di tích đền tháp ở Ninh Thuận là cơ sở thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo của họ cần phải trả lại sự yên lặng và tôn nghiêm; và ngược lại phía chính quyền nhà nước thì xem lễ hội Katé và các di tích đền tháp Chăm là di sản văn hoá của quốc gia và nguồn du lịch mặc nhiên được khai thác. Cả hai phía đều có lí do nhưng hi vọng dưới ánh sáng đường lối đúng đắn của Ðảng – Nhà nước Việt Nam, một nhà nước “do dân và vì dân” thì sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Chăm sẽ được tốt hơn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho dân, cho đồng bào thiểu số.

(Source: http://monsakaya.com)

Be the first person to like this.