• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
bonghong
#0

Câu chuyện về Ja Mlen – Chế Linh ít được biết đến


 

Vào những thập niên 60, 70 của thế kỉ XX trong làng giải trí văn nghệ miền Nam xuất hiện một nam ca sĩ với chất giọng hát liêu trai gốc người Chàm. Tiếng hát ai oán cùng những tình khúc nói về lứa đôi tan vỡ và những cách trở của quê hương như chính thực trạng của đất nước đang có chiến tranh. Vì vậy, nó đã lôi cuốn làm mê muội người nghe một cách kì lạ. Người ca sĩ đó mang tên Chăm là Ja Mlen, ở palei Hamu Tanran, tỉnh Ninh Thuận. Sau này, nổi tiếng với nghệ danh Chế Linh.

Thời niên thiếu, như bao trẻ em Chăm khác, Chế Linh phải lao động sớm, anh gánh vác kinh tế gia đình bằng việc đi chăn trâu thuê. Cùng với đám bạn mục đồng, với tiếng sáo trúc và lời ca trên lưng trâu vào mỗi buổi trưa hè vô tư, dần dần hình thành nên một chất giọng khỏe khoắn, mặn mà, truyền cảm, bùi và mùi mặn rất đặc trưng. Và mỗi khi tiếng hát đó được ngân lên ai cũng dễ dàng nhận ra đó là của ca sĩ Chế Linh.

Tiếng hát Chế Linh sẽ khó vượt ra khỏi không gian palei Chăm, nếu không có biến cố xảy ra với cuộc đời anh. Khi Chế Linh còn học Trung học, chính phủ Ngô Đình Diệm vì muốn xóa bỏ ý thức tộc người thiểu số để đồng hóa nhanh các sắc dân khác thành người Việt. Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ban hành Quyết định cấm dạy thổ ngữ trong phạm vi toàn quốc. Trong đó có chữ Chăm – Akhar Thrah, vốn được tự do truyền bá suốt thời kì Pháp thuộc cũng không nằm ngoại lệ. Bức xúc trước sự phân biệt văn hóa cùng với những mâu thuẫn sắc tộc, Chế Linh quyết chí giải thoát bằng những chuyến đi xa nhà với mong muốn tìm lại sự hài hòa, gần gũi và đoàn kết giữa hai dân tộc Chăm-Việt. Nhưng lúc bấy giờ, anh vẫn chưa có một kế hoạch, một sự chuẩn bị nào cho cuộc “trốn chạy” của tuổi thiếu niên.

May mắn thay! Chế Linh quen biết bà Tư Ửng là người Hoa ở chợ Phú Quý chuyên đi bán vải dạo ở các palei Chăm. Mỗi chuyến đi buôn như thế, bà luôn cần người mang, vác vải dùm. Bà Tư Ửng còn có người thân thuộc làm nghề buôn bán ở Chợ Lớn (Saigon). Thế là, với sự nông nổi của tuổi thiếu niên, Ja Mlen đã theo bà Tư Ửng vào đô thành Saigon để tìm kiếm nguồn mưu sinh thỏa mãn chí phiêu lưu.

Ở chốn đô thành, Chế Linh không có tài sản gì và cũng chẳng có nghề nghiệp, anh được giới thiệu đến làm nghề gánh nước thuê trong Chợ Lớn. Trong thời gian này, anh hoàn toàn không có thông tin gì từ gia đình ở quê nhà. Và ngược lại, ở quê nhà cũng không ai biết lí do tại sao anh nao hoang – đi bụi.

Như một sự sắp đặt của ý trời, trong lần gánh nước, Chế Linh tình cờ gặp được người anh họ cùng quê là ông Lưu Quý Tân. Thấy người em vất vả ở nơi đất khách quê người, ông Lưu Quý Tân bàn với Chế Linh về kế hoạch đến chung sống với gia đình. Theo nguyện vọng của người anh họ, muốn Chế Linh quay trở lại trường lớp. Còn những lúc rảnh rỗi thì chăm sóc em, đi chợ và dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, đi học không bao lâu, Chế Linh nhận ra mình không có duyên với chuyện đèn sách. Nên, xin đi học nhạc theo sở thích. Và năng khiếu về âm nhạc của Chế Linh được nuôi dưỡng và phát triển đầu tiên khi gặp nhạc sĩ Đàng Năng Quạ (Chế Vũ Phương) khi ông đang học tại trường Quốc gia Sư phạm Saigon.

Sau này, Chế Linh có cơ hội được gặp gỡ với ca sĩ Duy Khánh. Từ đó, Chế Linh có nhiều bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sinh hoạt văn nghệ trong làng giải trí âm nhạc ở miền Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng hát Chế Linh có nhiều tiến bộ, từng bước chinh phục được triệu khán thính giả nghe nhạc và được mệnh danh là tứ trụ âm nhạc ở đất Saigon bao gồm: Duy Khánh, Trần Thiện Thanh (Nhật Trường), Hùng Cường và Chế Linh.

Sự chín mùi trong nghiệp cầm ca của Chế Linh được đánh dấu  bằng giải thưởng Kim Khánh với chiếc huy chương vàng cho hạng nam ca (năm 1972). Khi đã có chỗ đứng trong lòng khán giả, Chế Linh liên tục phát hành rất nhiều CD và tham gia nhiều chương trình Đại Nhạc hội toàn miền Nam. Thể loại nhạc anh chọn để thể hiện và giọng hát Chế Linh được nhiều tầng lớp người yêu mến. Đặc biệt, sự kết hợp ngẫu nhiên giữa cặp đôi Thanh Tuyền- Chế Linh, một giọng nữ cao và giọng nam trầm, tạo thành đôi song ca ăn ý đã thật sự làm chấn động một hiện tượng âm nhạc mới. Tiếng hát Chế Linh được chào đón khắp đô thành, ngoài chiến trường đến tận nơi miệt vườn. Trong những chuyến lưu diễn ở miền Trung, Chế Linh cùng đồng nghiệp đã tổ chức nhiều show diễn miễn phí cho học sinh Trường Trung học Pô Klong.

Tuy là người rất nổi tiếng cả trong nước lẫn ở hải ngoại, nhưng Chế Linh ở ngoài đời có lối sống khá bình dân, chan hòa với mọi người. Chế Linh còn có một đức tính khác mà ít người biết đến. Đó là tính dễ bị mắc cỡ. Khi còn chăm sóc, đưa đón bé Đào đi học (đang học lớp 1, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng)-con gái rượu của ông Lưu Quý Tân. Vào dịp Trung Thu, bé dặn Chế Linh mua cho lồng đèn có hình ngôi sao. Không biết có phải bị mắc cỡ vì lớn tuổi rồi mà đi mua lồng đèn chăng, nên Chế Linh chỉ mua lồng đèn giấy tròn và xếp gọn gàng mang về. Thấy chẳng giống lồng đèn Trung Thu ưa thích, bé khóc nức nở. Chế Linh dỗ hoài bé cũng không nín, thấy vậy, người hàng xóm tặng lồng đèn khác cho Chế Linh đền cho bé.

Gần 30 năm sinh hoạt âm nhạc ở nước ngoài, vào năm 2007, Chế Linh quay trở về Việt Nam lần đầu tiên để thăm lạipalei Chăm. Các bô lão, dân làng chào đón Ja Mlen như chính người thân ruột thịt của mình ở xa mới về. Một năm sau đó, Chế Linh cùng bà con Chăm đón rước Y Trang Po Inư Nưgar vào mùa lễ hội Katê. Nhân dịp này, Chế Linh đã thể hiện những ca khúc dân ca Chăm phục vụ cho đồng bào mình thưởng thức thật du dương thật sâu lắng khó tả. Được khán giả vỗ tay khen ngợi không dứt, đến nỗi Chế Linh không cầm được cảm xúc trên sân khấu quê nhà. Ja Mlen-Chế Linh không chỉ là đứa con Chăm yêu quý của riêng dân tộc Chăm mà còn là thần tượng của triệu khán thính giả người Việt trên toàn cầu./.

 

Nguon: Inrasara.com

Like (1)
Loading...
1