• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
Kaka
by On March 15, 2012
367 views

Inrasara đối thoại với độc giả xung quanh dự án Nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận

Sau khi trích đăng ý kiến của 4 trí thức Việt hàng đầu về vấn đề Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận (Inrasara.com, 10-3-2012), rồi sau khi bài trả lời phỏng vấn của tôi được phát trên BBC.Vietnamese (10-3-2012) và đăng lại ở Inrasara.com (12-3-2012), tôi nhận được khoảng 50 thư điện tử cũng như “phản hồi” [không đăng] liên quan đến dự án quốc gia này. Như đã hứa với bạn đọc, nay tôi hệ thống lại các câu lại thành 6 đề mục và tuần tự giải đáp như sau.

Thap-Po-Klaung-Girai.jpg

* Tháp Po Klaung Girai sẽ trở thành hoang bhaw nếu có sự cố hạt nhân – Photo Inrajaya.

1. Vấn đề đất văn vật và tâm linh

Inrasara đã đặt vấn đề về tâm linh dân tộc rất hay. Việc đặt vấn đề về cộng đồng Chăm đã từng cư trú tại Ninh Thuận hơn 2.000 năm là đáng quan tâm nhất” (Cao Nguyên L., Email). “Người Kinh mới tới 200 năm nay thôi, còn người Chăm sống ở đây hơn 2.000 năm. Chịu đựng vô số thiên tai địch họa, ta đều vượt qua. Còn khi có họa hạt nhân, người Chăm có trụ nổi không? Kính mong nhà thơ Inrasara hỏi thẳng Quốc hội câu hỏi này” (JaMok, phản hồi không đăng).

Inrasara: Xưa, vương quốc Champa gồm 4 khu vực địa lý – lịch sử khác nhau. Pandurangga (gồm Ninh Thuân và Bình Thuận ngày nay) là khu vực cực nam của đất nước. Người Chăm ở Ninh Thuận cư trú trên mảnh đất này hơn 2.000 năm, ở đó làng Caklaing mà tên còn được thấy trên bia kí cổ có mặt hơn 10 thế kỉ. Cho nên Ninh Thuận hiện còn rất nhiều di tích văn hóa lịch sử Chăm. Ngoài hai cụm tháp Po Rome (cách Nhà máy Điện hạt nhân 17km) và Po Klaung Girai (22km) bà con lên hành lễ hàng năm, có cả trăm di tích văn hóa – tín ngưỡng khác đang được thờ phụng. Có thể khẳng định, đây là vùng đất văn vật và tâm linh sâu đậm nhất của dân tộc Chăm xưa và nay. Qua quá trình lịch sử, người Chăm thiên di từ Huế, Quảng Nam… vào. Họ chạy nạn sang tận Mã Lai, Thái Lan, Campuchia,… nhưng số đông vẫn ở lại Ninh Thuận, hợp cùng với người “bản xứ” trụ lại. Rồi khi vua Quang Trung sau đó là Gia Long gồm thâu cả đồng bằng miền Nam, hai vị vua này vẫn dành riêng cho cộng đồng Chăm vùng Pandurangga với cơ chế tự quản đặc thù có tên là Thuận Thành Trấn.

Ninh Thuận là mảnh đất cằn cỗi ít mưa nhất Việt Nam, nhưng cộng đồng dân tộc thiểu số này chưa bao giờ có ý định dời đi, vĩnh viễn. Cả khi trải qua bao nhiêu thiên tai (hạn hán, dịch,…), bà con tạm lánh đi nhưng luôn luôn trở lại. Với mảnh đất và với tháp thiêng.

Người Việt có thành ngữ: “[nơi] chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Chăm hơi khác, họ nói: “[nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thauk ppadauk kiak). Chôn nhau thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh.

Khi có họa hạt nhân, 30km bán kính bao gồm cả hai cụm tháp thiêng trên sẽ thuộc vùng cấm. Các nhà khoa học cho biết, phải mất vài thập kỉ mới có thể rửa sạch nhiễm xạ (nếu con người quyết tâm tẩy rửa). Không ai lai vãng, tháp sẽ thành tháp hoang (Bimong bhaw), và hàng trăm Kut, Ghur (nghĩa trang tộc mẫu) cũng sẽ thành hoang (jwa)! Hoang, chỉ khi Bimong, KutGhur không còn ai cúng tế, thờ phung. Đó là hiện tượng không bất kì người Chăm nào tưởng tượng nổi nó xảy ra lúc mình còn sống.

2. Vấn đề liên quan đến cá nhân Inrasara

Inrasara là trí thức Chăm đầu tiên lên tiếng chính thức trên diễn đàn thế giới. Phải ghi nhận thái độ dũng cảm trí thức đó của anh” (LT và Mân, phản hồi không đăng). “Tại sao mãi đến hôm nay nhà thơ mới nói? Có quá muộn màng không?” (Klủn phản hồi không đăng; Phu phone). “Tôi rất hâm mộ ý kiến của anh trên BBC vì anh là Công dân đầu tiên tại Ninh Thuận phát ngôn độc lập công khai trên trường quốc tế… Hay anh có “phương cách” suy nghĩ gì sẽ chuyển về ở luôn tại Ninh Thuận trước khi xây dựng nhà máy ĐHN hay sau khi xây xong nhà máy ĐHN?” (Võ T. Phan Rang, Email).

- Tôi nghĩ việc nói lên ý kiến chân thật của mình về sự thể mang tính sống còn không gì gọi là dũng cảm cả. Nó cũng không là quá chậm, bởi đây là chuyện sống chết, ảnh hưởng nghiêm trọng và toàn diện đến đời sống một cộng đồng dân cư rộng lớn, nhưng lại là vấn đề rất chuyên biệt khó nắm bắt – Điện hạt nhân. Nó buộc phải được nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi phát biểu. Tôi đã phải đọc hơn 200 bài viết chuyên sâu ở trong và ngoài nước, tiếng Việt lẫn tiếng Anh của các chuyên gia đầu ngành cũng như giới trí thức – ủng hộ có, nghi ngại có, phản đối cũng có. Tôi đã đi xem Triển lãm Quốc tế Điện hạt nhân ở Hà Nội 25-10-2010 và nhận được nhiều tài liệu, nhưng có thể nói, đến hôm nay, tôi vẫn chưa tin mình hiểu hết về sự vận hành của một nhà máy điện hạt nhân.

Cho nên tôi chỉ phản ứng với vấn đề này như một con dân Chăm đồng thời như người nghiên cứu văn hóa dân tộc và một trí thức, chứ không như một chuyên gia. Không từ xa-lông hay từ chốn an toàn, mà phải đi vào lòng cộng đồng. Do đó, cho dù Chính phủ có quyết định tạm ngưng hoặc cứ tiếp tục dự án, tôi cũng phải về quê tôi Caklaing. Từ ý định đó, năm 2009 tôi mới dựng lên Nhà Trưng bày Văn hóa Inrahani – nhà trưng bày giữa cộng đồng và cho cộng đồng. Thứ nhất, để người Chăm hiểu và ý thức, từ đó bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; thứ hai, để người ngoài biết được giá trị của nền văn hóa lâu đời ấy. Tôi về, sống với cộng đồng, bất an và chịu đựng cùng cộng đồng và để nói lên tâm cảm chân thật nhất của cộng đồng, qua các trang viết.

3. Vấn đề nhân mạng

Thưa ông, ông có lo lắng về vấn đề nhân mạng của bà con mình không? Ông có thử đặt câu hỏi với các Đại biểu Quốc hội, rằng họ có dám đưa gia đình họ, vợ con họ đến sống ở Ninh Thuận không?” (phóng viên BBC). “Nhiều ý kiến khơi gợi hoài nghi về chính sách của Nhà nước khi đặt Nhà máy Điện hạt nhân nơi có nhiều người Chăm sinh sống” (Kiều Dung, phản hồi không đăng).

- Về nghi vấn của KD, tôi nghĩ không Nhà nước nào muốn hại riêng người Chăm cả. Như tôi được biết, Chính phủ có quyết định trên với lí do khu vực này hội đủ ba yếu tố thuận lợi: đây là vùng ít cư dân, có thềm lục địa vững chắc, và thuận tiện cho vận chuyển phục vụ vận hành nhà máy.

Còn nhân mạng? Khía cạnh này, tôi không lo lắm, dù không có gì quý hơn đời sống một con người; và mặc dù Ninh Thuận là tỉnh tập trung nhiều người Chăm hơn cả, chiếm gần một nửa tổng số người Chăm trong cả nước. Giả dụ có sự cố xảy ra, bằng nhiều phương tiện hiện đại, chính quyền có thể nhanh chóng di dời dân đến nơi an toàn. Việc ổn định đời sống nhân dân dù vô cùng tốn kém nhưng không phải không thể. Ngay cả khi nếu có vị Đại biểu Quốc hội nào [từng bỏ phiếu ủng hộ Dự án] nổi hứng dẫn vợ con về sống ở Ninh Thuận [để quảng bá về sự an toàn của nhà máy], họ càng không lo lắng gì nhiều về tính mạng người thân.

Điều cần nhấn mạnh là với đồng bào Chăm, mỗi sáng thức dậy nhìn thấy Nhà máy Điện hạt nhân đang chạy, lo lắng cho tương lai bấp bênh – hỏi làm sao họ có thể an cư lạc nghiệp. Cạnh đó và hơn thế, cả một vùng đất linh truyền đời với bao nhiêu tháp, đền, Kut, Ghur… luôn trong nguy cơ trở thành vùng đất hoang theo ám ảnh tâm hồn họ, họ không bất an mới là chuyện lạ.

Yếu tố văn hóa truyền thống và đời sống tâm linh của cả bộ phận lớn một dân tộc không là yếu tố quan trọng sao? Theo tôi, đây là câu hỏi mag tính quyết định.

4. Vấn đề kĩ thuật, nhân lực, lợi ích

Về kĩ thuật, Việt Nam chưa hội đủ điều kiện đảm bảo an toàn” (Kiều Dung, phản hồi không đăng). “Theo tôi nên đầu tư phát triển năng lượng gió (phong điện), vừa sạch sẽ vừa an toàn, chẳng ai phải lo âu bất an nữa” (Trần Can, phản hồi đã đăng). “Không có nhân lực còn tiền thì đi vay, kĩ thuật thì nhờ vả, sao lại đi xây nhà máy điện hạt nhân chớ” (Jalo, Hà và Dang Phan, phản hồi không đăng).

- Việt Nam có hội đủ nhân lực, tài lực và kĩ thuật cho Nhà máy Điện hạt nhân không, là câu hỏi khó trả lời, với bất kì ai không nắm rõ sự việc, nhất là khi họ không ở trong bộ phận trách nhiệm vạch định chính sách. Ngay cả việc đề nghị chuyển sang làm điện gió có lợi đến đâu, cũng thế…

5. Về diễn đàn Tagalau và buổi gặp mặt trí thức Chăm

Inrasara nhận bao nhiêu giải thưởng VN nhưng lại trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài, ông có đi nước đôi không?” (PH, phản hồi không đăng). “Nhà thơ có nên sử dụng đặc san Tagalau làm diễn đàn không, tôi thấy đây là sách rất có uy tín trong xã hội Chăm” (Chinh, phản hồi không đăng). “Nghe nói chú Sara không muốn dính vào Dự án này, nhưng theo chỗ cháu biết, Ban Dự án có nhã ý mời chú phụ trách gì đó, mà chú từ chối. Chú có thể nói rõ hơn không? Còn việc chú đã tổ chức cho họ gặp mặt trí thức Chăm tại quê thì sao?” (ĐNP, phone).

- Chính vì phản ứng như một trí thức có trách nhiệm mà, cho dù “nhận bao nhiêu ơn mưa móc của Nhà nước bằng các giải thưởng danh giá” tôi vẫn tư thế phản biện. Tôi lên tiếng ở diễn đàn nào bất kì, khi có cơ hội. Có bổn phận với đất nước, bên cạnh cần nói lên tiếng nói của cộng đồng. Không có chuyện nước đôi hay ba phải ở đây.

Thế nhưng bởi người Chăm sống giữa cộng đồng các dân tộc trong đất nước Việt Nam, nên một trí thức Chăm không nên tự hạn định ở phạm vi hẹp của cộng đồng mình mà cần mở ra với cả nước. Do vậy không ngạc nhiên, khi bà con thấy tôi còn bày tỏ thái độ về nhiều vấn đề khác có vẻ không liên can gì đến “thế giới” Chăm.

Về đặc san Tagalau, đây là tuyển tập sáng tác – sưu tầm và nghiên cứu văn hóa Chăm, nên xin hãy để cho nó làm các nhiệm vụ chưa ai làm đó, mà không biến đặc san này thành diễn đàn xã hội. Không những tôi từ chối đưa vấn đề Nhà máy Điện hạt nhân ra thảo luận mà còn từ chối tham gia giải quyết mấy tranh cãi quanh sự kiện chữ viết Chăm như vừa qua nữa.

Cá nhân Inrasara ít nhiều là điểm nóng của xã hội Chăm, nên nhiều sự kiện liên quan tôi được “tham khảo ý kiến”. Chú ý: tham khảo ý kiến, chứ không quyết định gì cả! OK, không vấn đề. Hôm Patrip mẹ, 2009, vị tiến sĩ phụ trách Dự án gợi ý tôi cho anh gặp mặt thân hào nhân sĩ và trí thức Chăm, để thăm dò dư luận bước đầu. Hơn 20 người từ nhiều làng khác nhau về giỗ mẹ tôi, tôi hỏi ý kiến các vị là có được không? – nhất trí! Sẵn rạp hát luôn.

Tôi nói: đây không là cuộc họp hay hội nghị, mà là nhà tôi, các bác các bạn cứ chất vấn thoải mái, không ngại ngùng gì cả. Để hai bên có thể đả thông nhau. Nguyên buổi chiều hôm ấy, anh chị em và thân hào nhân sĩ Chăm đã làm đúng tinh thần đó. Tôi nhớ một câu hỏi khá thẳng: “Nếu người Chăm chúng tôi nhất định không chấp nhận làm lò hạt nhân này, các anh sẽ làm gì?”. Câu trả lời là: – “Chúng tôi sẽ cố gắng giải thích sao cho đồng bào hiểu, vì đây là dự án mang lại lợi ích cho chính đồng bào”.

Sau đó, tôi không tham gia vào bất kì buổi họp hay “tham quan” nào về Dự án này.

6. Thái độ và cách giải quyết vấn đề

Không nói nữa, hãy lo kiếm tiền vào Sài Gòn mua nhà như các vị nhà ta đi” (ma kaiapa, phản hồi không đăng). Bạn đọc này thể hiện qua bài thơ:

Ngày mai 11-3… Panduranga khải hoàn!

mơ ước là thế/ nói làm gì chứ

chúng ta luôn được vỗ vỗ rồi cho về

luôn được tôn trọng mời tham dự, tham quan lan man

luôn được hỏi han trong tâm thế phải chấp nhận

nói làm gì chứ

rồi chúng ta sẽ được thế giới biết đến như một điểm nóng

bởi chẳng ai liều mạng, liều chết hơn chúng ta

biết đâu được mót những mảnh rơi của dự án

được dúi một mớ đôla đền bù giải toả,

giải tán đất đai, nhà cửa, mồ mả ông bà

biết đâu được cân nhắc cho đủ thành phần

và chắc chắn được điểm danh trong bảng kê thảm hoạ

nói làm gì chứ/ ừ, thôi không nói nữa

lo kiếm tiền vào Sài Gòn mua nhà ở như các vị nhà mình thôi.

nói mà làm gì chứ !!!

Sự bất an của “nhiều người” sẽ có thái độ phản đối hay chỉ là lo lắng bình thường?” (Võ T. Phan Rang, Email). “Nhân dân muốn biết sự thật… Cần phải bày tỏ ý kiến cho Đại biểu Chăm” (Amuniya, phản hồi đã đăng). “Chúng tôi thật sự lo lắng, không biết Đại biểu Quốc hội người Chăm có bất an không? Mong Inrasara sớm ‘nói chuyện’ với vị này và cho chúng tôi biết” (minhlamnu, phản hồi đã đăng; và mươi tin nhắn, điện thoại từ các nơi có nội dung tương tự). “Nhà văn có thấy cần thiết phải trưng cầu dân ý không?” (phóng viên BBC, Vô Danh và Vinh, phản hồi không đăng).

- Không nói nữa, hãy tìm cách rời mảnh đất này mà đi… chỉ là cách nói lẫy. Chúng ta phải có trách nhiệm với bản thân, với con cháu, với văn hóa dân tộc và nhất là, với mảnh đất thiêng liêng của cha ông. Nghĩa là không thể không tỏ thái độ.

Nhưng ai tỏ thái độ? – Trí thức! Cộng đồng Chăm chưa có bộ phận trí thức có tiếng nói trọng lượng, đó là điều không khó nhận ra. Vậy họ chỉ còn trông chờ vào Đại biểu của cộng đồng ở Quốc hội. Nhưng vị Đại biểu này đã có tiếng nói chưa? – Hoàn toàn chưa! Đáng buồn là vậy.

Riêng cá nhân tôi, sắp tới tôi sẽ có thư riêng gửi tới Đại biểu Quốc hội người Chăm, và cả Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận. Các vị Đại biểu này sẽ trực tiếp với cử tri, khi đó việc trưng cầu dân ý cần được nêu ra trước nhất. Nhưng làm sao kết quả của trưng cầu dân ý khả tín nhất? Thứ nhất, cơ quan hữu quan cần cung cấp đầy đủ thông tin về Dự án tới đồng bào; thứ hai, cho bà con hiểu rõ về ý thức dân chủ, về quyền tự quyết của một công dân trách nhiệm; cuối cùng là tạo không khí cởi mở để người Chăm và dân Ninh Thuận có thể thể hiện chính kiến của mình mà không vướng một trở ngại nào bất kì.

*

Trích bút kí “Sống và không để lại dấu vết”, 7-12-2011:

Đầu tháng 10-2011, nói chuyện ở Đại học An Giang về, thằng lớn hỏi tôi: – Bao giờ cei về quê nhà? Ý Jaka: về sống hẳn ở palei. Tôi có ý định này từ hai năm trước. Hôm nay đột ngột nó nhắc lại. Tôi phải về. Nàng Kiều mười lăm năm thôi, tôi – sắp hai mươi năm luân lạc rồi còn gì. Tôi sẽ về, rủ rê bà xã cùng về, hệt đạo sĩ Bà-la-môn vào giai đoạn áp chót. Không phải đi vào rừng vanaprastha. Còn rừng đâu mà vào. Mà là đi vào [rừng] lòng thế giới Chăm trở lại.

- Cei làm văn chương Việt đủ rồi, trong khi Chăm còn bao nhiêu thứ để làm. – Jaka nói.

Về, nhưng tôi sẽ không “làm”. Đọc sách về Chăm hay điền dã nghiên cứu – không; phục vụ cộng đồng – không; hưởng thú điền viên – càng không. Tôi vừa xong Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani ở quê. Tôi không về để lo mấy vụ đó, mà là – “kể”. Chăm có mênh mông chuyện mà không có nhà văn nào kể chúng đến với thế giới bên ngoài. Trong tôi còn tồn đọng cả đống câu chuyện mà chưa có thời gian lắng lòng lại để kể.

Về, là để kể.

Qua hơn nửa đời hư, tôi đã làm bao nhiêu cuộc chia tay. Đau đớn, nhưng đầy khoái hoạt. Cuối năm 2012, hoặc muộn lắm là sinh nhật thứ 57 – sớm càng tốt, tôi sẽ có trận cắt đứt lớn cuối cùng để làm cuộc trở về. Mênh mông chuyện kể Chăm đang réo gọi tôi ở phía trước.

 

Mùa nắng 2011, sau một ngày điền dã vào các palei Chăm, tôi nhờ cô nghiên cứu sinh đèo qua khu đất dự định xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân. Một khoảng trắng im lìm bày ra trước mắt. Bên kia là núi Chà Bang khô khốc, trần trụi đứng câm lặng, bên này là biển thẳm xanh vỗ sóng rì rầm. Vài ngôi nhà còn sót lại của khu cư dân vừa dời đi mỏng manh giữa trời chiều tràn gió.

- Về đi, em à, – Lát sau, tôi nói.

Buổi tối, đứng trên sân thượng nhà em vợ, tôi nhìn về phía “đó” lần nữa. Trời lặng gió đến tiếng rắn nước con lội qua mương cũng nghe được. Tôi nhìn sâu vào vùng trăng sáng vằng vặc. Caklaing cách nó chỉ mươi cây số. Gần nhất là làng Ia Li-u: năm cây. Chục làng Chăm lân cận cũng không quá hai mươi. Ba năm nữa, Nhà máy đầu tiên sẽ được khởi động thi công. Những cột sắt Fukushima sẽ mọc lên, ở đó.

Bạn ở California hay Paris, nghe tin về dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, có thể bạn cảm thương cho người Chăm. Ở Sài Gòn hay Hà Nội, đọc tin, có thể bạn lo lắng cho sinh phận con dân Chăm. Từ mấy ngàn năm qua, tổ tiên họ trụ nơi đó, cùng đất cằn, nắng, cát và gió. Họ – vỏn vẹn sáu vạn người, là cộng đồng còn truyền lưu đậm bản sắc văn hóa dân tộc xa xưa. Có thể bạn lên tiếng phản đối. Trên báo chí, ở diễn đàn quốc tế. Có thể…

Riêng tôi, tối hôm đó, đứng trên sân thượng đó, trong sát-na thời gian, tôi đã nhìn thấy định mệnh tôi, và phần nào đó – sinh phận Chăm. Không phải bằng suy niệm siêu hình hay qua phương tiện của thế giới ảo, mà bằng hiện thực trần trụi lồ lộ. Chỉ có giây phút đó của ngày đó trong không gian đó, tôi mới chứng ngộ được nó. Và tôi phần nào hiểu được văn chương – ít ra là của/ cho tôi – để làm gì và không để làm gì.

 

Sài Gòn, 14-3-2012

*

Lưu ý:

- Về phần câu hỏi trong bài này, tên thật hay nickname của bạn đọc “phản hồi” vẫn được giữ nguyên, riêng độc giả email và phone cho tôi thì xin được viết tắt.

- Sau 2 bài về Dự án NMĐHN được yêu cầu tạm “không” phản hồi, từ bài này trở đi, độc giả có thể tiếp tục gửi “phản hồi” như thường lệ. Khi viết nhận xét, xin độc giả và anh chị em lưu ý thêm về tinh thần và thái độ phản hồi như đã quy định.

 

Source:  Inrasara.com

Posted in: Tin cộng đồng
Like (2)
Loading...
2
samkei95
Ko bik mục đích xây nhà máy điện hạt nhân ở Nưga có mục đích gì khác ko nhỉ???
1
1
March 17, 2012