• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
Kaka
by On January 19, 2012
334 views

Nhạc cụ truyền thống
 
NC News - Nhạc cụ là thành tố quan trọng để tạo nên phần hồn lễ hội Chăm. Nhạc cụ Chăm không chỉ là sản phẩm vật chất đơn thuần mà còn là phương tiện biểu diễn nghệ thuật mang lại biểu cảm thẩm mỹ trong đời sống tâm linh.

Phải nói lễ hội Chăm là nơi bảo tồn, lưu giữ nhạc cụ Chăm. Hầu hết các loại nhạc cụ Chăm nhằm mục đích để phục vụ cho lễ hội. 
 
Nhạc cụ Chăm sử dụng trong lễ hội bao gồm: Đàn Ka nhi, Rabap trống Ginăng, Basanưng, kèn Sarakai, Hagar (trống nhỏ), Chiêng, Asăng (tù và), Tăngek (nhạc gõ bằng 2 cây gỗ). Ngoài ra còn có Mã la do người Raglai biểu diễn. Các nhạc cụ trên có các đặc điểm sau đây:

Đàn Kanhi: là loại đàn kéo một dây tương tự như đàn nhị của người Kinh. Thân đàn Kanhi được làm bằng mai rùa vàng. Trên thân mai rùa vàng có gắn một đoạn tre nhỏ đặc cỡ ngón chân cái, dài khoảng 0,65cm. Ở đầu đoạn tre này có hai cần để kéo dây gọi là hai tai Kanhi. Từ hai cần kéo (hai tai) nối xuống với cây tre bằng một sợi là dây đàn chính của Kanhi. Ngoài ra cần kéo này nối với cây tre bằng lông đuôi ngựa uốn cong như cánh cung. Đây chính là dây kéo của đàn Kanhi để tạo ra âm thanh.

Theo truyền thuyết Chăm đàn Kanhi là biểu tượng cho 4 đứa con của thần mẹ xứ sở - Po Inư Nưgar có tên là: Jakak, jakan chuyên trông coi việc trên trời và jalo, jalai trông coi ở trần gian (dun ya). Do vậy đàn Kanhi người Chăm sử dụng trong hai trường hợp sau:

- Kanhi dùng trong đám tang gọi là “Kanhi đam”. Người Chăm thường sử dụng 2 đàn Kanhi cho đám tang 2 thầy Paseh và sử dụng 4 cái cho đám tang 4 thầy Paseh. Kanhi trong nghi lễ này do nghệ nhân biểu diễn phục vụ cho công việc trần gian là nhằm để phụ hoạ với bài hát lễ tiễn đưa hồn người quá cố về thế giới bên kia.

- Đàn Rabap cũng tương tự, cùng họ với đàn Kanhi trên nhưng chỉ được sử dụng đơn chiếc. Rabap vừa là vật tổ môn phái của thầy Kadhar - một thầy tín ngưỡng dân gian Chăm thờ thần mặt trời (yang prong). Do đó Rabap chỉ được thầy Kadhar sử dụng để hoà âm với các bài thánh ca, ca ngợi các vị thần trên trời ở lễ hội như lễ hội đền tháp, lễ tế thần linh puis, payak, lễ tế trâu…

Cả hai loại Kanhi và Rabap đều có 2 ấm chính: kò và kí. Khi diễn tấu thầy Kadhar phải ngồi xếp bằng đặt tay lên đùi tay phải kéo cánh cung, tay trái điều khiển nốt nhạc. Khi khai lễ (Pachah yawa Rabap) thầy Kadhar phải kéo Rabap phát ra 3 tiếng khò và 3 tiếng khí để thức giấc mọi sinh linh và các thần thánh ở vũ trụ.

Kèn Saranai: 

Đây là nhạc cụ thổi bằng hơi, cấu trúc gồm 3 phần gắn liền nhau: Phần chuôi (gali) làm bằng đồng, bên trong có gắn lưỡi gà bằng lá buông, dùng để thổi; phần thân (rup) làm bằng gỗ đục rỗng 7 lỗ chính phía trên và một lỗ phụ ở phía dưới để điều khiển các nốt nhạc;và bộ thứ ba loa kèn làm bằng gỗ quí, sừng trâu hoặc ngà voi, rỗng ruột. 

Đây là phần phát âm thanh. Kèn Saranai có 5 nốt âm thanh tương đương với nốt nhạc đồ, pha, sol, la, rê và cũng là tượng trưng cho 5 ngũ quan con người. Kèn Saranai được nghệ nhân Chăm sử dụng trong các lễ hội Chăm như lễ hội múa Rija.

Trống Basanưng: Đây là loại trống tròn, bịt da một mặt, đường kính khoảng 0,45m. Mặt trống bịt da dê, thân trống bằng gỗ. Xung quanh thân trống có đục 12 lỗ, mỗi lỗ được giữ chặt bằng mỗi con nem và có quấn dây mây xung quanh. Đây là bộ phận tăng giảm âm thanh và nốt nhạc của trống. Trống có 3 âm chính: tác, tăm, tằm. Trống này được người Chăm xem là biểu trưng cho lồng ngực (tim, phổi, ngũ tạng), là biểu hiện cái tâm con người. Trống Basanưng được xem là nhạc cụ, là vật tổ của thầy Mưduôn - thầy cúng lễ tín ngưỡng dân gian phục cho lễ hội múa Rija. Trống vỗ với tư thế ngồi, đặt trống vào đùi, ôm sát vào ngực, vỗ hai tay vào trống.

Trống Ginăng: 

Trống ghi năng Chăm là trống dài hình trụ, thường biểu diễn bằng cặp đôi để nghiêng nằm chéo nhau. Thân trống thường làm bằng gỗ lim, khoét rỗng bên trong. Thân trống dài khoảng 0,72m, hơi phình ở giữa và được bào nhẵn cả trong lẫn ngoài. Hai mặt trống căng da, mặt nhỏ căng da dê, đường kính 0,24m, mặt này người Chăm gọi là chang (mặt dương) vỗ bằng tay có 2 âm chính tớ, tìn. 

Còn một mặt lớn căng da trâu, đường kính khoảng 0,28m, mặt này là mặt chính của trống người Chăm gọi là Băm (mặt âm) có hai âm chính là: dìn, gleng và luôn đánh bằng đùi gỗ. Trống Ginăng tượng trưng cho đôi chân con người.

Theo quan niệm người Chăm về 3 loại nhạc cụ: kèn Saranai, trống Basanưng, Ginăng là tượng trưng cho con người và một vũ trụ thu nhỏ (trời, đất) hoàn chỉnh. Do vậy khi biểu diễn 3 nhạc cụ này không được tách rời nhau mà luôn hòa quyện vào nhau, trong đó kèn Saranai là nhạc cụ chủ đạo. Ba nhạc cụ này đã tạo nên linh hồn cho lễ hội Chăm.

Hagar (trống cái): Đây là loại trống cơm, thân trống dài khoảng 0,5m làm bằng gỗ đục rỗng bên trong. Mặt trống căng bằng da dê đường kính khoảng 0,2m. Đây là loại trống nhỏ chỉ sử dụng trong đám tang Chăm. Cùng họ với loại trống này còn có trống gọi lễ trong thánh đường nhân lễ hội Ramưwan của người Chăm Awal. Như trống gọi lễ này có kích thước lớn hơn, hình bầu dục, đường kính khoảng 0,4m.

Chiêng (cheng): đây là loại nhạc cụ gõ bằng đồng có đường kính 0,3m. Chiêng có 2 loại: chiêng mặt bằng và chiêng có núm. Chiêng thường dùng dùi gỗ, ở đầu dùi quấn vải mềm dùng để gõ. Chiêng được sử dụng trong các lễ hội Chăm như lễ múa Rija, tế lễ thần linh Puis, payak. Ngoài ra còn được sử dụng trong đám tang. Bên cạnh chiêng còn có Mã la nhưng nhạc cụ này do người Raglai biểu diễn nhân ngày hội cúng lễ ở đền tháp.

Tù Và (săng): Đây là nhạc cụ bằng ốc biển dùng để thổi. Theo truyền thuyết đây là vật linh mà đấng Dêbitathuôr dùng để sáng tạo vũ trụ và mọi sinh vật trên trần gian, tù và còn là vật tổ Po Adhia dùng để hành lễ trong đám tang Chăm Ahiêr, đặc biệt trong nghi thức lễ tẩy uế (talih) đất tháp trong các lễ hội ở đền tháp Chăm.

Nhạc cụ Chăm tuy chưa phong phú và đa dạng nhưng là một phương tiện không thể thiếu được trong lễ hội Chăm. Nhạc cụ Chăm chỉ vang lên khi có lễ, có hội, không phục vụ cho sinh hoạt đời thường. Nhạc Chăm chỉ đánh thức những sinh linh ở cõi trần và thần thánh nơi chốn thiên đường và lôi cuốn người xem về với tín ngưỡng, về với lễ hội. Như vậy, đến lượt mình nhạc cụ Chăm đã thực sự trở thành phương tiện nghệ thuật lôi cuốn người xem về với lễ hội và ngược lại lễ hội Chăm chính là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn nhạc cụ Chăm.

Tóm lại: Di sản văn hóa vật chất từ đến tháp, đồ tế tự như áo quần, võng lộng, kiệu khiêng đến thức ăn truyền thống và nhạc cụ… tồn tại trong lễ hội Chăm không chỉ là biểu hiện dưới dạng vật chất đơn thuần mà nó là biểu tượng tâm linh mang ý nghĩa tổng hòa. Sự tổng hòa ấy là sự gắn kết với nhau, quan hệ nhiều với nhau trong một không gian linh thiêng. Đó là mối quan hệ giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan di tích; mối quan hệ giữa con người với tâm linh; mối quan hệ giữa con người với các biểu tượng (vật thờ, tượng thờ) và mối quan hệ giữa con người với nhau… Toàn bộ những mối quan hệ đó chuyển hóa bổ sung lẫn nhau, để rồi chắt lọc, cô đúc, tinh chất lại thành những dạng thức vật chất trong lễ hội Chăm. Với ý nghĩa đó lễ hội Chăm trở thành nơi bảo tồn văn hóa vật chất của người Chăm khá đồ sộ, là bảo tàng dân gian sống động đáp ứng đời sống tinh thần của người Chăm.

(Trích trong "Lễ hội của người Chăm" - Tác giả: Văn Món - Sakaya)
 
Nguồn: ninhthuanpt.com.vn

Be the first person to like this.