• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
bbt@nguoicham
by On September 21, 2014
1,029 views

TỪ PANDURANGA ĐẾN PHỦ BÌNH THUẬN

(mối quan hệ Đàng Trong và Champa thế kỷ XVII)

ĐỔNG THÀNH DANH

(bài viết đăng trên tạp chí Xưa và Nay, số 450, tháng 8/ 2014, tr. 32 – 35)

v     Đặt vấn đề

            Lịch sử quá trình mở cõi về phương Nam của người Việt và mối quan hệ giao lưu giữa Đại Việt và Champa trên mọi bình diện ghi nhận những sự kiện quan trọng vào giai đoạn thế kỷ thứ XVII – XVIII. Nhưng cho đến nay, những sự kiện đó vẫn được ít ai biết đến hoặc chỉ được nhắc đến một cách rất sơ lược, đó là lý do tạo ra những nhận thức còn nhiều hạn chế và sai lầm về một giai đoạn đầy biến động trong tiến trình mở cõi của dân tộc Việt Nam, giai đoạn mạt kỳ của vương quốc Champa, cũng như mối bang giao hai nước trong giai đoạn ấy.

            Những hạn chế trên có nguyên nhân của nó. Xuất phát từ những ghi nhận ít ỏi của các cổ sử Việt Nam viết về Champa sau năm 1471 (tức là năm Lê Thánh Tông chính phạt Champa, đánh đến tận kinh đô Vijaya) các nhà khoa học khi khai thác các nguồn tài liệu này thường đưa ra hai mốc niên đại đánh dấu cho sự suy vong của vương quốc Champa đó là 1471 (G. Coedes và G. Maspero)[1] và 1692 (Lê Thành Khôi)[2].

            Nhưng trên thực tế, vương quốc Champa vẫn còn tồn tại sau năm 1471, vua Lê Thánh Tông chỉ sát nhập vùng đất phía Bắc đèo Cù Mông vào lãnh thổ Đại Việt (sau này vùng đất mới này được vua Thánh Tông đặt là thừa tuyên Quảng Nam hay là xứ Quảng Nam thời Nguyễn Hoàng), còn phần đất phía Nam đèo Cù Mông được chia ra làm ba nước Hoa Anh, Nam Bàn và Đại Chiêm. Vùng đất Đại Chiêm chính là vương quốc Champa bị thu hẹp lại ở hai xứ Kauthara (Khánh Hòa nay) và Panduranga (Ninh – Bình Thuận nay) do Bồ Trì Trì (một hàng tướng người Chăm) làm vua. Chính vì thế, Champa vẫn còn là một quốc gia độc lập, nhưng lệ thuộc vào Đại Việt dưới thân phận chư hầu[3].

             Xa hơn thế nữa, dù năm 1692, biên niên sử triều Nguyễn là Đại Nam Thực Lục ghi nhận về việc Chúa Nguyễn sát nhập vùng lãnh thổ cuối cùng của Champa (Panduranga – Champa)[4]. Nhưng, trên thực tế nếu đối chiếu với văn bản hoàng gia Panduranga – Champa, vương quốc này vẫn còn tồn tại trong các vùng tự trị riêng biệt xen lẫn với phủ Bình Thuận của xứ Đàng Trong, được các văn bản của chúa Nguyễn ghi nhận dưới tên gọi trấn Thuận Thành.

            Chính vì những lẽ ấy, trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày một cách khái quát về vương quốc Champa sau năm 1471, đặc biệt là những diễn biến quan trọng trong mối bang giao Đại Việt và Champa thời kỳ chúa Nguyễn ở Đàng Trong thế kỷ thứ XVII. Một giai đoạn lịch sử được ghi nhận với sự hoàn thành việc sát nhập lãnh thổ Champa (tiểu quốc Panduranga) vào xứ Đàng Trong và sự hình thành trấn Thuận Thành, phủ Bình Thuận. Hầu từ đó, minh định và làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử vẫn còn ít được quan tâm và hiểu biết đầy đủ.  

1.      Vương quốc Panduranga – Champa trước năm 1692

Sau cuộc chiến tranh Đại Việt – Champa năm 1471, vua Lê Thánh Tông lấy phần đất từ phía Nam sông Thu Bồn đến phía Bắc đèo Cù Mông (tức là vùng Thừa tuyên Quảng Nam thời Lê, xứ Quảng Nam thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận - Quảng). Phần đất còn lại của Champa ở phía Nam được chia làm ba vùng : Đại Chiêm, Nam Bàn và Hoa Anh[5]. Trong đó, Đại Chiêm lả lãnh thổ của của Champa bao gồm tiểu quốc Kauthara, Panduranga và sau này còn có thêm tiểu quốc Aiaru ở phía Bắc Kauthara, tức là lãnh thổ của nước Hoa Anh trước kia.

Năm 1611, Nguyễn Hoàng sau khi vào trấn thủ Thuận - Quảng sai Văn Phong đánh Champa và lấy đất Aiaru lập ra dinh Phú Yên[6]. Sau biến cố này lãnh thổ Champa thu hẹp vùng đất phía Nam Đại Lãnh, biên niên sử của hoàng gia Panduranga – Champa còn ghi lại niên biểu các vị vua thuộc thời kỳ này. Trong đó, có triều đại Po Mưh Taha với vị vua Po Rome nổi tiếng (1627 -  1653). Đây là vị vua có công giúp nhân dân Champa xây dựng đặp thủy lợi Maren (Ninh Thuận), xây dựng mối đoàn kết giữa các tôn giáo Champa và các cộng đồng dân tộc miền núi vùng cao với miền đồng bằng Champa, xây dựng một nền văn hóa Champa bản địa rực rỡ. Dưới thời kỳ trị vì của vị vua này, nền thương mại của Champa tiếp tục phát triển, Champa tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng quý hiếm như kỳ Nam, trầm hương và nhiều hương liệu khác, trong thời kỳ này Champa  không chỉ giao thương với các quốc gia trong khu vực mà còn bắt đầu giao thương với các thuyền buôn phương Tây như Hòa Lan, Bồ Đầu Nha…[7].

Xây dựng được một quốc gia có nền văn hóa rực rỡ và có nền kinh tế phát triển, vua Po Rome và các vị vua kế vị liền tính ngay đến chuyện lấy lại vùng đất cũ. Trong giai đoạn đầu Champa đã cố gắng tìm kiếm cho mình một ý thức hệ tôn giáo, chính trị mới thay thế ý thức hệ Hindu giáo có nguồn gốc Ấn Độ bằng ý thức hệ Hồi giáo. Thông qua đường thương mại, vua Po Rome đã tiếp xúc với ý thức hệ mới này từ các nước Hải Đảo (Mã Lai) và du nhập nó vào Champa. Mặt khác, thông qua mối quan hệ này ông muốn tạo một liên minh quân sự với các tiểu quốc ở Mã Lai hầu xây dựng thực lực quân sự - chính trị nhầm làm đối trọng với chúa Nguyễn ở phía Bắc, không phải ngẫu nhiên mà thời kỳ này vũ khí là mặt hàng giao thương phổ biến giữa Champa với nước ngoài…[8].

Đây có thể là giai đoạn huy hoàng cuối cùng của nền văn mình này trước khi họ chính thức tính toán đến một kế hoạch hầu chiếm lại vùng đất Aiaru xưa (nay đã thuộc xứ Đàng Trong). Năm 1653,  Po Nraop (sử Việt gọi là Bà Tấm hay Bà Thấm) có lẽ là vị vua trị vì sau Po Rome, đã thực hiện thay ông tham vọng của mình hầu chiếm lại vùng đất cũ. Nhưng cuộc phản công này đã thất bại, hoặc chỉ là những dấu hiệu quấy phá nhỏ lẻ ở vùng biên giới.

Nhưng đó cũng là cái cớ cho chúa Nguyễn cử binh chinh phạt Champa. Cùng năm đó, chúa Nguyễn sai quân chinh phạt Champa, sát nhập vùng Kauthara – Champa vào xứ Đàng Trong, đặt thành dinh Thái Khang[9]. Đến đây, lãnh thổ Champa chỉ còn thu hẹp lại ở vùng Panduranga. Từ lúc ấy, vương quốc Panduranga cũng chính là vương quốc Champa bị thu hẹp và được gọi là Panduranga – Champa. Nếu như trước năm 165 3, hoạt động ngoại thương của Champa còn phát triển thì sau niên đại này họ hoàn toàn bị co cụm và cô lập, chúa Nguyễn đã kiểm soát toàn bộ bờ biển và từ đây những lưu dân Việt cũng bắt đầu tiến dần về Nam thông qua đường biển đến xứ Gia Định- Đồng Nai để khai phá.

Không chịu khuất phục trước chúa Nguyễn, dù vẫn thường xuyên tỏ ra quy thuận, các ông vua Champa vẫn chờ cơ hội phản công. Các vua Champa sau này, tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những liên minh quân sự với các nước trong khu vực hầu làm đối trọng với xứ Đàng Trong. Năm 1682, một giáo sĩ Pháp ở Ayudhya đã báo cáo cho tòa sứ về việc nhà vua Champa đã dâng một lá thư thỉnh nguyện về sự liên kết giữa hai nước cho nhà vua Xiêm, đây là một chỉ dẫn thú vị cho bằng chứng về việc người Champa vẫn cố gắng trong nỗ lực tìm kiếm đồng mình trong những giai đoạn cuối cùng này[10].  Một tài liệu khác cho thấy sự cố gắng tìm kiếm một liên minh quân sự với vùng Malacca của vua chúa Champa trong giai đoạn hậu kỳ này, thông qua một tài liệu ghi nhận của William Dampier, nhà thám hiểm người Anh này cho ta biết ngày 13 tháng 5 năm 1687, một đoàn thuyền Champa ghé tại Pulo Ubi (Xiêm) để dừng chân từ đó tiếp tục đến Malacca[11].

2.      Từ trấn Thuận Thành đến phủ Bình Thuận hay quá trình sát nhập và ổn định vùng đất mới (1692 – 1697)

Khi đã nhận thấy mình đủ sức chống lại chúa Nguyễn, vua Champa lúc bấy giờ là Po Soat (1660 -1692) mà sử Việt gọi là Kế Bà Tranh hay Bà Tranh[12],  quyết định tập hợp quân lính, dựng đồn lũy và tấn công vào phủ Diên Ninh thuộc dinh Bình Khang (trước là dinh Thái Khang) với nỗ lực lấy lại vùng đất này. Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh, lúc bấy giờ đang là Cai cơ trấn thủ ở dinh Bình Khang, tập hợp quân đội đẩy lui cuộc nổi loạn và lấy cớ đó, chúa Nguyễn tiếp tục cử binh vào lãnh thổ cuối cùng của Champa ở Panduranga.

Đại Nam Thực Lục chép chi tiết về sự kiện này như sau: “…Mùa thu, tháng 8, vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, họp quân đắp lũy, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh. Dinh Bình Khang đem việc báo lên. Chúa sai Cai cơ Nguyễn Hữu Kính (con Nguyễn Hữu Dật bấy giờ gọi là Lễ tài hầu; chữ Tài, có chỗ viết là Thành, lại là Hòa) làm Thống binh, lấy văn chức Nguyễn Đình Quang làm Tham mưu suất lãnh quân Chính dinh…Quý dậu, năm thứ 2 [1693], mùa xuân, tháng giêng, bọn Thống binh Nguyễn Hữu Kính đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ thành chạy. Tháng 3, Nguyễn Hữu Kính bắt được Bà Tranh và bầy tôi. Chúa sai đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành…”[13].

      Sau chiến thắng này, lãnh thổ Panduranga – Champa hoàn toàn sát nhập vào lãnh thổ của xứ Đàng Trong, chúa Nguyễn đổi khu vực này thành danh xưng trấn Thuận Thành, chia vùng đất mới này làm 3 khu vực riêng biệt, do các vị tướng đã tham gia cuộc hành quân cai quản. Theo đó, khu vực Phố Hài (Pajai) do Cai đội Nguyễn Trí Thắng nắm giữ, Cai cơ Nguyễn Tân Lễ giữ Phan Rí (Parik), Cai đội Chu Kim Thắng giữ Phan Rang (Parang)[14].

Tháng 8 năm 1693, chúa Nguyễn đổi trấn Thuận Thành thành phủ Bình Thuận, như vậy chúa Nguyễn, chính thức sát nhập phần lãnh thổ mới này vào xứ Đàng Trong. Nhưng do điều kiện của một vùng đất mới tiếp nhận, còn có đông người bản địa cư tụ và tạo điều kiện thuận lợi cho lưu dân Việt vào định cư sau này. Chúa Nguyễn (với sự tham mưu của Nguyễn Hữu Cảnh) thực hiện chủ trương sử dụng quan lại người Chăm ở địa phương, chúa Nguyễn lấy Tả trà viên Kế Bà Tử (Po Saktiraydapatih) em của Kế Bà Tranh làm Khám lý, ba người con Bà Ân làm Đề đốc, Đề lãnh và Cai phủ, bắt mặc quần áo theo lối người kinh và sai về để vỗ yên lòng dân[15].

Mặc dù vậy, do buổi ban đầu tiếp xúc và có nhiều cách biệt, nhân dân bản địa vẫn chưa chấp nhận sự cai trị của chúa Nguyễn và các quan lại người Việt, điều này khiến họ nhanh chống dấy lên một phong trào đấu tranh phản kháng vào tháng 12 năm 1693[16]. Trước làn sống đấu tranh quyết liệt và dựa vào khẩn cầu của Kế Bà Tử, tháng 8 năm 1694, chúa Nguyễn Phúc Chu quyết định hủy bỏ phủ Bình Thuận và tái lập lại trấn Thuận Thành, phong cho Kế Bà Tử làm Thuận Thành vương, hằng năm dâng cống cho chúa Nguyễn như một phiên quốc phụ thuộc[17].

Sau một thời gian nhận thấy tình hình đã ổn định, người bản địa không còn chống đối, những lưu dân người Việt đã vào lập làng, xóm ở vùng đất mới ngày một đông. Năm 1697, chúa Nguyễn lại đặt phủ Bình Thuận, chia phủ Bình Thuân ra làm hai huyện là An Phước và Hòa Đa. Bên cạnh đó, nhầm tránh tạo xáo trộn và tránh những xung đột như năm 1693, chúa Nguyễn vẫn duy trì trấn Thuận Thành, một khu vực hành chính tự trị của người Chăm, trực thuộc phủ Bình Thuận. Trấn Thuận Thành này, khác với trấn Thuận Thành năm 1694. Nếu trấn Thuận Thành của năm 1694 là một đơn vị hành chính tương đương với phủ Bình Thuận, còn trấn Thuận Thành của năm 1697, chỉ là một đơn vi hành chính tự trị riêng biệt của người Chăm, nằm rãi rác và xem lẫn với các khu định cư của người Việt trực thuộc phủ Bình Thuận. Đây là một quy chế tổ chức hành chính hết sức đặc biệt trong hoàn cảnh mới tiếp quản vùng đất mới, trong điều kiện cộng đồng người Việt đến định cư và khai phá, sống xen lẫn với các khu vực của người Chăm bản địa.

Đại Nam Thực Lục, tài liệu duy nhất nói về trấn Thuận Thành không cung cấp nhiều chi tiết về khu vực hành chính đặc biệt này. Nhưng biên niên sử Champa cho thấy trấn Thuận Thành, sau năm 1697, chỉ là cách triều đình chúa Nguyễn gọi về vương quốc Panduranga – Champa với một triều đình, luật pháp, quân đội riêng…vẫn được duy trì, lệ thuộc vào phủ Bình Thuận của xứ Đàng Trong và tồn tại cho đến thời cải cách hành chính của Minh Mạng (1832 – 1833)[18]. Mặc khác, những tài liệu trích dẫn của phương Tây cũng cho thấy sự hiện diện của đặc khu hành chính tự trị của người Chăm này trong giai đoạn thế kỷ XVIII. Tài liệu của một chiến thuyền Pháp đã nhắc đến một triều đình người Chăm đóng đô ở Bal Chanar (Phan Rí) vào năm 1745. Họ còn miêu tả bên cạnh các ông vua ngươi Chăm này là một viên quan cố vấn người việc có vai trò quan trọng trong mọi quyết định của hoàng gia[19]

 Nếu như đối chiếu và so sánh biên niên sử của chúa Nguyễn và của người Chăm Panduranga – Champa, cũng như những tài liệu của các thuyền bè phương Tây, chúng ta có thể nhận thấy rõ dấu hiệu hiện diện của mô hình đặc biệt này trong giai đoạn 1697 đến 1832.

Đây là một đặc khu hành chính được hình thành trong giai đoạn người Việt vừa mới tiếp quản vùng đất mới, di dân Việt mới đến định cư ở vùng đất mới, cư dân người Chăm bản địa chưa quen sự thống trị của tộc người khác, hai dân tộc bước đầu cộng cư chắc chắn sẽ có nhiều hiểu nhầm và mâu thuẫn. Do đó, việc hình thành trấn Thuận Thành có vai trò chuyển tiếp trước khi chính thức sát nhập các địa hạt của người Chăm vào lãnh thổ Bình Thuận một cách ổn định không tạo nên những mâu thuẫn và xung đột giữa hai cộng đồng. Chính vì những lẽ ấy, vai trò của trấn Thuận Thành trong lịch sử mở cõi của người Việt và mối quan hệ giao lưu, hòa hảo giữa hai dân tộc có một vai trò và vị trí rất quan trọng, nó cần được lịch sử ghi nhận một cách chi tiết và công minh.

v     Kết Luận

Bài viết này của chúng tôi vừa phác thảo về một giai đoạn đầy biến động trong hành trình mở cõi của người Việt về đất phương Nam và mối giao lưu giữa hai cộng đồng tộc người Việt – Chăm thế kỷ XVII. Nó ghi nhận lại một giai đoạn trong lịch sử hai dân tộc với những xung đột, giao tranh, nhưng bên cạnh đó và hơn hết nữa là mối quan hệ giao lưu, cộng cư giữa hai cộng động tộc người, sự hình thành phủ Bình Thuận và trấn Thuận Thành lệ thuộc nó là một sự kiện lịch sử có thật cần được ghi nhận.

Từ sự kiện ấy, lịch sử của vùng đất Ninh – Bình Thuận (ngày nay) sẽ được khắc họa một cách sinh động, từ đó chúng ta có thể nhận thức rõ ràng và đầy đủ về một giai đoạn chuyển tiếp từ xứ Panduranga (Champa) sang phủ Bình Thuận (Đàng Trong). Đó là một thời kỳ mà hai dân tộc Việt – Chăm cùng cộng cư, lao động, tiếp biến và trao đổi các giá trị văn hóa tạo nên một bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng của địa phương nói riêng và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

v     Tài liệu tham khảo

1.      Abdullah Zakaria bin Ghazali, Historical And Cultural relations between The Malay World And Indochina In Malay đăng trong Pinisule Indochioise Et Monde Malais, EFEO, Kuala Lumpur, (2003).

2.      Coedes (G), Les Etats hinduisés d’Indochine et d’Indonésie, De Boccard, Paris, 1964.

3.      Dampier (William), A New Voyage Round the World, The Argonaut Press, London, 1927.

4.      Dohamide – Dorohiem, Dân tộc Chàm lược sử, Saigon, 1965.

5.      Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.

Posted in: Lịch sử Champa, Văn hóa Champa

Be the first person to like this.