• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
Kaka
by On May 4, 2014
273 views

 

Bilan than-uh than-on 

Hamit grum mưnhi gah pur, pai 

(Khi nghe tiếng sấm hướng Đông 
Nhân dân hớn hở mới hòng yên thân) 

Thành ngữ Chăm. 

Hằng năm, cứ mỗi độ hoa Tagalau (bằng lăng) nở tím khắp cả những vùng đồi xứ sở, những đàn chim Chrao từ đâu bay về, lượn quanh bên những cánh đồng xa xăm bát ngát chạy vào những palei Chăm, trên những sa mạt các vàng cắt đôi vùng trời ra làm hai phần phía trước tầm mắt, trên những đỉnh tháp uy nghi, đứng đó tự bao đời. Khi cái nắng, nóng của đất trời lên đến đỉnh điểm, những tiếng sấm rầm vang khắp vùng trời, báo hiệu một năm mới lại về trên quê hương, xứ sở Panduranga. Đó cũng là lúc người Chăm bắt đầu chuẩn bị cho ngày lể cầu đảo đầu năm, đánh dấu thời khắc chuyển mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, con cháu đầy đàn, tôm cá đầy khoang.

Lễ Rija Nưgar thường tổ chức vào những ngày đầu của tháng giêng Chăm lịch. Trong thời gian ấy, các palei Chăm rộn ràng, nô nức trong không khí lễ hội đầu năm. Ngay từ sáng sớm, khi những giọt sương long lanh vẫn còn đọng trên những phiến lá, khi mặt trời chỉ mới vừa hé dạng ở đằng đông, những phụ nữ Chăm chuẩn bị sắm sửa lễ vật gồm trái cây, trầu, cơm, canh, rượu, trà… Rồi khi trời sáng hẳn họ đem lễ vệt đến nơi hành lễ để dâng lên thần linh để cầu mong hạnh phúc, sung túc. Dòng người đi dâng lễ và xem lễ gồm phụ nữ, nam giới, già, trẻ… mặc những trang phục đẹp nhất, mới nhất. Dòng người đi hội làm cho không khí của những làng Chăm trong buổi lễ đầu năm càng thêm nhộn nhịp, tưng bừng, tạo nên cái sắc thái vui tươi, náo nhiệt của một buổi lễ cầu đảo với ý nghĩa tống cựu nghinh tân – tiễn năm cũ, chào đón năm mới.

Lễ Rija Nưgar được tổ chức theo quy mô từng làng, thường diễn ra trong một nhà lễ (kajang), được dựng tạm ở một mảnh đất trống đầu thôn. Nhà lễ được dựng lên có hai mái, có hai cây kèo làm trụ, xung quanh được che chắn bằng tre. Dù ảnh hưởng một số tôn giáo như Ấn Độ giáo, Hồi giáo nhưng nổi bật trong tư duy tín ngưỡng của người Chăm vẫn là tính bản địa với tục thờ đa thần. Lễ Rija Nưgar là một sự kết hợp giữa hai tín ngưỡng Awal – Ahier, theo tư duy lưỡng phân lưỡng hợp. Theo đó, người Chăm quan niệm rằng Tamư yang biruw, tabiak yang klak (Ngày vào thần mới, ngày ra thần cũ) hay Tamư mưnuk tabiak pabaiy (Vào cúng gà, ra cúng dê) tức là ngày đầu tiên của lễ sẽ là việc chúc tụng, dâng cúng các vị thần mới, tức là các vị thần Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo) lễ vật cúng chính là gà; ngày thứ hai kết thúc thì dạng cúng các vị thần cũ (yang bimong) những vị thần của Chăm Ahier (ảnh hưởng Ấn Độ giáo), lễ vật cúng chính là dê.

Đặc trưng của Rija Nưgar chính là tính chất diễn xướng, kết hợp giữa vũ đạo của thầy Ka-ing (thường mặc áo đỏ) với phần tụng ca của thầy Mưdwơn, thường mặc áo trắng vỗ trống baranưng (gồm có 3 người một người hát chính, hai phụ lễ), bên cạnh đó, còn có hai nghệ nhân đánh trống ginơng, một nghệ nhân thổi kèn saranai. Ngoài ra, phần vũ đạo của ông Ka-ing còn có thêm các vật hổ trợ như 1 cây mía đỏ (tượng trưng cho cây chèo); 1 cây quạt, 1 chiếc khăn và 1 cây roi ngựa. Tất cả đạo cụ, ngoài khăn và quạt được thầy Ka-ing cầm tay, còn lại là để tại bàn tổ. Tại bàn tổ, là nơi để lễ vật và đạo cụ múa, còn có một cán rìu (tượng trưng cho công cụ lao động). Ngoài ra, ở ngoài nhà lễ còn có salih – các hình nhân, sẽ được thẻ trôi song vào cuối buổi lễ.

Khi đã chuẩn bị đầy đủ tất cả mọi thư cho buổi lễ, khi đám đông đã tề tựu đầy đủ quanh nơi tổ chức lễ, trong không khí linh thiên của một tín ngưỡng truyền thống, thầy Mưdwơn rót rượu và tụng các bài thánh ca về các vị thần, kết hợp với vũ điệu linh thiêng của thầy Ka-ing, hòa theo tiếng trống baranưng, ginơng, tiếng kèn saranai đồng thanh vang lên, họ lần lượt mời các vị thần về để dâng lễ và cầu xin thân linh phù hộ độ trì.

Mở đầu lễ Rija Nưgar, thầy Mưdwơn vỗ trống Baranưng, hát bài tụng ca mời gọi thần Po Tang: “…gahluwcuh pahl yak ia, klaung khwai da-a yang Po Tang… likau kanư kajap bhih drei yang Po Tang …” (Chúng con xông hương trầm, kính cẩn mời Po Tang về …phù hội độ trì cho chúng con). Sau đó là Po Riyak (Thần Sóng biển), Po Tang Ahauk (Thần chèo thuyền), thầy Mưdwơn vỗ trồng hát về sự tích chèo thuyền: thần đang đi thuyền nhuộm màu chàm, lênh đênh trên biển khơi xa… Thầy Ka-ing cầm cây mía đỏ, biểu tượng cho mái chèo, ông múa điệu chèo thuyền như sóng nhấp nhô trên biển cả. Sau đó lần lượt các vị thần như Cei Sit, Cei Tathun, Cei Dalim… được mời về, thầy Mưdwơn vỗ trống và đọc các bài tụng ca cac ngợi các thần.

Đến đoạn ca ngợi và mời gọi thần Po Haniim Par, thầy Mưdwơn hát: “… Mưyaum Po Haniim Par biak ginrơh, Po crauk di Po siam đeiPo klak palei nau ngak nưgar…”. Cùng lúc ấy, ông Ka-ing cầm roi ngựa ngất ngây trong điệu múa, trong tiếng trống, tiếng kèn và tiếng vỗ tay reo hò của đám đông xem lễ, ông Ka-ing thăng hoa và nhảy vào đạp tắt đóng lửa (đã được đốt sẵn) tượng trưng cho nắng nóng khô hạn và hy vọng năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Phần quan trọng nhất, được chờ đợi nhất chính là phần mời gọi Po Nai, thầy Mưdwơn đọc bài tựng ca về tiểu sử thần, thầy Ka-ing hóa thân thành nữ với chiếc khăn trắng đội trên đầu, tay cầm khay trầu và trái cây để múa. Chính lúc này, Po Nai nhập vào thầy Ka-ing và đưa ra lời phán xét đối với, nhân dân vừa lắng nghe lời phán xét vừa khấn vái, cầu xin Po cho nước, phù hộ cho nhân dân làm ăn… Ngoài ra, rất nhiều vị thần được mời về và dâng lễ như Po Klaung Girai, Po Rome, Po Sah Inư, Bia Than Can, Bia Than Cih…

Sáng ngày hôm sau phần lễ được tổ chức tương tư nhưng lễ vật cúng chính là dê, ngoài ra điểm khác với ngày lễ hôm trước là việc thả trôi song hình nhân thế mạng (Salih) vào cuối buổi lễ. Hình nhân thế mạng này được làm bằng bột gạo, gồm bốn hình người (hai đàn ông, hai đàn bà) và một số con vật như trâu, heo… đặt trên cái đan bằng tre. Người nặng các hình nhân này là thầy Mưdwơn và Ka-ing, khi đang nặng thầy Mưdwơn vừa vỗ trống, vừa hát bài tụng ca các vị thần. Những hình nhân này đại diện cho những sự khô hạn, nắng nóng, những điều xui xẻo, không may mắn của năm trước. Cuối buổi lễ, người ta thả các hình nhân này ở trên sông (hoặc ở ngã ba đương), những hình nhân này sẽ mang đi những điều xui xẻo và mất mùa của năm cũ, đem lại hạnh phúc, sung túc và sức khỏe cho dân làng trong năm mới.

 

Lễ hội Rija Nưgar, một lễ hội được diễn ra lúc đầu năm, cũng là thời điểm chuyển giao giữa mùa khô – với cái nắng hạn đạt đến đỉnh điểm và những đồng ruộng khô cháy, đất đai khô cằn ở xứ sở Panduranga – với mùa mưa, nên thực chất bản nguyên chỉ là một lễ thức cầu đảo (cầu mưa). Người Chăm, gắn liền đời sống của mình với nông nghiệp, với ruộng đồng, truyền thống đó có tự bao đời nay, đời sống nông nghiệp cũng hình thành tư duy nông nghiệp, lúc nào họ cũng khát vọng mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt để có những mùa màng bội thu, hay ít nhất cũng đủ ăn. Khát vọng đó được họ phó thác vào niềm tin về sức mạnh của tự nhiên thông qua các đấng siêu nhiên, họ cầu xin và cúng tế các vị thần để được thỏa mãn ước nguyện. Lễ Rija Nưgar, thể hiện rõ nhất khát vọng đó của cư dân Chăm, hình ảnh vũ điệu đạp lửa thể hiện khát vọng xóa bỏ những khô hạn, nắng nóng, cầu cho mưa xuống, tươi tiêu ruộng đồng, cây trái tốt tươi và con người sinh sôi nảy nở. Và cứ mỗi độ Rija Nưgar được tổ chức thì các vùng người Chăm lại có mưa – những cơn mưa đầu mùa, điều này còn phản ánh tư duy khoa học của người Chăm trong việc tính toán lịch pháp trong việc tính toán thời điểm chuyển mưa để tổ chức Rija Nưgar.

Rija Nưgar, còn là nơi phô bày nghệ thuật điễn xướng của dân tộc Chăm thông qua sự kết hợp của những điệu vũ của thầy Ka-ing, với những lời tụng ca, những kho tàng văn học dân gian đầy giá trị của người Chăm như các bài tụng ca về tiểu sử Po Inư Nưgar, Po Rome, Po Klaung Girai… Việc xướng lên những bài tụng ca này trong các dịp lễ hội, chẳng hạn như Rija Nưgar là cách tốt nhất để bảo tồn giá trị văn hóa dân gian truyền khẩu của dân tộc. Ngoài ra, trong Rija Nưgar, dàn đồng ca dân tộc gồm trống Baranưng, Ginơng, kèn saranai… cũng được diễn tấu, tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Rija Nưgar – ngoài dịp cầu đảo (cầu mưa) – còn là một dịp diễn xướng dân gian với sự kết hợp văn học dân gian với các nhạc cụ Chăm.

Chính sự kết hợp tính chất tâm linh và nghệ thuật đó đã tạo cho Rija Nưgar thành một buổi lễ đặc sắc. Không khí linh thiêng kết hợp với các hoạt động diễn xướng làm cho quê hương, xứ sở rộn ràng, lòng người nức nở, người người – từ già đến trẻ, nam thanh, nữ tú - sắm sửa những bộ cánh mới nhất, đẹp nhất đi chảy hội, tạo nên một không khí nhộn nhịp, sôi động, làm bừng tĩnh các vùng đất có người Chăm sinh tụ. Một năm mới lại về, một Rija Nưgar nữa lại đến, quê hương, xứ sở lại đón mừng một mùa xuân mới với ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng phát đạt, thóc lúa đầy bồ, tôm cá đầy khoang,… cầu ơn trên, cho những ước vọng của chúng con được như ý! 

Jashaklikei 

Saigon, tháng 4 năm 2014. 

Like (1)
Loading...
1