• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
by On September 2, 2012
417 views

Hố thiêng Chăm ngàn năm tuổi

Thứ Bảy, 01/09/2012 22:05

Rất nhiều hiện vật văn hóa Chămpa độc đáo, có niên đại ngàn năm tuổi được phát hiện tại làng cổ Phong Lệ - TP Đà Nẵng, hé lộ nhiều bí ẩn của những dòng chảy văn hóa qua vùng đất miền Trung

Việc khai quật khu di tích khảo cổ Phong Lệ đến thật tình cờ khi vào tháng 3-2011, một người dân làm nhà phát hiện những hiện vật Chămpa. Sự việc được báo lên chính quyền và một quyết định khai quật khẩn cấp được thực hiện. Qua 2 đợt khai quật (đợt 1 từ tháng 4 đến tháng 6-2011 và đợt 2 từ tháng 7 đến tháng 8-2012), Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chămpa Đà Nẵng và tổ công tác khảo cổ học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã phát hiện nhiều hiện vật quý bị vùi chôn trong lòng đất cả ngàn năm.

Những báu vật ngàn năm

Trong đợt khai quật lần thứ nhất, đoàn khảo cổ đào 5 hố thám sát trên diện tích 500 m2, phát hiện được những hiện vật và nền móng của một khu đền tháp rộng lớn. Chính những phát hiện này đã làm tiền đề cho đợt khai quật lần thứ hai với quy mô lớn hơn, ở ngay khu vực được cho là tháp chính trong quần thể di tích rộng 10.000 m2.

Tại đây những nhà khảo cổ đã phát hiện một hố thiêng hình vuông nằm trong lòng tháp có cạnh dài 4,26 m x 4,26 m, các cạnh đáy không đồng đều, dài từ 3,86 m đến 3,95 m. Chiều sâu hố này là 1,82 m được lót những lớp đá cuội gốc granit và gốc thạch anh, xếp lớp lang trên nhỏ dưới lớn xen với lớp cát trắng. Theo các nhà khảo cổ, đây là những vật liệu thường được người Chăm dùng khi đào hố trong lòng tháp để đặt thờ những vật linh thiêng.


Hố thiêng trong lòng tháp Chàm vừa được khai quật tại làng Phong Lệ. Ảnh: ĐÔNG NGUYỄN

Trước đây, tại khu đền tháp Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam), trong một đợt khai quật lòng tháp G1, các nhà khảo cổ người Ý đã phát hiện một hố thiêng 2,2 m x 2,31 m, trong đó có cát, sỏi, đá ong và đá núi. Tháp này được xác định xây dựng vào thế kỷ XII. Trong lòng tháp F1 được xây dựng vào thế kỷ VIII, các nhà khảo cổ cũng phát hiện được một hố thiêng 1,84 m x 1,84 m chứa các vật liệu tương tự.
Hố thiêng tại lòng tháp phế tích Phong Lệ lớn hơn rất nhiều so với các hố thiêng đã được phát hiện. Điều này chứng tỏ ngôi tháp có hố thiêng này hẳn có kích thước khá lớn. Điều đặc biệt, các nhà khảo cổ đã bất ngờ khi phát hiện ở các vách hố thiêng ở Phong Lệ có 8 “hốc thiêng” và cho rằng đây là một kiểu khán thờ.
Tám hốc thiêng này hình tháp, cao từ 47 - 53 cm. Bốn hốc thiêng ở các góc Đông - Tây - Nam - Bắc nằm lệch tim, không đối xứng. Bốn hốc nằm ở các góc Đông Bắc - Đông Nam - Tây Bắc - Tây Nam đối xứng nhau. Phía trước các hốc thiêng đều có một viên đá thạch anh đã được gia công với phần đáy lớn, phần trên nhỏ. Giữa hốc thiêng có một viên đá cuội hình bầu dục, chiều cao từ 14 - 16 cm,  phía trên được đặt một viên gạch hình vuông có diện tích 16 cm x 16 cm, trông giống hình Linga và Yoni  ngược. Các hốc thiêng cũng được lấp đầy cát trắng.

Các nhà khảo cổ phỏng đoán rằng có thể đây là một cách yểm bùa chú hoặc ma thuật nào đó theo quan niệm của người Chăm. TS Nguyễn Chiều, giảng viên chính Bộ môn Khảo cổ Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, trưởng nhóm khảo cổ, nhận định: “Đây là kiến trúc hố thiêng độc đáo, khác lạ mà chúng tôi chưa thể lý giải được.” 

Sống trên cổ vật

Những người dân sinh sống tại đây cho biết khi đào móng làm nhà hay các công trình phục vụ dân sinh, họ thường phát hiện gạch ngói, vết tích của tháp Chăm. Họ cũng biết có di tích Chăm ở đây nhưng không hình dung đang sống trên một khu di tích ngàn năm tuổi và lớn như vậy.
Tại khu trưng bày cổ vật hành lang Quảng Nam trong Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, khách tham quan dễ dàng nhìn thấy một số hiện vật Chăm Phong Lệ được ghi niên đại từ thế kỷ VI-VII. Đó là những hiện vật được ông chủ đồn điền Phong Lệ tìm thấy cách đây hơn 100 năm và gửi cho nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier, nay trưng bày tại Bảo tàng Chăm.

Các nhà khảo cổ Nhật đang nghiên cứu những viên gạch vừa tìm thấy tại hố thiêng. Ảnh: ĐÔNG NGUYỄN

Những phát hiện khảo cổ mới đây tại khu phế tích Phong Lệ dường như mới chạm vào một phần rất nhỏ những bí ẩn còn nằm sâu trong những địa tầng văn hóa Đà Nẵng. TS Lê Đình Phụng, trưởng đoàn khảo sát, lịch sử Đà Nẵng, nhận định: Nằm chung trong dòng chảy xứ Quảng của lịch sử dải đất miền Trung, manh nha từ văn hóa Sa Huỳnh và theo suốt tiến trình lịch sử với văn hóa Chămpa hơn 1.000 năm, tiếp đó với gần ngàn năm văn hóa Việt trên địa bàn Đà Nẵng đã để lại những dấu tích vô cùng quan trọng. Hiện tại, ở TP Đà Nẵng có khoảng 10 phế tích Chăm được phát hiện nhưng hầu hết đã bị chôn vùi trong lòng đất, chỉ còn sót lại rải rác khắp nơi những hiện vật và những giếng Chăm.

Sau hơn cả ngàn năm tồn tại, phế tích Phong Lệ tưởng như bị chôn vùi trong lòng đất với bao biến thiên của lịch sử và dòng chảy của thời gian và tưởng chừng chỉ còn được nhắc đến qua những hiện vật sót lại trong bảo tàng, giờ đã hiện hữu và phát sáng với những dự án văn hóa du lịch đang được ấp ủ triển khai.

Gắn di tích với du lịch

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm, cho biết đoàn khảo cổ quyết định lập dự án đề nghị quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Chăm Phong Lệ với hy vọng sẽ được cấp phép xây dựng thành khu bảo tồn, trưng bày và  phát triển du lịch. “Quần thể di tích này có vị trí thuận lợi vì nằm cạnh Quốc lộ 1A và sông Cầu Đỏ, nối thẳng tuyến du lịch đường sông lên khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, có các di tích lịch sử, khảo cổ bao hàm nhiều giá trị lớn lao. Vì vậy, nếu được quy hoạch kịp thời, khai quật hoàn chỉnh, nơi đây có đủ tiềm năng để trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn” - ông Thắng nhận định.

Làng Phong Lệ cũng là một ngôi làng cổ, ngày trước có tên là Đà Ly, xuất hiện trên Hồng Đức bản đồ cách đây hơn 500 năm. Đây cũng là quê hương của Ông Ích Khiêm. Thời vua Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), khi Ông Ích Khiêm ra làm quan, làng đổi tên thành Phong Lệ. Hiện nơi đây còn có nhiều nhà vườn, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có nhà thờ danh nhân Ông Ích Khiêm và nhiều di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo. Đặc biệt có đình thờ Thần Nông và lễ rước mục đồng - lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, tôn vinh nghề nông, cầu cho những vụ mùa bội thu đang được khôi phục và thu hút đông đảo người dân tham gia.

Tuy nằm trong TP Đà Nẵng nhưng làng cổ Phong Lệ vẫn giữ được những nét cổ kính. Theo ông Võ Văn Thắng, nên quy hoạch khu vực này thành công viên khảo cổ du lịch, kết hợp phát triển một số làng nghề truyền thống để du khách có thể vừa tham quan một làng quê giữa lòng phố thị vừa thưởng thức những đặc sản, nghề truyền thống, đồng thời tìm hiểu di tích lịch sử địa phương.

Dấu tích những tòa tháp Chăm đồ sộ

Đợt 1 ( từ tháng 4 đến tháng 6-2011): Khai quật tại 5 hố thám sát trên tổng diện tích 206 m2, đoàn khảo cổ đã phát hiện nền móng kiến trúc 2 phế tích tháp Chăm quy mô lớn, 30 hiện vật tương đối nguyên vẹn và hàng trăm viên gạch, mảnh ngói, gốm… có nguồn gốc Chămpa niên đại khoảng 1.000 năm. Đặc biệt, dấu tích tại hố khai quật H1 rộng 90 m2 cho thấy có thể từng tồn tại một tòa tháp Chăm đồ sộ tại đây.

Đợt 2 (từ tháng 7 đến 8-2012): Khai quật tại 4 hố thám sát trên diện tích 500 m2, đoàn khảo cổ đã làm lộ rõ và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc chân móng của một tòa tháp Chăm rất lớn, chân móng có hình chữ thập. Từ cửa Đông đến cửa Tây của tháp có chiều dài 23,15 m; từ cửa Bắc đến cửa Nam có chiều dài 19,3 m; từ móng tường Đông đến móng tường Tây dài 15,85 m; từ móng tường Bắc đến móng tường Nam dài 16,15 m.

Những phế tích chờ khai quật

Đó là phế tích tháp Chăm tại gò Cấm Mít (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) rộng hơn 1.000 m2. Dấu tích Chăm còn khá đậm đặc ở phế tích này, có tiềm năng lớn về khai quật khảo cổ học. Phế tích tháp Quá Giáng (thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), hiện có một ngôi miếu Bà, chính giữa miếu có một tượng Chăm được đặt trên bệ đá, mặt trước có chạm khắc hình con tê giác. Phế tích tháp Xuân Dương (thôn Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), theo người dân, trước kia nơi đây là một lò gạch cao bị đổ nát với nhiều tác phẩm điêu khắc có tính mỹ thuật cao, nay đã được đưa về bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chămpa. Cách trung tâm TP Đà Nẵng về phía Tây Nam khoảng 10 km, dưới chân núi Phước Tường còn dấu vết của một quần thể đền tháp Chăm rộng lớn, khu phế tích trong khuôn viên An Sơn cổ tự, một ngôi chùa được dựng vào những năm giữa thế kỷ XIX...

 

Bài và ảnh: KIM NGÂN
Be the first person to like this.