• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
Kaka
by On August 18, 2012
276 views

TÂM THƯ TỪ QUÊ NHÀ 

Plei PaJai, ngày 15.8.2012.

chuongtu.jpg

Đồng Chuông Tử

Kính thưa Ban tổ chức và quý vị tham dự Hội Luận Champa lần thứ II, ngày 1/9/2012 tổ chức tại San Jose, Hoa Kỳ. Tôi là Đồng Chuông Tử, một người con của dân tộc Chăm, hiện đang sinh sống và cầm bút độc lập ở Việt Nam. Ban đầu khi đọc được thông tin trên trang champaka.info, đụng đầu 6 câu hỏi to tướng, tôi đã "định bụng" có thể mình sẽ viết tham luận chăng. Sau nhiều ngày suy đi nghĩ lại, tôi thấy hình thức viết thư là cách hay nhất, phù hợp và giảm thiểu không khí tranh luận căng thẳng của các tham luận khác, nếu có. Cuối cùng, tôi quyết định giải bày với cái tâm trong sáng và ý thức trách nhiệm cộng đồng nghiêm túc, ở tầm mức khả năng có thể. 

Do nhiều điều kiện hạn chế nhất định, không cho phép tôi đến với ngày Hội Luận Champa tràn đầy yêu thương, thiết thực và nhiều ý nghĩa này. Ngay từ lần đầu tiên và bây giờ là lần thứ hai. Không đến được, nhưng không có nghĩa tôi không thiết tha đến sự sống còn của dân tộc Chăm. Và gần hai trăm ngàn người Chăm ở quê nhà cũng vậy, cũng không đến được như tôi. Gần đây, cũng qua trang web champaka.info, tôi được biết, ca sĩ Chế Linh, Chủ tịch Tổ chức Văn hóa và Nghệ thuật Champa Thế giới, cũng đã có thư hồi âm không đến tham dự được. Thiết nghĩ từ bấy lâu nay, ông ấy, bằng tất cả uy tín nghề nghiệp lẫn tài năng của mình, đã tích cực đóng góp nhiều thời gian, công sức  và phần nào hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng, cao cả mà cộng đồng kì vọng. Hôm nay, với lí do tế nhị, dù là lí do gì chăng nữa, cũng nên nhẹ nhàng, chừng mực và hài hòa hơn.

Riêng tôi, không cần đợi điện thoại, thư mời trao đến tận tay, nghe ở đâu làm lợi ích cho dân tộc Chăm là tôi vui mừng hớn hở. Nếu cố gắng thu xếp được là tôi liền “ném cái tôi đỏm dáng vào thùng rác” để sẵn sàng có mặt. Góp thêm một người, chắc chắn sẽ đông đảo hơn. Bồi thêm ít sức lực, chắc chắn sẽ nâng được tảng đá nặng hơn. Với lí do đó, tôi viết bức thư này. Thư là tấm lòng của tôi, tâm tư tình cảm và nguyện vọng của cá nhân tôi, không dám mơ mộng đại diện gì cả, cho ai cả.

Kính thưa Hội Luận!

Việt Nam, nơi ấy, phải chăng là phần lớn nguyên cớ để có ngày Hội Luận lần thứ II này?. Phải chăng 6 câu hỏi to lớn, vĩ mô kia là đúc kết cô đọng diễn tả khung cảnh người Chăm ở trong nước? Chẳng lẽ, người Chăm ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, không cần đến ư? Thông qua nhiều kênh dư luận, tôi được biết thật sự hoàn toàn không phải như vậy. Nơi đất khách quê người ngỡ là thiên đường ấy, vẫn còn mọc lên nhiều ngậm ngùi, đau xót không kém gì ở cố hương. 

Mặt khác, nếu đã đặt trọng tâm vấn đề từ quê nhà, cho phép tôi mạo muội hỏi, trong hội trường này có ai là khách mời vừa đến từ trong nước không? Bàn luận về nhiều khía cạnh, giác độ hiện tình ở quê nhà, mà không có ai từ nơi ấy đến đại diện, như thế là thiếu sót. Phiến diện, không khoa học một chút nào. Làm thay tâm tư nguyện vọng của cộng đồng, mà không trưng cầu ý kiến của họ là không dân chủ. Xuôi chèo mát mái thì không việc gì. Lỡ có dư luận, rõ ràng lại tiếp tục kéo dài ra chuỗi phản ứng ngược như đã từng. Hậu quả nhận lãnh, thiệt thòi chính là cộng đồng bà con ở trong nước chứ không ai khác.

6 câu hỏi/vấn đề được nêu lên ở đây là 6 câu hỏi/vấn đề to lớn. Nó như ba cặp trống ginăng ngự trên một sân khấu, được đánh lên cùng một lúc vậy. Mỗi cái trống đánh một điệu thức khác nhau. Chắc chắn nhiều “nghệ nhân” tài hoa nghe được cũng "bở hơi tai". Huống hồ gì cá nhân tôi, bé mọn và kiến văn nhỏ hẹp. Mong rằng, trống đã gióng lên rồi, trước bất kì tình huống, bất trắc nào cũng duy trì tiến tới, đừng chùng bước thối lui. Phải cố gắng theo đuổi cho đến hồi trống gây cấn cuối cùng. 

Đặt câu hỏi thì dễ dàng, nhưng giải quyết nó thật khó khăn. Giải quyết được đến đâu, thời gian là quan trọng nhất. Nhưng với thời lượng hạn hẹp, ít ỏi của ngày Hội Luận, thật tình tôi không thấy gì làm tươi sáng lắm. Cũng không hi vọng gì nhiều. Tuy vậy, tôi vẫn lấy làm quan tâm đặc biệt và mong mỏi có một chiều hướng đột phá ngoạn mục trong lần Hội Luận này. Mặc dù biết, mong mỏi thì thường gây cảm giác mong manh, chông chênh và choáng váng.

Thưa tất thảy quý vị!

6 câu hỏi được nêu ra, đem vào Hội Luận lần này, thật sự đã là một cố gắng bung tràn nhiệt huyết, rộn rịp nghị lực và ôm ấp hoài bão tốt đẹp, thịnh vượng cho cộng đồng. Lúc này đây, nếu có ai cho một điều ước, tôi ao ước làm sao được đem 6 câu hỏi/vấn đề lớn ấy, đến với cộng đồng Chăm trong nước bằng một ngày Hội Luận chính thức và tổ chức quy mô, do chính chúng ta đứng ra đảm nhiệm. Nhưng hình như đó chỉ là ao ước viển vông, vĩnh viễn không thực hiện được, mặc dù hiện trạng xã hội là có thật đi chăng nữa. 

Quý vị ở đây, ở những đất nước thật sự tự do, dân chủ, thuận lợi hơn rất nhiều lần trong hầu hết những công việc như thế này. Quý vị đã giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực gì cho cộng đồng còn ở lại quê cha đất tổ. Cho những tài năng dân sự thế hệ trẻ. Họa hoằng lắm, cũng chỉ đến người thân ruột thịt của quý vị ở chốn quê hẻo lánh, lam lũ. Xa hơn, chỉ dừng lại ở những chương trình lễ hội Katê - Ramưwan,.... Cá nhân tôi hi vọng và khuyến khích quý vị nên tiếp tục sự trợ giúp ấy, thậm chí là thường xuyên và mở rộng hơn nữa. Hồn nhiên, trong sáng và vô vị lợi.

Chúng ta nên tuyệt đối tránh gây tai tiếng ở bất cứ những không gian nào. Ở nhiều cuộc hội thảo hay lễ hội truyền thống, nhiều lúc tưởng chừng không gì có thể bẻ gãy sức mạnh đoàn kết, không gì có thể khiến mếch lòng nhau, lại gây đổ vỡ, mếch lòng không đáng, kéo theo hậu quả khôn lường. Bị xào xáo, chúng ta sừng sộ, oang oang nhảy dựng và la toáng lên, quyết tâm giành phần đúng phần thắng về mình. Cuối cùng cộng đồng cô đơn mù mịt, thấp cổ bé họng là gánh chịu tất tần tật. Chúng ta làm người ai cũng có tâm. Có tâm thì tâm phải hòa đồng, thuận thảo, không chấp nê vụn vặt. Po Yang cho ai năng lực ở lĩnh vực nào, người đó cứ tận dụng. Mà cũng cố gắng tận dụng có ích cho cộng đồng nữa. Đừng đem năng lực ấy, mải mê vun vén lợi lộc cá nhân, bỏ mặc cộng đồng lầm than cơ cực. Giúp ích được bao nhiêu, đóng góp được bao nhiêu cho cộng đồng nơi quê nhà, thì cố hết sức làm, khả năng tới đâu bồi đắp tới đó. 

Tuy nhiên, dư luận trong nước cũng đòi hỏi quý vị thật sự thông hiểu, thường xuyên cập nhật và sâu sát tình hình thực tiễn quê nhà hơn nữa. Xin đừng vướng víu mãi với kí ức Chăm thời 54 -75, tự gây bẽ bàng và bốc khói niềm tin lẫn nhau. Lịch sử và thời đại hôm nay đã khác xa. Con người của thời đại hôm nay đã lên đường, làm cuộc chuyển biến mới. Dĩ nhiên, nó kèm theo nhiều mặt hạn chế, bi đát, khó tránh khỏi. Đó là tình trạng chung, phần lớn nhiều cộng đồng trên thế giới có vấp phải. Nhất lại là trong ngữ cảnh toàn cầu hóa chứa đựng trong lòng nó dòng chảy xiết, bất kể làng mạc dân tộc trên hành tinh này. Cũng không thể đổ hết lỗi cho bản thân cá nhân và gia đình. Vì xét cho cùng, làm thân phận tộc người bị bảo hộ kiểu mới ngay chính mảnh đất ông bà tổ tiên mình, chắc chắn không phải dễ sống. 

Quý vị ở đây, có người đã lựa chọn con đường ra đi, có người buộc phải ra đi tìm lí tưởng mới. Nhưng hai, ba thập niên trở lại đây, những tiếng vọng bên ngoài vào, trực tiếp hay gián tiếp, đã vô hình trung, gây gia tăng áp lực soi mói, hạnh họe hơn từ phía chính quyền đối với người Chăm chúng ta. Tất nhiên cũng có những tiếng vọng mang tín hiệu tốt lành. Nhưng đa phần gây dư luận buồn.  

Quý vị nói rằng “Xã hội Chăm là xã hội không có nhà lãnh đạo, không tổ chức”. Đúng quá, nơi quê nhà nhiều mất mát, đau thương này, dân tộc Chăm còn là dân tộc bị bảo hộ một cách chẳng đặng đừng, bởi một đất nước thiếu thốn tiền bạc, dư thừa mánh mun . Tức là người ta cai quản mình, trị vì mình, mình trở thành thần dân thấp bé nhẹ cân, hẩm hiu và hay bị đe nẹt. Bị đe nẹt đủ kiểu, từ nhỏ đến lớn, nhưng khi phản ứng lại, chính ta lại phải nuốt tai họa làm ngọt, ngậm ấm ức đằng đẵng làm vui. Ngược ngạo và cam chịu nghịch lí như vậy. Chỉ có người Chăm chúng ta mới đủ độ lượng và vô tư hiền ngoan hoà nhập, vào thế giới đa sắc màu quanh mình. Trong cái tấm lưới xã hội chung ấy, khả năng lãnh đạo, tổ chức của tộc người riêng lẻ, thật tình khó có cơ sở bộc lộ, phát huy. Mà nếu có cơ hội bộc lộ, phát huy, không biết rồi đây, đó là phúc hay họa cho vận mệnh dân tộc nữa. 

Quý vị ở bên ngoài là một lợi thế lớn lao, nhưng quý vị tận dụng nó một cách hời hợt, yếu ớt. Hình như quý vị chỉ biết riết róng lên với nhau là rốt ráo nhất, dư luận trong nước liên tu bất tận lo lắng, hoang mang và nẫu nuột niềm tin. Đặc biệt ái ngại là trường hợp này thường xuyên xảy ra ở thế hệ đi trước. Thế hệ ấy là thế hệ bản lề, kinh qua nhiều trải nghiệm khốc liệt. Ở đây, không riêng cá nhân tôi thật tình tha thiết, quý vị ở những đất nước dân chủ, văn minh, xin hãy làm ơn làm tấm gương cho chúng tôi, nơi khổ đau, bất hạnh ngập ngụa quanh năm suốt tháng.

Thưa quý vị!

Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ, tôi đã may mắn gặp gỡ, giao lưu và chung sống. Cả thế hệ lớn tuổi nữa, trong lời nói và suy nghĩ, họ luôn không nguôi day dứt suy tư để phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ, duy trì bản sắc văn hóa lẫn lịch sử, phong tục tập quán bản địa... Ngay cả những vấn nạn đau đớn của thế hệ trẻ cũng được đem ra bàn luận, mổ xẻ hết sức khách quan và thời sự. Còn những day dứt suy tư ấy tức là còn quan tâm, còn tinh thần Chăm tuần hoàn trong máu thịt. Dù biết người Chăm mình còn nghèo, còn nhiều lắm những vết thương, ung nhọt lở lói, mọc tràn trên thân thể tháp Chàm cổ kính. Cũng như chế độ xã hội mẫu hệ Chăm, cần phải có những chủ trương và đường lối, giải pháp và kĩ thuật bóc tách lớp lang, căn nguyên cội rễ.

Nhưng tất nhiên chỉ dừng ở mức độ day dứt suy tư như vậy. Không có ai định hướng, hoạch định, phân công trách nhiệm,v.v…Sự sống còn của một dân tộc, nhất lại là người Chăm chúng ta, cần lắm những day dứt suy tư, nhưng điều đó vẫn là chưa đủ. Cần nhiều hơn nữa những hành động cụ thể, ở từng sự vụ. Cần nhiều hơn nữa những cá nhân mang tầm vóc lớn, uy tín và dịu dàng xâu kết lại, khởi động trên nền tảng ý tưởng thượng tầng bền vững.

Nhưng trước tiên, làm ơn hãy nhìn xa hơn, độ lượng và cúi xuống thấp nhất với những ngữ cảnh trần gian, để lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia. Rồi cất tiếng ngọt ngào, thanh thoát, không nồng nã lửa táp, gào thét bão giông. 

Nên nhớ cho, ở xứ sở mà tộc người bị định phận đóng đinh, điều kiện xã hội cố tình trì níu, tiếng vọng bên ngoài vào là cần thiết. Cần thiết như là hạt muối góp “cái mặn” cho biển khơi. Tuy vậy, một cơn gió nhỏ thoáng qua chỉ làm nóng rộp thêm xứ nắng. Cả trận mưa bóng mây, cũng chẳng cải thiện gì hơn hiện trạng trầm luân, vào lúc này. 

Kính thưa quý vị!

Thư đến đây đã dài. Vài lời tâm huyết tự đáy lòng, có gì không phải, mong quý vị thể tất cho. Cuối cùng cho phép tôi được gửi lời thăm hỏi sức khỏe bà con, cô bác anh chị em Chăm ở hải ngoại. Chúc cộng đồng Chăm mình dồi dào sức khỏe, bình an và gặp nhiều thuận lợi may mắn trong công việc và cuộc sống! Qua đây, tôi xin nói lời cảm ơn sâu sắc đến anh Thạch Ngọc Xuân, một người anh tận tụy, trong sáng và khiêm cung mang vác một tinh thần Champa nồng nàn, sâu thẳm. Bức thư này tôi ủy thác cho anh được toàn quyền thay tôi lên trình bày tại Hội Luận lần II này, cũng như phổ biến trên bất kì phương tiện truyền thông báo chí. 

Hi vọng ngày Hội Luận Champa lần này sẽ thành công tốt đẹp!

Kính chào quyết thắng!

 Đồng Chuông Tử.

Posted in: Tin cộng đồng
Like (3)
Loading...
3
ranam
<p>bài viết nhẹ nhàn, gần gũi với thực tế, hy vọng Hội Luận lần 2 này đút kết những ý kiến đóng góp, rồi rút ra định hướng trong tương lai có lợi cho công dân Champa. Chúc<span style="color: #333333; font-family: Arial, Helvetica, sans-serif; line-height: 15px;"> </span><span style=... View More
August 18, 2012
Ikan di Ram
<p>Um, hy vọng thế</p>
August 19, 2012
TRƯƠNG VĂN PHÚC (YARA_ MLM) chữ Multi-Level Marketing
<p>Cám ơn anh đồng chuông tử bài viết của anh rất thiết thực với cộng đồng người chăm </p> <p>huy vọng hội luận lần 2 này không đi theo vết xe đổ của lần 1!</p> <p>vì cuộc sống con em chăm đang sống ở vn </p> <p>chúc hội luận champa thành công trong sự mong đợi của con em cham chung ta về vấn đề xã ... View More
1
1
August 19, 2012
girlchampa_sg@yahoo.com
vi cuoc song cua dong bao dan toc Cham, tat ca se cung co gang.. va se thanh cong tot dep hon..^^
August 20, 2012