• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
Kaka
by On January 21, 2012
200 views
Trong những di tích văn hóa Chăm để lại trên dải đất miền Trung, di tích văn hóa Chăm ở Bình Định có một vị thế riêng, bản sắc riêng của miền đất và điều kiện lịch sử dung dưỡng nền văn hóa này. Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tộc người Chăm kéo dài 5 thế kỷ (XI-XV), cho đến nay, các di tích văn hóa Chăm còn lại ở Bình Định vô cùng phong phú về loại hình, chất liệu, kích cỡ, tạo ra một giá trị đặc sắc trong dòng chảy của lịch sử văn hóa. 

http://www.baobinhdinh.com.vn/thapcham/2007/8/47054/images/images49234_images37504_thapcahm.jpg
Tháp Dương Long. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Để tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Chăm ở Bình Định, có thể nói nhờ hai yếu tố:
Một là, yếu tố truyền thống của văn hóa Chăm được xây dựng, phát triển trên một ngàn năm từ tín ngưỡng bản địa của người Chăm kết hợp với sự hội nhập của văn hóa Ấn Độ.

Hai là, yếu tố văn hóa bên ngoài ảnh hưởng đến văn hóa Chăm trong giai đoạn lịch sử này. Cùng với lát cắt lịch sử của thời kỳ Vijaya (Bình Định), trong khu vực thời nhiều tộc người đã xây dựng nên bản sắc văn hóa riêng độc đáo. Đặc biệt, hai nền văn hóa gần gũi như văn hóa Thăng Long của Đại Việt (Lý - Trần) và văn hóa Khơme (Ăngko Vát - Ăngko Thom) đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành một phong cách nghệ thuật trong các di tích văn hóa Chăm ở Bình Định. Sự ảnh hưởng của văn hóa Đại Việt thể hiện qua các mối giao lưu văn hóa diễn ra trong suốt thời kỳ Lý - Trần mà đỉnh cao của nó là sự liên minh chống quân Nguyên xâm lược vào cuối thế kỷ XIII và cuộc hôn nhân giữa công chúa nhà Trần Huyền Trân với vua Chămpa Chế Mân (Jaya Vacrman II). Sự ảnh hưởng của văn hóa Khơme là hằng số, bởi hai nền văn hóa này có nguồn gốc cùng chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Đặc biệt hơn, trong thời kỳ Vijaya, người Chăm đã nhiều lần tiến quân vào đất Khơme và thủ đô ĂngKo (người Khơme đã biến vùng đất này thành thuộc địa của đế quốc Ăng Ko khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII). Họ đã tiếp thu văn hóa, ảnh hưởng lẫn nhau khá sâu đậm.

Những mối quan hệ lịch sử đã tác động đến sự phát triển của văn hóa Chăm giai đoạn ViJaya có thể được nhận thấy trên một số loại hình di tích.

1. Kiến trúc tháp Chăm

Hiện nay trên địa bàn Bình Định còn tồn tại 7 cụm tháp với 13 kiến trúc, được xây dựng kéo dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV. Tháp Chăm là một loại hình kiến trúc tôn giáo ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ được người Chăm tiếp thu và xây dựng mang bản sắc riêng của tộc người. Tháp Chăm có quy mô không lớn, được xây chủ yếu bằng chất liệu gạch, mô hình kiến trúc riêng, kỹ thuật riêng độc đáo và được chạm khắc hoa văn như một tác phẩm nghệ thuật. Những tháp Chăm được xây dựng ở Bình Định giai đoạn đầu vào thế kỷ XI (tháp Bình Lâm) là sự kế thừa truyền thống nghệ thuật kiến trúc Chăm đã định hình và phát triển hàng trăm năm trước đó. Tháp Bình Lâm xây bằng gạch, kỹ thuật xây mài chồng khít như không có mạch, khối kiến trúc tinh xảo, hoa văn trang trí chi tiết mang tính nghệ thuật cao. Yếu tố truyền thống này là yếu tố chủ đạo trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm tiếp tục được phát huy đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc tháp ở Bình Định. Ở một số kiến trúc tháp cuối thế kỷ XII, như tháp Bánh Ít, bên cạnh yếu tố kiến trúc, nghệ thuật truyền thống, ảnh hưởng của kiến trúc Khơme đã đem lại một diện mạo mới trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm. Mặc dù còn xa lạ, nhưng sự kết hợp giữa vật liệu truyền thống Chăm (gạch) với khối kiến trúc dáng dấp Khơme đã tạo nên một khối kiến trúc thể nghiệm mới trong kiến trúc tháp tôn giáo Chăm, đạt hiệu ứng về thẩm mỹ nghệ thuật trong kiến trúc.

Cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, do điều kiện lịch sử, ảnh hưởng của kiến trúc Khơme lên các kiến trúc tháp ở Bình Định ngày càng phổ biến. Một ví dụ là kiến trúc tháp Đôi. Tháp có mặt bằng, vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng, họa tiết trang trí, khối kiến trúc thân, cửa, cửa giả hình mũi lao mang tính truyền thống; còn hệ thống đá ốp trang trí chân, bộ mái tháp hoàn toàn mang tính chất mái khối kiến trúc tháp Khơme, tạo nên sự hài hòa, mang vẻ đẹp riêng trong kiến trúc. Sự ảnh hưởng của kiến trúc Khơme còn được thể hiện rõ nét trên tháp Dương Long. Mặt bằng đế tháp hình vuông chuyển lên mặt bằng thân tháp đa cạnh, hệ thống khối trang trí góc, thân tháp mất đi và bộ mái tháp chuyển sang khối hình tròn.

Sự kết hợp từng bước, hài hòa từng bộ phận đã bước đầu mang lại hiệu quả cho phong cách kiến trúc này, tạo nên dòng nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm riêng mà không vùng đất nào có được. Những bước thử nghiệm ấy là tiền đề của việc ra đời các kiến trúc tháp mang đặc trưng Chăm riêng biệt độc đáo mà các nhà nghiên cứu kiến trúc gọi là phong cách nghệ thuật kiến trúc tháp Bình Định, điển hình là tháp Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện. Trong dòng nghệ thuật kiến trúc tháp Bình Định, có thể thấy rõ hai yếu tố nội sinh là truyền thống nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm kết hợp với ảnh hưởng của kiến trúc tháp Khơme tạo nên hiệu quả sau:

Quy mô các kiến trúc to lớn mà không một giai đoạn kiến trúc tháp Chăm nào có được; có tháp như Dương Long được coi là kiến trúc gạch cao nhất Đông Nam Á. 

Sự kết hợp hài hòa giữa khối kiến trúc tháp Chăm và khối kiến trúc Khơme hòa nhập với điều kiện tự nhiên, tạo nên vẻ đẹp khỏe khoắn, hoành tráng đầy ấn tượng, nâng cao giá trị tư tưởng, nội dung tôn giáo mà công trình kiến trúc chuyển tải.

Sự kết hợp tài tình giữa các loại vật liệu truyền thống Chăm (gạch) với vật liệu mới (đá) ảnh hưởng của kiến trúc Khơme đã tạo nên một thẩm mỹ riêng. Sắc đỏ nồng ấm của gạch, sự bền vững của đá đã tạo nên gam màu độc đáo, lộng lẫy, sang trọng, tăng giá trị thẩm mỹ mà vẫn tồn tại ổn định lâu dài trong lịch sử.

Sự tiếp thu có chọn lọc còn thể hiện qua việc lựa chọn vật liệu xây dựng tháp. Nếu các kiến trúc Khơme giai đoạn này được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu đá và đá ong, thì người Chăm chỉ khai thác sử dụng đá ong trong các phần nền của kiến trúc để tạo sự ổn định, bền vững cho công trình, như các tháp Bánh Ít, Cánh Tiên, Dương Long.

2. Điêu khắc

Điêu khắc đá Chăm đến giai đoạn Vijaya có gần 400 năm tồn tại và phát triển. Những tác phẩm đầu tiên được biết đến thuộc thế kỷ VII (phong cách cổ Mỹ Sơn E1) và có những đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc đá thuộc thế kỷ X (nghệ thuật phong cách Trà Kiệu), được coi là những tác phẩm tinh mỹ nhất của nghệ thuật điêu khắc Đông Nam Á. Nghệ thuật điêu khắc đá giai đoạn này có những bước chuyển mình. Nếu giai đoạn đầu, các tác phẩm nghệ thuật tìm thấy ở Bình Định có tính kế thừa, nghệ thuật tinh tế vừa chú trọng hình khối, vừa chú trọng chi tiết tạo nên sự sang trọng có tính tôn giáo như linga tháp Bình Lâm, tượng voi thành Chà Bàn, phù điêu nữ thần Sargvatti (Bình Nghi - Tây Sơn), thì những tác phẩm thế kỷ XII-XIII lại có kích thước lớn, hình khối căng to thô, họa tiết trang trí khối nổi rõ, ít cầu kỳ, mang sức sống thời đại. Nghệ thuật điêu khắc thời kỳ này chủ yếu chú trọng đến khối mà ít quan tâm đến chi tiết, chủ yếu thể hiện nội dung tôn giáo mà ít tính đến hiệu quả nghệ thuật. Các nhà nghiên cứu gọi đó là phong cách nghệ thuật tháp Mẫm. Cùng với đề tài tôn giáo truyền thống được thể hiện trong các giai đoạn trước như hình ảnh các vị thần, các con thú huyền thoại, thì thời kỳ này xuất hiện nhiều đề tài mới như Garuda, rắn Naga được thể hiện trên khối to nổi, họa tiết trang trí khá hoàn thiện.

Hình ảnh con rồng được thể hiện khá dữ dằng, khối nổi to khỏe mạnh, ẩn chứa sức sống đầy quyền uy.

Đặc biệt, giai đoạn này xuất hiện hình tượng con Makara với bờm mào vươn cao, thân uốn lượn mềm mại như hình ảnh con rồng trong nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý, hay những họa tiết hoa văn cánh sen được khắc tạc với sức sống mới, những cánh sen to mập, mũi uốn hướng lên rất gần gũi với hoa văn cánh sen thời Trần trong nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam. Một vài chi tiết nêu trên cho thấy, nghệ thuật điêu khắc đá Bình Định thời kỳ Vijaya đã tạo nên một phong cách mới, mang vẻ đẹp riêng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Chăm trong lịch sử.

3. Giá trị văn hóa trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm ở Bình Định đã có một thời kỳ phát triển khá huy hoàng. Những đóng góp nổi trội của nó thể hiện qua quy mô kiến trúc to lớn, hoành tráng mang vẻ đẹp khỏe khoắn, tạo nên những đặc trưng cơ bản của kiến trúc tháp Bình Định: Đế tháp có kích thước lớn đồ sộ, nền đế xây cao khác hẳn các kiến trúc có trước; Thân tháp khối to, đứng, hệ thống cột góc nhô ra, mỗi mặt tường có 5 cột đơn khối nổi to vững chắc; Hệ thống cửa nhiều lớp nhô ra, vòm cửa mũi lao nhọn nhiều lớp nhô lên khỏe mạnh; Bộ mái tháp nhiều tầng, thu nhỏ dần lên. Mỗi tầng có hệ tháp góc nhiều tầng thu nhỏ dần lên trang trí.

Vẻ đẹp của các tháp trong thời kỳ này là vẻ đẹp tổng thể, to lớn về quy mô, đường bệ trong mảng khối: “Tất cả các thành phần kiến trúc đều đi vào mảng khối: vòm cửa thu lại và vút lên hình mũi giáo. Các tháp nhỏ trên các tầng như cuộn lại các hình khối đậm khỏe, các trụ ốp thu vào thành một khối phẳng, mặt tường được tăng gân và được căng ra bằng đường gờ nổi chạy giữa, các đá điểm góc trở nên cách điệu… Tất cả đều có tác dụng gây ấn tượng hoành tráng từ xa…”(1). Một số nhà nghiên cứu cho rằng các kiến trúc tháp Chăm ở Bình Định là sự giản lược công thức, kém giá trị thẩm mỹ so với các kiến trúc có trước, điều đó không có nghĩa biểu hiện sự suy thoái của nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm, mà đó là sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc trong một giai đoạn, khẳng định thêm giá trị của nền văn hóa này trong nền văn hóa dân tộc.

Những tác phẩm điêu khắc đá trong giai đoạn này so với giai đoạn trước, về kích thước vượt trội hơn hẳn. Khối tạc đồ sộ, mảng nổi căng sức sống, chững chạc hơi gân guốc, họa tiết hoa văn to, thoáng thể hiện một khoảng không rộng lớn làm nổi bật chủ đề trang trí, phù hợp với khối tượng tổng thể, tạo nên sự hài hòa hoàn thiện, không hề khô cứng, hay báo hiệu sự suy thoái của nghệ thuật điêu khắc như một số nhà nghiên cứu nghệ thuật suy luận. Những tác phẩm điêu khắc này phù hợp với khối kiến trúc, tạo nên một sức sống riêng khỏe mạnh, ấn tượng, ẩn chứa bên trong sự khát khao cuộc sống, với niềm mong ước nỗ lực vươn lên, tạo nên một giai đoạn nghệ thuật mới tỏa sáng trong nghệ thuật điêu khắc Chăm.

Để có được một phong cách nghệ thuật mới, riêng biệt mang dấu ấn của vùng đất sản sinh ra, nghệ thuật Chăm giai đoạn Vijaya đã biết kế thừa những tinh túy của nghệ thuật giai đoạn trước, biết tiếp thu, hội nhập chọn lọc những yếu tố văn hóa bên ngoài tạo nên một phong cách nghệ thuật mới mang đậm dấu ấn của chủ nhân sáng tạo ra chúng. Những ảnh hưởng của văn hóa Việt - Khơme để lại những dấu ấn phảng phất, gần gũi nhưng không lấn át được yếu tố nghệ thuật Chăm. Dòng chảy nghệ thuật Chăm vẫn giữ vai trò chủ đạo, mang thêm sức sống mới, sự sáng tạo mới. Văn hóa Chăm ở Bình Định có được thành tựu sáng giá, chính nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố văn hóa cội nguồn, kết hợp sáng tạo với yếu tố văn hóa bên ngoài, tạo nên một bản sắc riêng độc đáo, tỏa sáng trong nền văn hóa dân tộc cho đến ngày nay.

(*) Bài viết của TS. Lê Đình Phụng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số tháng 6 năm 2007
1. Ph.Stern, L’art du Chăm et son Evolution, Toulouse, 1942 (Bản dịch tư liệu Viện Khảo cổ hoc)

Theo baobinhdinh.com.vn, 20.8.2007
 
Be the first person to like this.