• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
Kaka
by On January 19, 2012
293 views

Ký Mic 5.4. 2007

Khi co duỗi người để nhìn vào nền văn học của dân tộc mình. Trong tôi có nhiều điều nghi vấn. Tôi tự hỏi: những lớp thế hệ sau cơn chấn động tất yếu của lịch sử làm sụp đổ vương quốc Champa và đẩy con người Cham vào cảnh vong quốc đã làm gì? Trong thời kỳ hỗn mang của dân tộc - đạo lý sống và khuôn sáo xã hội lộn nhào - các nhà văn đã phản ứng như thế nào trong tác phẩm của mình? Giá trị của truyền thống được những con người níu giữ như thế nào trong thời kỳ loạn li và thất tán? Sống trong cảm giác bị siết chặt, bị quản thúc - và sự sống và cái chết chỉ cách nhau bằng một ranh giới mỏng như màng xà phòng - họ có thể bị xua đuổi khỏi quê hương, họ có thể bị giết trên chính mảnh đất một thời hãnh diện của họ - họ cảm như thế nào?

Vâng. Glang Anak đã phản ứng - theo trạng thái co rúm - lãng quên tất cả đau thương để là bắt đầu - như thể tiền khởi của chủ nghĩa lãng mạn. Còn những nhà văn phản ứng theo cách duỗi - vô danh/ khuyết danh - các tác phẩm của họ [theo tôi nghĩ] đã làm miếng mồi cho ngọn lửa hung tàn. Pauh Catwai cũng phản ứng - ông mặc nhiên cho mọi thứ bay bỗng lửng lơ. Và những tác phẩm của họ - như quyển nhật ký của một dân tộc. Và lịch sử mù mờ của dân tộc Cham - có lúc phải nương vào hơi hám của những thứ được coi là văn vẻ này - những thứ mà chính thế hệ của tôi đang dửng dưng, phớt lờ - làm gạch lót. Họ như thể muốn xây thêm một ngọn tháp nằm im trong trang giấy lá cải.

Qua cách nhìn vào thế hệ mà tôi đang sống cùng - vô hình chung tôi tự hỏi: phải chăng đứa con dân tộc Cham - những người được cho là nhà văn [từ xưa tới nay] đã tê liệt cảm giác sống? Những đứa con của họ sinh ra nằm ở đâu? Phải chăng chỉ toàn là xác chết yểu đang thời kỳ thôi nôi? Nhưng muốn truy tìm thấy cái xác chết ấy cũng là chuyện khó khăn cho tôi.

Và, ký ức dân tộc Cham bị thua thiệt so với dân tộc khác ư! Bản thân tôi 25 tuổi - cũng có trong mình một khối khổng lồ ký ức mà - chúng đang đè nặng lên con người tôi mà - nếu như không kịp tuôn ra, chắc tôi chết ngạt mất. Không, có vẻ mọi người cố tạo bức tường vô cảm - và việc giả vờ đã tạo thành thói quen. Và họ sống trong cảm giác đó. Họ không làm gì nữa - nhưng ai muốn làm tiếp cái việc dang dở của họ - họ đâm ra chán ghét - và dùng những hình thức hiểu biết đã làm họ bất lực tra vấn, chỉ trích và phê phán kẻ khác.

Tôi nắn lại vài chuyện cỏn con.

Kazik - kẻ lãng du từ Âu châu nhận mình làm đứa con nuôi của dân tộc Cham - lấy hai đôi vai đỡ những ngọn tháp đang đổ hay đã là phế tích rồi. Chế Lan Viên [kẻ ngoại bang không làm việc khóc mướn] đã tự nguyện ru ngủ những ngọn tháp đổ nát gầy nhom vì chờ đợi những đứa con bất hiếu của mình. Còn bây giờ Inrasara đang tạo dựng một lâu đài - nhưng mọi người vẫn chưa thức giấc - họ nửa mơ nửa tỉnh - nên có khi họ cố bắt chước - có khi muốn nhảy hay phá đổ lâu đài này đi - họ lẫn lộn vấn đề giữa văn học và sử học để bay vào tranh luận rất quyết liệt - Tại sao chúng ta không dựng cho riêng mình một lâu đài khác?

Từ xưa đến giờ kẻ từ khi lên ngôi và nhận mình là kẻ thiểu số - dân tộc Cham đang khan hiếm tài năng. Có khi, giả như xuất hiện - họ mang trong mình cái mầm của sự sợ hãi do bị doạ nạt. Có khi là họ đã mang cái mầm tự chôn vùi mình. Và những khuyết tật của dân tộc vẫn còn đó - mọi người sẽ lãng quên cơn đau - có khi đau đớn của họ chỉ là cảm giác khoái cảm vì tò mò nhất thời/ hời hợt.

Kẻ bất tài - từ cổ chí kim có ai tung hô? Nhưng những cảm giác e ngại, rụt rè, sợ hãi - không phải ai cũng có sao? Ai sẽ là kẻ mạo hiểm vượt qua - không chút biện hộ cho sự bất lực của mình?

Dấn thân - rồi vong thân. Ừ! Cham là vậy. Những con người có thể vô danh, một dân tộc đã vô ngôn lâu ngày. Chúng ta có cần cất tiếng không? Nhận biết mình chẳng hạn.

Tôi biết, khi dấn thân sẽ chịu nhiều lời phê bình cay cú - lời chỉ trích thô kệch - có thể lắm là sự khen/ che - hay mỉa mai/ ám chỉ như thể một tên hề đang đọc lời điếu/ mặc tưởng.

Thôi mặc, tôi cứ viết.

Ký Mic 25.6.2008 

1. Có những khoảng trống tăm tối mà mọi người ít nhắc đến: đó là giấc ngủ. Nó chiếm gần 1/3 thời gian sống đời người. Nói về nó - đương nhiên sẽ chán và vô vị. Tuy nhiên, nó là một thế giới riêng - và những giấc mơ thêu dệt từ nó là trung tâm điểm của những kỳ tích huyền diệu mà loài người tạo nên. 

2. Có những khoảng trống tăm tối mọi người ít nhắc đến: sau khi chết. 

3. Nhưng, những điều loài người hay nhắc đến: những lặp lại và thay đổi.

Ký Mic 16.4.2008 


Khi thức dậy – mày mò lại thói quen của mình – tôi bắt đầu khởi động tay chân làm mấy động tác nóng người. Đánh răng - tắm rửa. Sau cùng tôi lấy cuốn tiểu thuyết của Maquez: “Tình yêu thời thổ tả” mà tôi đọc dở dang đêm qua ra đọc. 


Tiếng điện thoại reo. Đúng 3 tiếng - chẳng hơn chẳng kém. Tôi nghe: - đầu dây bên kia lên tiếng và tôi nhận ra giọng của S.: Tôi chỉ chào theo thủ tục. Nàng hỏi tôi – nào là sức khoẻ, nào là cuộc sống thường nhật,… nàng quan tâm tôi tới như thể tới mức vượt qúa cả tôi quan tâm tới chính tôi nữa. Không hoàn toàn bất ngờ về sự chênh lệch này. Tôi uốn giọng như vẻ chán chường và bất cần - để trả lại những câu hỏi của nàng. 


Nhưng sau nửa phút 2 bên im lặng để nghe hơi thở của nhau – tôi giật thóp cả tim khi nàng muốn tôi đến đón nàng và chuẩn bị chổ hẹn trước để nàng nói những chuyên đề quan trọng. Nghĩa là tôi vừa là kẻ tôi tớ đồng thời là kẻ có chức quyền nho nhỏ ở sự lựa chọn và quyết định. Cũng hơi tò mò và hồi hộp. Nhưng tôi chỉ lặng im – và tôi cảm là nàng sắp khóc – nên cố "ừ" một tiếng cho ra lễ - như thể là một cái máy có sắp cài sẵn chương trình và được điều khiển tù xa. 


Và chiều hôm đó - việc gặp lại S. theo tôi nghĩ là một sai lầm – dù gặp gỡ - chẳng có gì khác là nhìn ngắm nhau và giữ im lặng ở một khoảng cách. Nói thêm nữa mọi thứ có vẻ thừa thải – và cảm giác vô ngôn đã ngự trị trong tôi. Tôi không phát hiện sự bí mật hay chuyên đề quan trọng nào mà nàng nói tới cả. Một câu hỏi của nàng – “Trong khúc tấu rối bù gì đó – Th. là ai vậy anh?” Tôi mỉm cười: “Không liên quan gì tới em.” Nàng như muốn rời khỏi chiếc ghế - tôi tiếp: “Và việc em đi hay không cũng chẳng liên quan gì tới anh.” 


Cuộc trò chuyện chỉ đến vậy – và những lời sau đó của nàng như thứ âm thanh vô hồn chói rọi vào tai tôi. những luồng âm thanh giả tạo hay xa vời với thế giới của tôi.

Ký Mic 29.5.2008 


Thật sự là những hồi ức về quá khứ - không cách xa tôi mấy [ý tôi là về mặt thời gian]. Nó như ở trước mặt tôi – như một tên tội đồ đáng thương để tôi chất vấn nhiều uẩn khúc. – em gái tôi, một học sinh lớp 4 – giỏi về học tập và tốt về mặt đạo đức trên lớp học. Hôm nay, tôi đã gọi điện về nhà và bé đã bắt máy. Như thường lễ, tôi hỏi về sức khỏe trước và tiếp đến là việc thu hoạch sau mùa học năm ngoái của bé – bé nói: “Em đã cố giắng, nhưng không dành được phần thưởng tương xứng.” Tôi im một lúc rồi vội vã lẳng qua chuyện gia đình – bé cho tôi biết là mọi thứ đều ổn. Sau khi tạm biệt bé và gác máy – tôi nhớ về thời cấp I của mình. Điều làm tôi nhớ nhất và chắc chắn chỉ mỗi chuyện ấy thôi: là vào thời chúng tôi học – mỗi khi buổi học sắp tan chúng tôi thường hay nài nỉ/ xin xỏ thầy kể những câu truyện cổ tích [đa phần là truyện cổ tích Cham]. Và tôi không hình dung nổi – là chuo\ương trình dậy học xưa kia sắp xếp thế nào ấy – khi đến cuối buổi học [đa phần là ngoài giờ] – có khi chúng tôi phải nằm im thin thít nghe thầy kể truyện – đôi lúc chúng tôi phá lên cười rất to vì sự hóm hỉnh của người thầy. Tôi còn nhớ rất rõ – nhất là âm điệu của thầy Khánh ở lớp 2, thầy Võ và thầy Bộ ở lớp 4 – và tôi không làm sao kể lại được tất cả những câu truyện nghe được cho người thân khi về tới nhà được dù tôi không thể nào quên những câu truyện đó – dù căp học đầu tôi đã bước qua lâu rồi. Tôi đã chập chững bước đi đầu tiên tiếp cận với văn hóa Cham. 


Bây giờ - ở dưới quê tôi – chắc mọi thứ đã thay đổi hay lột tẩy bộ mặt hết rồi. Em tôi sẽ học theo chương trình khép kín như chu kỳ - và không thể nghe các thầy cô trẻ kể về những câu truyện cổ tích ấy nữa. Theo tôi thấy – các thầy cô trẻ bây giờ - chỉ dạy tỏ thái đội đối phó với chương trình cải cách. Họ như kẻ đáng thương trong công sở - chật vật với khả năng của mình – nhưng khi ra ngoài có vẻ rất ngon lành với điệu bộ - đóng thùng phùng phình, oai hùng như kẻ chiến binh đánh cướp giật được chiến lợi phẩm ở nơi ấy vậy. 


Tôi vẫn đang mỉm cười với hồi ức của mình – vì chưa có thế lực nào lôi tôi ra – và tôi tự hỏi: “Em tôi có thể có giây phút đó không?” Tôi khoái chí – nhưng có thể tôi đã sai lầm – vì không ý thức đến việc thế hệ sau sẽ tạo lớp sóng cuốn đạp lên thế hệ đang ngày già nua của chúng tôi mà đi. Khi nghĩ đến vậy – trong tôi phát tởm hẳn. Tôi như muốn chạy đến một nơi nào đó thật sớm để bỏ lại sau lưng tất cả - dù chẳng ý thức được tất cả là những gì.

Ký Mic 2.5.2008 

Chúng ta khó có thể nhận biết về thời thơ ấu và dư hưởng của nó đối với cuộc sống hiện thời. Âm vang của nó, hình ảnh của nó, mùi vị của nó, … có thể mập mờ hay được nhớ như in trong tâm trí. Nhất là những thứ mà giác quan ta chạm vào lần đầu gây ấn tượng khó phai hay những thứ đã trở nên quen thuộc – dù nó cho ta cảm giác dễ chịu hay dị ứng. 

Đa phần, đất nước Việt Nam làm nông. Lúa nước và những thức ăn – thường hay nấu nướng chỉ quanh quẩn cây nhà lá vườn. Tuổi thơ của tôi thường gắn liền với cánh đồng thôn quê. Tuổi trẻ của chúng tôi thường có những thú vui là đi bắt cá đồng – với hình thức đánh lưới, câu hay tát. Các chị em trong làng [cả mẹ tôi nữa] – thường thì vào ngày thứ bảy hàng tuần hay gọi nhau thức giấc rất sớm [khoảng 4h sáng]. Đi ra ngoài mương Nhật giăng nhá [vì nước vừa cấp mở từ Sông Pha lên to và rất nhiều cá: từ cá lòng tong nho nhỏ cho đến cá trê, cá trầu]. Và mỗi lần như vậy các bà chị đều thu gần nửa thúng. Mùa lũ thì cá nhiều hơn. 

Mẹ tôi thường kho cá với nghệ - và sáng, trưa, chiều của những ngày ấy gia đình tôi thường dùng cơm với món đặc trưng ấy. Và tôi không hiểu vì sao mùi cá kho nghệ ấy lại là một ẩm thực tôi không thể quên được dù vây quanh có vài món có mùi rất đặc trưng như: nhông cát, chuột đồng ,… Về sau, những ngày vào đô thị Sài Gòn – tôi làm một gã sinh viên luôn ngủ gật trên chiếc ghế của Trường Khoa Học Tự Nhiên. Căn tin ký túc xá – với những khẩu vị của phổ thị Sài Gòn – không hợp với tôi mấy – nhưng dần dần cũng thấy quen. Dù sao đi nữa – cảm giác nhớ quê cũng xuất hiện trong tôi – có khi nỗi nhớ trải rất rộng. Nhưng khi hồi ức được về trước mâm cơm mẹ nấu – dường như tôi cảm là có mùi cá trê kho nghệ xông lên mũi mình. Một mùi vị không thể nào vơi cạn trong tâm khảm của tôi. Và tôi không hiểu sao lại như vậy. 

Tôi có thể cảm rằng – vì lẽ lúc sinh con người phụ nữ ở quê tôi không thể thiếu nghệ - và vì tính cách của những ông bố ở người Chăm rất khác. Ảnh hưởng từ câu: “Trai chinh chiến, nữ sinh nở.” của chế độ mẫu hệ, nên hiếm khi ta thấy các ông bố chăm nom chuyện lặt vặt. Việc ấy thường hay nhờ đến đứa con hay mẹ của vợ. Vì tôi là con cả - nên hay được mẹ nhờ – và những mùi nghệ thoa lên người mẹ - mùi cá trê kho nghệ luôn vây quanh tôi. 

Và tôi cũng có thể cảm rằng – về xa hơn nữa, mùi nghệ đã chìm vào vô thức tôi – thời mẹ sinh tôi. Có thể là vậy. 

Và sau này cũng vậy – tuổi thơ tôi thường hay nghịch dại – những vết tích của tật trên khuôn mặt cũng được mẹ thoa nghệ. 

Bây giờ, đôi lúc ghé những quán cơm bụi – khi thấy món cá kho nghệ tôi chỉ ngay và gọi – ôi! một món của sự nhớ nhung – dù tuổi thơ đã rụng lâu rồi giữa quê hương.

Michelia

Posted in: Bút ký - Truyện
Be the first person to like this.