• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
Kaka
by On April 5, 2012  in Văn hóa Champa /
0 Rating 958 views 1 Likes 1 Comments

NGHỀ LÀM NHẪN MATA CỦA NGƯỜI CHURU Ở LÀNG HAWAI – LÂM ĐỒNG
                                                             Sakaya
(Bài đăng trên tạp chí Văn hoá Nghệ Thuật, Bộ Văn hoá- Thông tin, số 330, 12/2011, tr.73-75)

Tóm tắt       

Bằng tư liệu điền dã, khảo sát tại thực địa, nội dung bài viết này trình bày về quy trình làm nhẫn bạc của người Churu ở Lâm Đồng bao gồm giai đoạn tìm nguyên liệu, đúc khuôn, nấu bạc, gia công, trang trí chiếc nhẫn….  Nghề này có liên quan đến nghề kim hoàn của Champa một thời nổi tiếng đã bị biến mất nhưng hôm nay còn sót lại ở một làng Churu- Lâm Đông. Đây là một nghề  truyền thống quí giá của tộc người anh em cần được bảo tồn và phát huy

 

nhan_muta.jpg

1.Vài nét về người Churu
Người Churu là dân tộc thiểu số ở nước ta, có số dân khoảng 10.746 người, sinh sống chủ yếu ở Lâm Đồng và một nhóm nhỏ ở Ninh- Bình Thuận[1]. Người Churu cùng hệ ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo với người Chăm, Raglai và Eđê. Đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất của người Churu là ở nhà sàn, làm ruộng nước, nuôi trâu, làm nghề thủ công truyền thống (nghề gốm, nhẫn đeo tay, đan lát, mây tre), sống từng làng (palei), người đứng đầu làng gọi là Po Palei, gia đình mẫu hệ (vợ cưới chồng), có tục thổ táng, thờ cúng tổ tiên, thờ đa thần, hàng năm làm lễ cúng lúa, v.v.
Trong những đặc điểm nêu trên, chúng tôi quan tâm nhất là nghề làm nhẫn Mata. Vì nghề này đang có xu hướng biến mất, chỉ còn lại duy nhất một gia đình anh Ya Bơyu- 39 tuổi tại làng Hawaii, xã Tura, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đang còn làm loại nhẫn này.

2. Chiếc nhẫn Mata của người Churu
2.1 Nguồn gốc lịch sử 

Theo lời kể của ông Ya Bơyu, nghề làm nhẫn này có nguồn gốc từ dòng họ Kayong của người Raglai – Ninh Thuận truyền đến. Cách đây ba đời, ông nội của ông tên Kayong Ya Kran– người Raglai ở Ninh Thuận đến lấy vợ người Churu ở làng Prok (Đức Trọng – Đơn Dương, Lâm Đồng) ngày nay. Sau đó ông nội của ông truyền lại cho cậu của ông và cuối cùng cậu ông truyền lại cho ông đến ngày nay.

Ông Ya Bơyu kể, nghề này họ chỉ truyền theo dòng mẹ, cha không được truyền cho con mà chỉ truyền cho cháu trai bên dòng họ mẹ (con trai của em gái hoặc con trai của chị gái ông ấy). Vì vậy, ông nội hoặc cậu ông không truyền nghề cho con trai mà chỉ truyền lại cháu trai.

Ngày nay, mặc dùng nghề này chỉ còn tồn tại ở  duy nhất một gia đình nhưng ông Ya Bơyu vẫn không dạy nghề này rộng rãi cho ai mà chỉ dạy được duy nhất một con trai ông ấy là Ya Thương, 17 tuổi và cháu trai là Ya Thang 18 tuổi. Ông Ya Bơyu nói rằng, nếu đúng luật tục là ông không bao giờ dạy cho con trai mà chỉ dạy cho cháu trai là chính. Vì vậy, trong việc truyền nghề ông vẫn xem cháu trai mình là chính. Nhiều đứa con trong làng xóm cũng đến nhà ông học nghề nhưng không thành. Vừa rồi nhà nước hỗ trợ kinh phí cho ông cũng dạy cho 10 người trong làng nhưng không ai thành công, học xong rồi bo nghề, cuối cùng chi còn lại còn trai và cháu trai của ông biết làm thôi[2].

Ông Ya Bơyu còn nói làm nghề này cũng có tổ tiên chứng giám và theo phù hộ, trông coi, vì vậy trước khi vào học nghề ông phải cúng tổ nghề tại nhà ông cậu một con gà và một ché rượu và sau khi ra nghề cũng cúng tạ tương tự. Có như vậy người thợ mới hành nghề này được suốt đời[3].
Làm nghề này cũng có một số kiêng cữ. Khi đúc nhẫn, đổ thỏi bạc cũng phải chọn ngày để nhẫn khỏi bị cong, nứt. Ngoài ra còn khiêng cử đối với một số người lạ trong làng không phù hợp với tuổi của thợ nhẫn. Nếu không may, những người không hạp tuổi vào nhà người thợ, thì hôm đó người thợ phải nghỉ làm cả ngày, vì nếu làm sản phấm thế nào cũng bị hư[4].

2.3. Qui trình làm nhẫn Mata 
2.3.1.Công cụ làm nhẫn

Những dụng cụ cơ bản làm nhẫn Mata như sau:
Những công cụ bằng gỗ truyền thống
Pơtak: công cụ làm bằng gỗ (loại gỏ đỏ) dài khoảng 20cm, rộng 8 cm dùng để se sợi sáp ong để tạo hoa văn cho nhẫn.
Gai pơtak: cũng tương tự như pơtak nhưng có cán, tay cầm dài khỏang 10 cm, dùng để kéo sợi sáp ong.
Gai mata tarah: gậy gỗ có lồi ở phần đầu dùng để làm khuôn mắt nhẫn
Gai long kayau: cây gỗ tròn hơi nhỏ ở phần đầu và lớn dần ở phần thân, dài khỏang 30cm, đường kính khoảng 1-2cm, dùng để tạo độ rộng hẹp đường kính của chiếc nhẫn mẫu bằng sáp ong.
Gai lon pasei: cây sắt tròn hơi nhỏ ở phần đầu và lớn dần ở phần thân, dài khoảng 30cm đường kính khoảng 1-2cm, dùng để tạo độ rộng hẹp đường kính của chiếc nhẫn bạc khi đã đúc xong.
- Những cây que nhỏ bằng cây hoặc gỗ dùng để tạo hoa văn
·  Những công cụ bằng sắt
-  Taow asit: Dao nhỏ bằng sắt dùng để khắc vạch, cắt gọt khi làm mẫu nhẫn
-  Gai pasei: Cây dũa sắt dùng đễ dùng để dũa cho bẳng những vết nối của chiếc nhẫn bạc khi đúc xong
-   Kèm sắt: dùng cắt và uốn cong vòng nhẫn
-   Búa sắt: dùng để đập mỏng những bộ phận của nhẫn bạc khi cần thiết.
Đây là những công cụ hiện đại mới ảnh hưởng nghề làm kim hoàng của ngườiKinh sau này.

2.3.2. Nguyên liệu làm nhẫn

-   Priak (thỏi bạc): Là nguyên liệu chính làm nhẫn Mata của Churu
-   Ralin (sáp ong): dùng để tạo mẫu chiếc nhẫn trước khi dùng bạc để đúc
-   Eh kubau (phân trâu): Chủ yếu là phân trâu nghé, quấy lỏng dùng để làm khuôn để đổ bạc vào làm nhẫn.
-    Hala dua (lá dứa): dùng để làm phẻo đổ bạc vào khuôn đúc.
-    Baoh chum ket (trái bồ kết): dùng để nấu nước tạo độ bóng cho chiếc nhẫn

2.3.3. Qui trình làm nhẫn

Tạo mẫu nhẫn
Nhẫn đầu tiên được làm mẫu bằng sắp ong, trang trí đầy đủ các hoa văn và cả đến việc khắc vạch đầy đủ tất cả những góc cạnh mà thợ cần trang trí. Khích thước nhẫn được thợ định sẵn và nhẫn bằng mẫu sắp ong có thể co giản được bằng cây gậy gọi là “gai lon kayau”. Mỗi lần tạo mẫu ít nhất từ 2-3 chiếc nhẫn (xem ảnh)

Tạo khuôn đổ nhẫn bạc
Sau khi hoàn chỉnh mẫu nhẫn bằng sáp ong, người thợ bắt đầu tạo khuôn để đổ nhẫn bạc. Khuôn được làm bằng cách như sau: người thợ lấy 2-3 chiếc nhẫn mẫu bằng sáp ong cột vào đầu một que tre dài khoảng 20cm và ở phần giữa của que tre có gắn thêm một chiếc phẻo nhỏ làm bằng là dứa dính vào hai chiếc nhẫn mẫu để đổ bạc nóng chảy vào khuôn. Sau đó thợ nhúng nguyên phần đầu que tre có gắn những chiếc nhẫn mẫu bằng sáp ong vào phân trâu quấy lỏng để sẵn trong một xô nhỏ rồi đem phơi, khoảng 15 phút sau thì phân trâu khô bám và bao bọc xung quanh chiếc nhẫn mẫu bằng sáp ong. Cứ 15 phút họ nhúng que tre có gắn nhẫn mẫu bằng sáp ong vào phân trâu một lần, nhúng khoảng 3 lần thì phân trâu bám vào nhẫn mẫu bằng sáp ong càng dày, tạo lớp áo cho chiếc nhẫn mẫu, từ đó mà thành khuôn.
 
Lò nấu thỏi bạc làm nhẫnn Mata
Lò nấu thỏi bạc để tạo nhẫn Mata có khích thước nhỏ, đơn giản, chỉ sử dụng bếp lửa và hai ống hơi bằng ống sắt, giống như ống hơi thợ rèn để thổi lửa. Ngày nay, lò đổ bạc của ông Ya Bơyu hiện đại hơn, được xây bằng gạch (dài 50cm x rộng 30cm x cao 0,5cm), ống thổi lửa được làm bằng motơ điện. Với lò này, chỉ cần 1-2 kg thang có thể đủ nấu bạc nóng chảy để đổ được từ 3-6 chiếc nhẫn Mata.

Cách đổ bạc để tạo thành nhẫnn Mata
Khi lò lửa chuẩn bị xong, hai người thợ (một thợ chính và thợ phụ) bắt đầu làm công việc đổ nhẫn bạc. Đầu tiên người thợ phụ (vợ ông Ya Bơyu) đưa khuôn nhẫn mẫu bằng sáp ong có bao bọc phân trâu khô vào lò lửa, khoảng 5 phút sau thì chiếc nhẫn mẫu bằng sáp ong trong khuôn phân trâu bị nóng chảy ra ngoài, ch cn lại khuôn trống. Lúc này thợ chính, ông Ya Bơyu đưa cái chén nhỏ làm bằng gốm có bỏ thỏi bạc vào lò. Lửa lò được thổi mạnh, khoảng 10 phút sau thì bạc nóng chảy, thợ chính cầm đũa dài bằng sắt gấp chén gốm đựng bạc nóng chảy đổ vào khuôn trống bằng phân trâu theo đường phẻo nhỏ làm bằng lá dứa gắn với que tre mà người thợ phụ đang cầm sẵn. Khoảng vài phút sau thì người thợ phụ đưa khuôn đã đổ bạc nhún vào tô nước lạnh để sẵn gần đó. Khi khuôn đổ bạc đang nóng được nhún vào nước lạnh thì nhiệt độ thay đổi đột ngột nên khuôn bằng phân trâu bị vỡ ra và cuối cùng bên trong chỉ còn lại chiếc nhẫn bằng bạc đẹp mắt. Đó là qui trình đúc nhẫn Mata của người Churu (xem ảnh).

Trang trí hoa văn 
Hoa văn trên nhẫn được trang trí ngay lúc nhẫn làm mẫu bằng sáp ong để in dập trước vào khuôn bằng phân trâu, chỉ có hoa văn “mata” (mắt) được gắn kết sau khi nhẫn bạc được đúc xong. Để tăng thêm độ tinh xảo, đẹp mắt cho chiếc nhẫn Mata, sau khi đúc xong nhẫn bạc, người thợ dùng những chiếc dũa sắt, dũa lại những đường gờ, những vết nối cho bằng phẳng. Cuối cùng họ đem nhẫn đi nấu với trái chùm kết khoảng nửa giờ để tăng thêm độ bóng và sáng cho nhẫn bạc.

Hoa văn trang trí trên nhẫn chủ yếu là hoa văn “Mata”(mắt), mô tả mặt trời được khắc họa bằng ngôi sao tám cánh, ở chính giữa có gắn một hột tròn màu đỏ gọi là “baoh kraik” (hột cây kơnia) và hoa văn hình bông lúa dài, chạy xung quanh mặt trời hoặc phủ đầy vòng nhẫn. Bên cạnh hoa văn lúa còn có hoa văn lá rừng và mắt con sâu nhưng loại hoa văn này chiếm tỉ lệ ít, không phổ biến.

Hoa văn trang trí trên chiếc “nhẫn mata” của người Churu có cả 3 loại: hoa văn mô tả sự vật, thực vật và động vật. Tuy nhiên hoa văn “Mata” mô tả hình mặt trời và bông lúa là hoa văn chính (chủ đạo) của chiếc nhẫn này.Chính vì vậy người Churu chọn hoa văn Mata để đặt tên cho chiếc nhẫn truyền thống của họ, đó là “Tarah Mata” (Nhẫnn Mata).

Hoa văn trang trí trên chiếc nhẫn Mata đã phản ảnh được tộc người Churu có trình độ tay nghề tinh xảo, có nghề luyện kim phát triển từ lâu đời. Hoa văn hình mặt trời và bông lúa đã cho ta biết tổ tiên người Churu là cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước, thờ thần mặt trời. Và khi quan sát cuộc sống người Churu hiện nay chúng ta còn thấy, người Churu không chỉ làm ruộng nước, thờ thần mặt trời mà còn nuôi trâu, ở nhà sàn, mặc váy, áo chui đầu (phoncho), thờ đa thần và hàng năm làm lễ cúng ruộng, mừng lúa mới,.v.v. Chiếc nhẫn Mata của người Churu đã chứa đựng một phần những hằng số văn hóa của cư dân nông nghiệp vùng Đông Nam Á.

3. Nhận định về chiếc nhẫn Mata của người Churu
3.1. Ý nghĩa về mặt vật chất

Hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy nghề dệt của người Churu; còn nghề đan lát mây tre đang có xu hướng biến mất, chỉ còn lại lay lắt nghề gốm và nghề làm nhẫn. Tuy nhiên, nghề làm nhẫn hiện chỉ còn sót lại một gia đình duy nhất, vì vậy nó là di sản văn hóa vật chất quí giá của người Churu.

Chiếc nhẫn Mata của người Churu thường làm bằng bạc, thỉnh thoảng làm bằng đồng hoặc vàng. Chiếc nhẫn Mata, không chỉ được sử dụng trong cộng động người Churu mà khi sản xuất ra nhiều họ còn đem bán, trao đổi với người Chăm và người Raglai,v.v. Chiếc nhẫn Mata cũng là vật quý của người Chăm và người Raglai trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong cưới hỏi, tang ma,v.v. Chính vì vậy nó là vật quý giá đối với cá nhân, cộng đồng sở hữu nó.

Xưa kia người nghèo chỉ đeo nhẫn Mata bằng đồng, người giàu có thì đeo nhẫn bằng bạc và giàu hơn là bằng vàng. Vì vậy, chiếc nhẫn Mata có giá trị vật chất rất cao. Vì bạc, vàng là loại quí hiếm, ngày xưa chiếc nhẫn Mata có thể đổi bằng heo, trâu, ngày này được định giá bằng tiền mà nhà nghèo cũng khó mua sắm được.

3.2. Ý nghĩa về mặt tinh thần

Chiếc nhẫn Mata không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà nó có ý nghĩa về mặt tinh thần rất lớn. Chiếc nhẫn Mata đã đi vào phong tục tập quán của người Churu. Là người Churu (cũng như người Chăm) khi đến tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), cả nam và nữ đều phải đeo nhẫn Mata. Đó là dấu hiệu để nhận biết đồng tộc của họ.

Trong đám cưới, vai trò của nhẫn Mata thật quan trọng. Những cô gái Churu khi đi hỏi chồng, ngoài ché rượu lễ, heo gà, còn có chiếc nhẫn Mata như vật sính lễ trao cho chồng. Sau này khi đã thành vợ thành chồng, chiếc nhẫn Mata trở thành vật chứng hôn nhân, là biểu tượng của sức mạnh tình yêu và sự gắn bó keo sơn của vợ chồng. Nếu sau này chồng có muốn ly dị vợ thì chiếc nhẫn Mata trở thành vật chất của hôn nhân để hai bên tộc họ (bên vợ – bên chồng) xem xét. Nếu chồng muốn ly dị thì chồng phải trả lại chiếc nhẫn cưới (nhẫn Mata) cho vợ và đền duyên cho vợ từ 2- 7 con trâu.

Chiếc nhẫn Mata còn là vật lễ quan trọng trong đám tang của người Churu (cũng như người Chăm). Khi người Churu chết, ngoài những đồ tùy táng như áo quần, thức ăn hàng ngày còn phải có chiếc nhẫn Mata thì linh hồn người chết mới siêu thoát.

3.3. Ý nghĩa về mặt lịch sử và mối quan hệ tộc người 
 
Chiếc nhẫn Mata của người Churu có từ lâu đời và có quan hệ gần gũi với chiếc nhẫn Mata của người Chăm kể cả tên gọi, kiểu dáng, hoa văn trang trí, biểu tượng văn hóa, ý nghĩa vật chất và tinh thần. 

Tuy nhiên có điều nghịch lí, mặc dù hiện nay người Chăm còn sử dụng loại nhẫn Mata này phổ biến trong đời sống hằng ngày, trong lễ cưới, tang ma, lễ hội nhưng không có ai là người Chăm còn biết làm loại nhẫn này. Ngược lại nghề làm nhẫn Mata lại xuất hiện ở người Churu.

Ở người Chăm còn xảy ra một trường hợp khác, đó là từ xưa đến nay người Chăm thường sử dụng giấy để ghi chép chữ Chăm truyền thống nhưng không có người Chăm nào biết làm giấy mà lại xuất hiện nghề làm giấy ở người Raglai mà chúng tôi đã công bố ở Tạp chí Dân tộc học số [5].

Từ nghề làm nhẫn Mata của người Churu và nghề làm giấy thủ công của người Raglai đã cung cấp cho chúng ta những bằng chứng tư liệu làm sáng rõ thêm về mối quan hệ mật thiết giữa người Chăm, Raglai và Churu v.v.

Vậy đến đây có một vấn đề đặt ra, nghề làm nhẫn Mata của người Churu có ảnh hưởng từ người Chăm hay không? Hoặc người Chăm chỉ biết sử dụng chiếc nhẫn Mata nhưng không biết làm, chỉ mua lại từ người Churu?

Như chúng ta đã biết trước kia, vương quốc Champa là một quốc gia đa dân tộc dân tộc, trong đó có người Chăm, Raglai, Churu, Eđê, Koho, Stieng,v.v Trong đó, người Chăm là dân tộc chủ thể sinh sống ở đồng bằng và ven biển, còn dân tộc anh em khác sống ở Trường Sơn – Tây Nguyên. Các dân tộc anh em của quốc gia Champa bình đẳng với nhau trên tất cả phương diện, chứ không phải quan hệ giữa Chăm và các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên là quan hệ thống trị và bị trị như một số nhà sử học Việt Nam thường đề cập. Bằng chứng, vua Po Rome gốc người Churu, vợ Po Rome là Bia Than Can gốc người Eđê và nhiều văn bản Chăm còn cho biết người Raglai là tộc người quan trọng đã tham gia xây dựng đền tháp và giữ những kho báu vật của vua chúa Champa[6]. Bằng chứng khác, Tây Nguyên hiện còn được ghi lại trên bia kí Champa ở Mỹ Sơn như là thần dân của vương quốc Champa[7] và cụ thể nhất là các đền tháp Chanpa trên đất Cao Nguyên như Yang Praong (Đắc Lắc), Yang Mun (Kon Tum) [8] và thánh địa Cát Tiên ở Lâm Đồng cũng có liên quan đến người Chăm và anh em Trường Sơn – Tây Nguyên[9]. Một bằng chứng khác, người các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên cũng cùng tham gia với người Chăm chống lại người Khme xâm lược đất Champa vào thế kỉ 12-13, hiện nay ở làng Kran Gok – làng gốm Churu (Lâm Đồng) còn nhiều mộ binh lính Khme mà họ gọi là “kut kur[10]. Trong lịch sử cũng còn có nhiều cuộc chiến tranh giữa người Champa với Khme và giữa Champa với Đại Việt[11]. Trong những cuộc chiến này, Champa cũng đã từng dùng đội quân voi hùng mạnh do các dân tộc anh em ở Tây Nguyên đảm trách để xung trận tiến đến Thăng Long và nhiều lần tiến đến Angko- Cambodia[12]. Hơn nữa, những cuộc khởi nghĩa cuối cùng của nhân dân Champa chống lại Đại Việt đầu thế kỉ 20 như Tuen Phaow và Ja Thah Wa mà sử Việt gọi là cuộc khởi nghĩa Tuần Phủ và Điền Sư cũng có đa số các dân tộc anh em như Churu, Raglai, Koho tham gia[13]. Một bằng chứng khác ngày nay còn hiện hữu là người Raglai ở Ninh Thuận vẫn giữ kho báu (những y trang) của vua chúa Champa và là tộc người chính quyết định trong các lễ khai trương cúng đền tháp của Champa ở Ninh Thuận[14].

Từ những dữ liệu lịch sử trên, cho thấy giữa các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên và Chăm luôn gắn bó mật thiết với nhau trong suốt chặng đường lịch sử thăng trầm của vương quốc Champa tồn tại gần 18 thế kỷ ở dảy đất Miền Trung -Tây Nguyên Việt Nam. Vì vậy không có gì ngạc nhiên, khi hiện nay người Chăm còn sử dụng giấy để viết chữ nhưng không ai là người Chăm biết làm giấy mà xuất hiện nghề làm giấy truyền thống ở người Raglai. Tương tự, ngày nay người Chăm còn sử dụng chiếc nhẫn Mata nhưng không ai là người Chăm biết làm mà xuất hiện nghề làm nhẫn Mata ở người Churu. Bởi vì Champa là một quốc gia đa dân tộc, do đó, không phải bất cứ nghề gì người Chăm cũng làm mà có sự phân công rõ ràng, tùy theo vùng, từng địa phương mà họ có nghề khác nhau. Chẳng hạn, ở Hà Nội có 36 phố phường, mỗi phố phường làm những nghề thủ công khác nhau. Và Champa cũng vậy, có thể người Chăm Mỹ Nghiệp làm nghề dệt, người Raglai làm giấy, người Churu làm nhẫn Mata,v.v rồi đem bán hoặc trao đổi với nhau là việc bình thường, chứ không phải nghề làm nhẫn Mata của người Churu là ảnh hưởng từ người Chăm như một số học giả đã lầm tưởng.
 
4. Kết luận
Nghề làm nhẫn Mata của người Churu là một nghề thủ công quí giá còn sót lại trong di sản văn hóa của người Churu. Hiện nay chiếc nhẫn Mata này còn đang được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày cũng như trong phong tục cưới gã, tang ma, l&

0
Total votes: 0
Kaka
Thích học hỏi, muốn làm một chút gì đó cho cộng đồng, văn hóa xh của mình...
Like (1)
Loading...
1
Bích Hiên
người Chăm mik gọi là nhẫn Mư ta mà!
April 5, 2012

It will be interesting: