• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
0 Rating 164 views 0 Likes 0 Comments

TÌM HIỂU CON NGỰA TRONG NGHỆ THUẬT CHAMPA

Trong nghệ thuật Champa, tượng động vật như voi, bò. khỉ, sư tử... chiếm một vị trí  quan trọng, chúng xuất hiện khá nhiều trên các các bệ thờ, trang trí chân tường..., tượng ngựa tuy được thể hiện ít hơn  nhưng cũng giúp chúng ta có một cái nhìn khái quát về nghệ thuật điêu khắc ngựa của người Chăm xưa.

          Theo sự phân bố địa lý, vùng đất miền Việt Nam ngày xưa không phải là địa bàn sinh sống của loài ngựa, hình ảnh con ngựa đầu tiên xuất hiện ở nước ta là con ngựa sắt trong truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương; chắc hẳn là loài thú hiếm nên ngựa trở thành vật thách cuới trong truyền thuyết Sơn tinh Thuỷ Tinh... Rồi không rõ tự bao giờ, những con ngựa bằng xương bằng thịt xuất hiện ở Việt Nam để rồi trở thành phương tiện chuyên chở, thành vật cưỡi của những cư dân sinh sống trên đất nước ta...

         Ngựa từ đời sống đã đi vào nghệ thuật tạo hình khá nhuần nhuyễn. Trong phạm vi bài việt nầy, chũng tôi chỉ xin đề cập đến hình tượng con ngựa trong nghệ thuật Champa.

          Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (BTĐKC Đà Nẵng) trưng bày một tác phẩm khá nổi tiếng về ngựa, đó là bức phù điêu thể hiện trò chơi Mã cầu tìm thấy tại Thạch An (Quảng Trị), niên đại khoảng giữa thế kỷ X. Bức chạm thể hiện hai người  chơi trò cưỡi ngựa đánh cầu. Hai kỵ sĩ mình trần, bên dưới mặc sampot ngắn, búi tóc to của họ được giữ lại bởi tấm vải bọc có thêu hoa văn, trên trán hai người đội vương miện, tay trái của họ cầm dây cương, tay phải cầm cây gậy đánh gôn trong tư thế đang vờn nhau. Hai con ngựa có dáng dấp béo khỏe, giống như những con ngựa trong tranh của danh họa Hàn Cán thời nhà Đường ở Trung Quốc, chúng đang rượt đuổi nhau, con ngựa trước ngoái đầu nhìn lại phía sau. Quanh cổ ngựa đeo vòng lục lạc; ngựa được trang bị đầy đủ yên cương; yên ngựa có 3 lớp: ở dưới là lớp vải phẳng, ở giữa là lớp vải dày xếp nếp, trên là phần yên da vễnh lên ở đàng sau; chiếc yên được đính chặt vào lưng ngựa bởi dây đai vòng dưới bụng và một vòng đai sau mông ngựa; đuôi ngựa dày, xoắn lại và vung lên cao. Cũng như phần lớn các tượng động vật trong điêu khắc Chăm, những con ngựa nầy cũng được thể hiện bộ phận giới tính rất rõ ràng.

Ma cau.jpg

           Các nhà nghiên cứu cho rằng trò chơi mã cầu được du nhập vào vương quốc Champa khá sớm, có lẽ vào khoảng thế kỷ VII-VIII. Trong tác phẩm Nghệ thuật điêu khắc Chăm, J. Boisselier cho rằng bộ đồ ngựa trên bức phù điêu Thạch An, trừ bộ dây cương, rất gần gũi với những con ngựa được thể hiện trên lăng mộ Đường Thái Tông ở Trung Quốc. Nhìn tổng thể thì bức chạm Mã cầu khá sinh động, tuy nhiên nếu đi vào chi tiết thì ta sẽ thấy một số nét không thực ở động thái hai con ngựa: trong khi dãi thắt lưng của kỵ sĩ phía sau tung bay theo gió, đuôi của hai con ngựa cũng tung lên như đang phi nước đại, tuy nhiên bước chân của chúng lại có vẽ thong thả; chân  của con ngựa phía trước co lên lẽ ra phải cách mặt đất một khoảng, nhưng ở đây chân của nó vẫn chạm đất...

           Trên các bệ thờ ở Phật viện Đồng Dương (niên đại khoảng từ giữa đến cuối thế kỷ IX), có 5 cảnh chạm những con ngựa trong các tư thế khác nhau, những con ngựa chân bước thong thả hoặc đứng yên, đầu to, cổ có ngấn, đuôi ngựa dài chấm gót chân sau, đó là loại ngựa có dáng béo lùn, so với người cưỡi thì những con ngựa nầy hơi nhỏ, gần với giống ngựa ở miền núi phía bắc Việt Nam. Trong số những phù điêu trên đài thờ Đồng Dương đang trưng bày tại BTĐKC Đà Nẵng, có 4 cảnh khá đặc biệt: người cưỡi ngựa không bỏ chân hai bên theo kiểu thông thường mà ngồi quay ngang một bên trên lưng ngựa, ngồi theo kiểu Rajalilasana của Ấn Độ giáo: chân trái xếp ngang, lòng bàn chân ngửa lên, chân phải gập gối dựng lên thẳng góc với chân trái. Trong số 4 bức chạm đó, có một bức phía trên đầu người cưỡi ngựa thể hiện một vật giống như cái lọng; căn cứ vào trang phục của họ thì dường như đó là vua và các vị hoàng thân.  Các nhà nghiên cứu cho rằng trên đài thờ chính ở Đồng Dương có một cảnh diễn tả thái tử Tất Đạt Đa (Siddharta Gautama) ngồi trên mình ngựa, ngài đang từ giả người hầu để lên đường tìm đạo pháp.

          Trên đài thờ Khương Mỹ (niên đại đầu thế kỷ X) - đang được trưng bày tại BTĐKC Đà Nẵng- thể hiện một con ngựa đứng bên chiếc xe ngựa, vóc dáng giữa kỵ sĩ và ngựa có vẽ tương xứng. Con ngựa có dáng khỏe mạnh của loài ngựa chiến, trên mình đầy đủ yên cương, lông bờm ngựa dày, phía trước trán ngựa có một túm lông rũ xuống, bốn chân ngựa đứng yên; kỵ sĩ một tay nắm dây cương, một tay vỗ vào lưng ngựa. Cỗ xe ngựa có bánh to, nan hoa lớn giống như bánh xe luân hồi. Bức chạm nầy có lẽ diễn tả thần Mặt Trời Surya cùng cỗ xe ngựa của ông ta. Đề tài bàn thờ và cỗ xe ngựa khá phổ biến trong nghệ thuật Ấn Độ giáo.

Dai thoKhg My 01.jpg

          Trên đế tượng thần Gió Vayu ở nhóm A khu tháp Mỹ Sơn (đang trưng bày tại phòng Mỹ Sơn - BTĐKC Đà Nẵng) chạm một con ngựa nhỏ đang sải vó phi nước đại, ngựa không có yên cương, được thể hiện đơn giản nhưng sinh động, đây là con vật cưỡi của thần Vayu.

          Trong một trích đoạn của trường ca Ramayana trên đài thờ Trà Kiệu, niên đại vào khoảng nữa sau thế kỷ X, đã thể hiện một con ngựa đeo lục lạc ở cổ, thân ngựa béo lùn, chân ngựa bước thong thả, chở trên lưng một nhà quý tộc; theo các nhà nghiên cứu, đó là cảnh hoàng tử Rama đưa lễ vật đi cầu hôn công chúa Sita, cả đoàn người mang lễ vật chỉ có duy nhất một con ngựa, chứng tỏ ngựa rất hiếm hoi ở vương quốc Champa.

           Một bức tượng khác ở BTĐKC Đà Nẵng (niên đại khoảng cuối thế kỷ X) thể hiện hai con ngựa phi song song. Ngựa được trang bị đầy đủ yên cương; cổ ngựa có ngấn, đeo vòng lục lạc; thân ngựa hơi thô, được chạm theo kiểu tượng tròn nhưng khối không tròn bởi chúng được tạc chung trên một khối đá. Trên lưng  hai con ngựa là một kỵ sĩ thân hình rất nhỏ bé không tương xứng với vóc dáng của ngựa. Kỵ sĩ rạp mình trên lưng ngựa, vạt sampot sau của anh ta tung bay trong gió cho thấy ngựa phi nhanh, nhưng tư thế các chân ngựa thì giống như phi nước kiệu, lông đuôi ngựa lại rũ xuống chấm gót chân sau như ngựa đang đứng yên, điều nầy cho thấy tác giả bức tượng ít có điều kiện quan sát ngựa đang phi.

cuoi ngua.jpg

          Trên một bức chạm nổi bằng sa thạch tìm thấy ở Bình Định có niên đại khoảng cuối thế kỷ XI (đang trưng bày tại BTĐKC Đà Nẵng) thể hiện một trích đoạn trong bộ sử thi Ấn Độ Mahabharata. Trong tác phẩm nầy có ba chiếc xe ngựa đang rượt đuổi nhau, đó là loại xe song mã do những con ngựa chiến kéo, những con ngựa thân thon thả được thể hiện trong tư thế phi nước đại, kéo theo một chiếc chiến xa nặng nề, trên chiếc xe thứ hai có một nhân vật đứng giương cung bắn về phía trước; chiếc xe ngựa phía trước chở một người đang nằm dường như bị trúng tên.

chien xa1.jpg

          Tượng ngựa còn xuất hiện rải rác ở khu tháp Mỹ Sơn, Chiên Đàn...dưới dạng nguyên hình, hoặc một chiếc đầu ngựa trên bệ thờ, một đầu makara phun ra ngựa trang trí góc tháp...

          Theo G. Maspéro trong tác phẩm Vương quốc Champa: ”Về súc vật thuần dưỡng, sử sách chỉ ghi có voi và bò. Trong nước không có ngựa: vua Trung quốc tặng ngựa cho vua Chàm, khi được dạy cách dùng ngựa vào chiến trận, thì vua Chàm tìm mọi cách mua của Trung quốc, mặc dù Trung quốc cấm xuất cảng ngựa..". Ngựa ở Champa hiếm hoi đến nổi trở thành một báu vật, năm 1062, vua Chăm Rudravarman sai sứ giả sang triều cống Trung quốc, được vua Trung quốc ban cho một con ngựa bạch, vua Chăm rất quý con vật đó. Cũng theo G. Maspéro, năm 1170, một cuộc chiến tranh ác liệt giữa vương quốc Champa và vương quốc Khmer xãy ra, lực lượng thủy binh và tượng binh hai bên ngang nhau nên bất phân thắng bại. Trong thời gian ấy, người Chăm cứu được một võ quan Trung Quốc bị đắm thuyền ở bờ biển Champa, viên quan nầy đã hướng dẫn cho người Chăm cách điều khiển ngựa chiến, giúp vua Chăm lập đội kỵ binh và dạy thuật bắn cung trong khi phi ngựa, nhờ vậy mà quân Champa áp đảo được đối phương. Năm 1172 vua Champa Jaya Indravarman IV phái nhiều người sang Quỳnh Châu trên đảo Hải Nam để cố mua thêm ngựa, nhưng do không được đón tiếp nên họ đã cướp bóc và bắt đi một số người; sau đó mặc dù vua Chăm sai sứ giả sang dâng lễ vật xin lỗi và trả những người bị bắt ở Quỳnh Châu về nguyên quán, nhưng vua Trung quốc vẫn cấm xuất cảng ngựa, chính vì thế mà vương quốc Champa đã không phát triển được một lực lượng kỵ binh như mong muốn.

          Mặc dù ngựa không phải là con vật có nguồn gốc bản địa, ít xuất hiện trên các tác phẩm điêu khắc Chăm; về mặt tạo hình, chúng cũng được thể hiện kém điêu luyện hơn những con vật khác như bò Nanđin, rắn Naga, chim Garuđa, sư tử, voi... nếu không nói là có phần hơi vụng về, tuy vậy cũng đã hình thành nên một phong cách điêu khắc ngựa riêng dưới cái nhìn của các nghệ nhân Chăm, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật Champa.

-----------------------

Tài liệu tham khảo:

+ Jean Boisselier. La Statuaire du Champa. Paris. 1963 (Bản dịch Việt ngữ của Viện BTLS Việt Nam).

+ Georges Maspero. Le Royaume de Champa. Paris 1928. (Bản dịch Việt ngữ của Lê Tư Lành).
0
Total votes: 0
Be the first person to like this.

It will be interesting: