• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
Kaka
by On January 19, 2012  in Văn hóa Champa /
0 Rating 1,548 views 0 Likes 0 Comments

Truong Lam Dong.

NC News - Trong xu thế đang từng ngày chậm chắc nhưng vô tình, làm hòa tan và biến mất dần một số ngôn ngữ và nền văn hóa. Tên họ của một cộng đồng cũng là nét đặc trưng để nhận diện một dân tộc cũng không thoát khỏi trào lưu này. Nghe tên họ của một người, người ta có thể đoán được họ là ai, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam ... Riêng đối với tên Chăm có gốc Ninh Thuận và Bình Thuận, đa số tên họ không gợi lên nguồn gốc Chăm, mà người ta nghĩ ngay họ là người Việt nếu ở Việt Nam, hoặc Mỹ gốc Việt nếu họ đang định cư ở Hoa Kỳ. Chính yếu tố này đã gây ít nhiều làm cho người Mỹ ít biết về người Chăm hoặc Champa. Là một người Chăm không ai là không ưu tư trăn trở về điều này. Phải chăng ngày xưa người Chăm không có tên họ mà phải vay mượn tên họ của Việt, hay chúng ta vẫn có tên họ Chăm nhưng phải dùng tên họ Việt vì một lý do nào đó? Trong bài này người viết chỉ muốn bày tỏ ưu tư riêng của mình và mong được bạn đọc góp ý, thông cảm với nguồn tư liệu tra cứu hiếm hoi. 

Trước đây, người Chăm có họ tên hay không? Nếu theo đúng quan niệm họ là family name và tên là tên riêng thì việc đặt tên có mang họ của người Chăm trước thời kỳ Minh Mạng không đủ tư liệu để có được một kết luận thuyết phục. Theo Nguyễn Khắc Ngữ trong Mẫu Hệ Chàm ở trang 125 ông đã viết: Chiếu theo phong tục Chàm, xưa kia không có họ, chỉ thấy theo dòng sang như dòng làm vua, làm trạng, làm quan, làm thầy v.v..., còn dòng hèn như dòng nông phu, tôi tớ, thợ thuyền, lao động v.v.... Như vậy, một điều chắc chắn là người Chăm đã có cách đặt tên họ theo kiểu riêng của mình từ rất sớm, ngay thời kỳ mới lập quốc. Ta thử lượt qua các tên quen thuộc vào thời đó như sau: Khu Liên, Phạm Hùng, Phạm Văn, Phạm Dật, Phạm Phật ... (vào thế kỷ thứ 3, 4), Pô Inư Nagar, Pô Klong Girai, Pô Klong Chăr, Pô Birthuôr, Pô Sahinư ... Pô ramê, Inra Patra, Deva mưnô ... và nay là Inrasara, Patri Ratna, Apdul Karim, Asal v.v... Những tên này rất Chăm, nhưng không thể hiện rõ tính dòng họ hoặc tính dòng họ được thể hiện theo một kiểu nào đó mà cần phải có những công trình nghiên cứu nghiêm túc sâu kỹ mới có thể kết luận được. 

Theo lời kể của người xưa và căn cứ trong các tư liệu thì lý do chính để chúng ta có tên họ như ngày hôm nay là do các nguyên nhân sau. Do chính sách đồng hóa toàn diện từ thời Minh Mạng mà Nguyễn Khắc Ngữ trong Mẫu Hệ Chăm ở trang 117 đã viết: ..., muốn mau đồng hóa với dân ta, nhà vua đã bắt người Chăm phải ăn mặc, sinh hoạt theo phong tục tập quán Việt nam. Với việc Xích hóa, Năm Minh Mạng thứ 17 (1837), ông đã xuống chiếu bắt người Chăm thay họ đổi tên và ăn mặc theo kiểu người Việt. Cùng với chủ trương đồng hóa triệt để, người Chàm bị buộc phải đổi tên Chàm sang tên họ Việt và người Chàm mang họ Nguyễn cũng bắt đầu có từ đây và chỉ những người có công với triều đình mới được cải ra họ Nguyễn, thường thì có họ: Lưu, Hàn, Đàng, Trương, Châu, Phú, Dương ... Lúc bấy giờ đàn ông mang họ cha và đàn bà mang họ mẹ để đứng bộ điền thổ theo chánh quán mẹ và lưu truyền đến ngày nay. Tai họa này kéo dài mãi đến khi vua Thiệu Trị lên ngôi, ... ngài cho giữ nguyên quần áo như xưa. 

Vào những năm 1954-1959, chính phủ Ngô Đình Diệm cũng đã ra nhiều đạo dụ liên quan đến dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Chăm, bãi bỏ Hoàng Triều Cương thổ, bãi bỏ một số đặc quyền cho cộng đồng sắc tộc, bãi bỏ tòa án phong tục, cấm việc dạy thổ ngữ ... ác liệt và tàn bạo không kém gì thời kỳ Minh Mạng, đồng thời với việc cấm mặc áo tu sĩ và hành đạo truyền thống. Chính quyền lúc bấy giờ cũng cấm luôn việc làm khai sanh bằng tên Chăm. Hậu quả là dấu vết tên Chăm hầu như biến mất hẳn từ ngày đó trong cộng đồng Chăm. 

Người Chăm ngày nay, thường đặt tên Việt cho con cái theo quán tính là cha mẹ mình đặt tên cho mình thế nào thì mình đặt tên con thế ấy. Họ không nghĩ rằng mình phải đặt tên Chăm cho con, cháu. Thông thường con cái mang họ của cha, một ít người lấy họ mẹ để đặt tên cho con gái. Một số ít người khác lấy cả họ cha lẫn mẹ để đặt tên cho con cái hoặc họ của tên con hoàn toàn khác với cha mẹ. Ví dụ ở Mỹ Nghiệp có người cha họ Châu, mẹ họ Đàng nhưng con họ Văn. Trong số 19 tên trong Danh Sách Quí Ân Nhân Bảo Trợ Vijaya 2 thì đã có 15 tên rất là Việt hóa. Rất may là ngày nay ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng còn có người còn dùng tên Chăm như: thành Pangdrang, Inrasara, Patri Ratna, Lưu Inra, v.v... 

Cũng nên tham khảo qua tên họ của người Raglai ở Nam Trung bộ Việt Nam, một số tên quen thuộc như: Chamalé Điêu, Patâu Thah Chấn, Pinăng Tắc, Đá Mài Dung, Mấu Thị Bích Phanh, v.v... Họ quan niệm rằng mỗi giòng họ có một nơi chung thiêng liêng để nhớ, nơi thường cúng yang hoặc nơi làm đất thổ mộ và lấy địa danh đó làm họ chung để đặt tên. Khi nghe thấy tên là họ có thể biết ngay người đó có gốc gác ở đâu, thuộc giòng họ nào và bản thân họ cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn vì rằng mình cũng nằm trong một hệ thống nào đó, cũng có điểm chung với một tập thể nhiều người. 

Hầu như trên khắp thế giới, ai cũng có tên họ gồm tên riêng và tên giòng họ, thường thì theo họ cha. Họ cha đối với chế độ phụ hệ là một yếu tố cực kỳ quan trọng, nó mang theo cả niềm tin, uy tín, truyền thống và sức mạnh. Ví dụ họ Kenedy ở Mỹ làm cho người ta nghĩ ngay đến sự danh giá và quyền lực một thời. 

Đối với người Chăm Bàni và Bàlamôn, tuy đã khẳng định là phụ quyền nhưng việc thờ cúng ông bà đang còn theo hệ thống mẫu hệ, vẫn có điểm chung là Kút và Ghur mà định kỳ (hàng năm đối với Bàni) phải đến những nơi đó để cúng bái tổ tiên ông bà một cách thành kính và long trọng. Kút, Ghur có tên là Likuk Thang, MinhPui, Plom, Kađak ... Nên chăng người có cùng Kút hay Ghur sẽ có cùng họ để dễ dàng nhận ra nhau. Lúc đó thay vì họ Dương, Lưu, Hán chúng ta sẽ có họ là: LikutThang Hoàng, MinhPui patria, Kađak Thao v.v... thì họ đó có ý nghĩa rất nhiều so với Dương, Lưu, Hán chúng ta đang có. 

Đối với một cộng đồng nhỏ như Chăm thì việc đặt tên Chăm không phải là một việc khó nhưng đòi hỏi thời gian và cần nhiều người góp gió, đồng cảm để tìm ra phương cách hay nhất, phù hợp nhất đối với hoàn cảnh dân tộc mình phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Hơn thế nữa việc đặt tên Chăm hay Việt chẳng có chính quyền nào cấm đoán cả, chỉ sợ bản thân mình chỉ muốn đi con đường mòn quen thuộc, không chịu đi theo con đường mới hứa hẹn sự tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Nhân viết bài này, cho tôi gởi lời cảm phục đến những người đã đi tiên phong trong việc đặt tên Chăm cho con em mình. Hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm ra cách đặt tên và họ Chăm hợp lý, để người mang nó thêm nhớ và yêu mến nguồn gốc của mình.

KINH THU: Panduranga

0
Total votes: 0
Kaka
Thích học hỏi, muốn làm một chút gì đó cho cộng đồng, văn hóa xh của mình...
Be the first person to like this.

It will be interesting:

By: On February 2, 2019
0 Rating 472 views 1 like 0 Comments
Read more
By: On February 19, 2020
0 Rating 215 views 2 likes 0 Comments
Read more
By: On December 16, 2017
0 Rating 628 views 1 like 0 Comments
Read more