• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
bbt@nguoicham
by On April 12, 2017
457 views

 

Hoa Kỳ là một nước lớn nhưng có những giai đoạn trong lịch sử vì hai chính đảng, Dân Chủ và Cộng Hoà, không chịu nhượng bộ nhau nên đã xảy ra những cuộc khủng hoảng chính trị gây tổn hại không ít cho quốc gia. Do đó vào thập niên cuối của thế kỷ 20 họ muốn đi tìm một nền tảng chính trị ổn định hơn, bằng cách theo thể chế trung dung. Nghĩa là tìm kiếm một chính trị gia ôn hoà không quá thiên về phía cực nào, bên tả cũng như hữu. Nên trong một bài xã luận trên tuần báo Business Week, khi nói về cuộc bầu cử tổng thống, một tác giả đã nhấn mạnh là trong năm 1996 cử tri muốn lãnh đạo của họ phải theo hướng ôn hoà.

Năm 1992, Bill Clinton đã đánh bại George Herbert Walker Bush chỉ sau một nhiệm kỳ làm tổng thống, bằng cách mô tả mình là một chính trị gia mới của đảng Dân Chủ, một người ôn hoà, một ứng cử viên đến từ ngoài Washington không bị những phê phái chính trị ở thủ đô ảnh hưởng. Lúc ấy ông đang là thống đốc của tiểu bang Arkansas và hứa là sẽ làm giảm nhẹ đi những chính sách cồng kềnh quá tốn kém của quốc gia. Nhưng khi nắm được chính quyền trong tay, thì ông lại rơi vào thế chẳng khác gì các chính trị gia tiền nhiệm của mình gặp, ấy là bị các nhóm lợi ích ảnh hưởng lôi kéo đi theo chủ nghĩa tự do quá trớn của bên tả.

Kết quả là đã đem đến sự thảm hoạ lớn lao cho đảng Dân Chủ. Do đó mà chỉ hai năm sau nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Bill Clinton, đảng Cộng Hoà đã thắng lớn trong kỳ bầu cử vào năm 1994. Đây là lần đầu tiên trong bốn mươi năm đảng Cộng Hoà nắm quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc Hội. Chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich thuộc đảng Cộng Hoà, một người trực tính đòi xoá bỏ chính sách welfare của nhà nước, nghĩa là xoá bỏ chương trình phúc lợi xã hội quá lớn lao của đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, không bao lâu sau đảng Cộng Hoà cũng sớm nhận thức về sự ngạo mạn quá cực đoan của mình, nó cũng là mồ chôn của chính họ.

Sự bất đồng của hai chính đảng đã dẫn đến việc đóng cửa các cơ quan nhà nước liên bang hai lần, từ ngày 14 đến 19 tháng 11 năm 1995 và từ 16 tháng 12 năm 1995 đến ngày 6 tháng 1 năm 1996. Trong 26 ngày ấy đã làm tốn mất ngân sách quốc gia hết 1 tỉ 4 đô-la Mỹ, chưa kể đến những mất mát khác. Trong cơn khủng hoảng, Tổng thống Bill Clinton đã làm một việc ngay cả đảng Cộng Hoà phải ngạc nhiên, ấy là ông chuyển hướng từ phía cực tả về thế trung dung. Ngay trong bài diễn văn “State of the Union” của năm ấy, ông đã kết nạp chương trình cải cách phúc lợi xã hội và cân bằng ngân sách quốc gia của Cộng Hoà vào trong chính sách.

Cuộc đấu đá giữa hai đảng Dân Chủ nắm quyền kiểm soát Cơ Quan Hành Pháp và Cộng Hoà nắm quyền kiểm soát Cơ Quan Lập Pháp vào những năm từ 1994 đến đầu năm 1996 là cao điểm. Cuộc khủng hoảng trên một phần do chính sách của hai chính đảng khác xa nhau và một phần là do hai vị lãnh đạo của hai đảng thời ấy quá cực đoan. Sau cuộc khủng hoảng lịch sử này, Tổng thống Bill Clinton của Dân Chủ và Chủ tịch Quốc Hội Newt Gingrich của Cộng Hoà đã chịu nhân nhượng nhau, làm việc hướng về quyền lợi đích thực của quốc gia. Nhờ vậy họ đã cùng tìm ra những giải pháp tốt đẹp, để đem lại những phúc lợi lớn lao cho toàn dân.

Đây là bài học mà chúng ta nên học, bài học này có thể áp dụng cho tất cả mọi tầng lớp từ chính quyền lớn như Mỹ đến cộng đồng nhỏ như người Chăm chúng ta. Ấy là hợp tác với nhau để cùng đem lại quyền lợi thiết thực chung cho cộng đồng và dân tộc chúng ta. Dĩ nhiên là khi làm việc chúng ta không tránh khỏi những bất đồng, nhưng mỗi khi sự bất đồng đến chúng ta hãy ngồi lại để tìm ra phương cách tốt đẹp. Hầu tránh bớt đi những căng thẳng, giảm thiểu đi những bất đồng. Những dị biệt về chính kiến, quan điểm và ngay cả phương pháp làm việc có thể san bằng được nếu chúng ta chịu ngồi lại bàn bạc và làm việc chung với nhau.

Ao ước lớn lao của hầu hết người Chăm là làm sao người mình có thể làm việc chung với nhau, hầu giải toả những bất hoà. Sau cuộc khủng hoảng đó Tổng thống Bill Clinton và Chủ tịch Quốc Hội Newt Gingrich đã cùng làm việc chung với nhau, nhờ đó họ đã cùng nhau với bao thế hệ kế tiếp thừa hưởng cái phương pháp làm việc tốt đẹp, giúp đưa đất nước Hoa Kỳ đến vị thế siêu cường quốc như bây giờ. Cuộc khủng hoảng sau kỳ hội thảo về “Lịch Sử Ngôn Ngữ và Chữ Viết Chăm” diễn ra trong hai ngày là 21 và 22 tháng 9 năm 2006 tại Kuala Lumpur Malaysia đến nay đã hơn 10 năm mà những nhà trí thức Chăm chưa tìm ra giải pháp.

Hơn 10 năm nay với biết bao bài viết bình luận và tranh luận với nhau trên nhiều diễn đàn, nhất là trên mạng xã hội. Nhưng kết cuộc thì cũng chỉ là những cuộc tranh luận kéo dài, dường như không có hồi kết. Làm cho nhiều người cứ mãi băn khoăn, là với ngần ấy thời giờ, công sức và trí tuệ thì tại sao mình không nghĩ đến cách ít tốn kém hơn, bớt ồn ào hơn. Ấy là đến gặp nhau để tay bắt mặt mừng, bốn mắt nhìn nhau nói lên cái trăn trở, cái ưu tư và ngay cả cái bất đồng của mình cho nhau nghe một cách trực tiếp và rõ ràng. Để từ đó mà mình với nhau cùng tìm ra giải pháp, nếu như một lần không xong thì cứ tiếp tục thêm lần khác nữa.

Tại Hoa Kỳ, trong toà nhà Quốc Hội, nơi mà tôi đã có những lần đặt chân đến, người Mỹ họ vì đại cuộc mà những chính trị gia có khi tranh luận với nhau một cách hăng say. Nhưng dù sao đi nữa, những ngôn từ mà họ dùng để tranh luận với nhau có chừng mực và đầy sự thuyết phục. Nếu chúng ta học được nơi người để áp dụng cho chính mình, thì những trao đổi giữa mình với nhau dù là thuộc đề tài nóng hổi chăng nữa cũng ít gay gắt hơn. Vì cuối cùng chúng ta cũng phải làm việc với nhau, nếu như ai đó thực sự có còn quan tâm đến số phận chung của người Chăm, để có thể cùng giải quyết những vấn đề còn nổi cổm khác trong xã hội chúng ta.

Đồng bào Chăm của chúng ta trải dài qua bao thế kỷ, đã sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh thật là đau thương và thiếu thốn mọi bề. Chúng ta thật không có gì nhiều để ban cho hoặc giúp đỡ, nhưng điều chúng ta có thể làm được là hãy yêu thương nhau hòng hàn gắn lại những thương đau. Nếu như vấn đề Ngôn Ngữ và Chữ Viết Chăm đã được giải quyết ổn thoả, thì hãy gát qua một bên để làm công việc khác. Còn không, thì hãy cứ tiếp tục trao đổi với nhau, nhưng theo phương cách ít ồn ào và ôn hoà nhất. Hầu đem lại phần nào sự đoàn kết và yên vui cho mọi người Chăm. Dù sống ở đâu, trên chính quê hương xưa cũ hay nơi xứ lạ quê người.

 

CHÂN THÀNH

 

 

tác giả gởi bài qua info@nguoicham.com

 

 

Be the first person to like this.