• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
admin
by On December 9, 2015
218 views
Nhìn trên bản đồ, nước Việt Nam giống như một cái bao lơn khổng lồ nhìn ra biển Đông và vịnh Thái Lan với chi chít các đảo lớn nhỏ thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các đảo lớn như Côn Đảo, Phú Quốc và vô số các đảo nhỏ khác. Với bờ biển trải dài hơn 3000 km và một hệ thống sông ngòi chằng chịt, nước Việt Nam có nguồn cung cấp vô tận tôm, cá và nhiều tài nguyên khác cho đời sống và phát triển. Biển, đảo và sông ngòi đã tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi nối liền các địa phương trong nước và giao lưu quốc tế.

Văn hóa biển miền Trung...

Khác với Bắc Bộ, nơi cư trú đầu tiên của người Việt là nơi văn hóa biển không phát triển như một nhà nghiên cứu đã lý giải: "Người Việt ở Việt Nam trong một thời gian dài cư trú tập trung ở đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Mã (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ). Ở đây thuận tiện cho việc làm ruộng, đồng thời biển Bắc Bộ rất nông (thời băng hà vốn thuộc lục địa Sunda) và nằm lõm vào trong đất liền, không thuận tiện cho giao thông đường biển. Bởi vậy, văn hóa nước của người Việt nói chung và văn hóa nước của người Việt Bắc Bộ nói riêng về cơ bản là văn hóa sông nước với ứng xử quay lại biển".1 Khác với Bắc Bộ, vùng ven biển Trung Bộ là nơi văn hóa biển khá phát triển. "Nơi đây đất đai vừa ít, lại vừa khô cằn, không đủ nuôi sống con người bằng nghề nông. Còn bờ biển lại lồi ra, nước biển sâu, rất thuận tiện cho giao lưu đường biển. Vì vậy cư dân Champa xưa cũng như cư dân Việt sau này (dù người Việt xuất phát từ vùng Bắc Bộ) cũng đều sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Vì vậy, văn hóa nước miền Trung chủ yếu là văn hóa biển cả".2

Chính chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh xa xưa rồi tiếp đó là người Chăm - những người đã xây dựng lên vương quốc Champa lừng danh từng tồn tại mười lăm thế kỷ đã là những cư dân biển đầu tiên trên đất nước ta. Họ vốn quen với môi trường đại dương, thành thạo nghề đóng thuyền và đi biển để đánh bắt hải sản và thiết lập các mối quan hệ với các vùng biển đảo khác ở Đông Nam Á. Họ cũng chính là những người đã góp phần không nhỏ vào truyền thống đóng ghe thuyền, đi biển, khai thác tài nguyên từ biển cả của các thế hệ người Việt Nam sau này, là truyền thống được tích lũy từ thực tiễn lao động, sản xuất để sinh tồn khi tiến vào khai phá vùng đất miền Trung qua giao lưu văn hóa Việt - Chăm với việc người Việt tiếp thu công nghệ đóng thuyền và kinh nghiệm đi biển của người Chăm...

Muốn ra biển cả, con người phải có phương tiện ghe thuyền tốt. Ghe thuyền tốt đối với người dân miền Trung từ xa xưa là ghe bầu. "Có thể hiểu ghe bầu là loại ghe đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Đây là loại ghe của cư dân miền Trung, ra đời từ giữa thế' kỷ XVI, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai".3

Về hình dáng, ghe bầu có bụng bầu tròn, phình ra rất to để chứa hàng hóa, có ba cột với cánh buồm lớn. Về cấu trúc, ghe bầu có hai vỏ đầu nhọn, lô lái và lô mũi cong, lái và mũi đều cơ động dễ dàng; có long cốt hoặc đáy bằng nan, trên là ván be ghép với nhau bằng chốt và mộng. Xảm bằng xơ tre trộn dầu rái cá. Lòng ghe được phân thành từng khoang, bên trên khoang có mui đậy, làm thành từng tấm bằng tre đan.4

Về hình dáng và cấu trúc, ghe bầu ở các tỉnh miền Trung tương đối giống nhau. Song, nếu đi vào chi tiết, cũng có chỗ khác nhau. Ví như ghe bầu Quảng Ngãi thường có 8 người cùng đi trên ghe. Trên cù lao Ré, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi từ lâu đã hình thành làng nghề truyền thống đóng mới và sửa chữa các loại ghe bầu tại bến Đá (Lý Vĩnh).5

Ghe bầu Phan Rang có thể chở được 60 tấn hàng hóa. Còn ghe bầu Phan Thiết đã là khuôn mẫu cho thợ đóng ghe ở Hội An, Quảng Nam và Phổ An thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ghe bầu Mũi Né có trọng tải 120 tấn, dài 30 m, chiều ngang có thể lên đến 6 m, chiều sâu 4 m. Ghe bầu Phan Thiết chiếc lớn nhất đến 135 tấn, còn thông thường là 90 - 100 tấn.6

Các ghe bầu đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương hàng hóa giữa các địa phương trong nước, trước hết là các tỉnh ven biển. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII - XVIII trở đi, ghe bầu là phương tiện chính chở thóc gạo từ Gia Định ra bán ở Phú Xuân, Thuận Hóa và chở vải vóc, lụa, lãnh từ Phú Xuân vào Nam. Lê Quý Đôn đã ghi lại việc này trong công trình Phủ biên tạp lục hoàn thành vào năm 1776: "Xứ Thuận Hóa tô ruộng cũng ít, thường chở thóc ở Quảng Nam để cấp cho quân, có quan coi việc chuyên chở. Dọc các cửa biển từ châu Nam Bố Chính đến Gia Định, Đồng Nai, các nhà buôn và các lái, bản thuyền bản dinh, cai thuộc, cai xã, phàm ai có thuyền tư ghe tư đều biên vào sổ Nhà nước, theo trong lòng thuyền rộng mấy thước mà định lớn nhỏ, phải nộp tiền chuyển vận, rộng 11 thước nộp 11 quan, 9 thước, nộp 9 quan, xuống đến 4 thước nộp 4 quan.. ,".7 Trong đoạn văn này, Lê Quý Đôn cũng cho biết về số lượng thuyền ghe của các địa phương thuộc vùng biển miền Trung như sau: "Như thuyền ghe về năm Mậu Tý (1768), phủ Triệu Phong 40 chiếc, phủ Quảng Bình 10  chiếc, châu Bố Chính 18 chiếc, phủ Thăng Hoa 50 chiếc, Điện Bàn 3 chiếc, Quảng Ngãi 60 chiếc, Quy Nhơn 93 chiếc, Phú Yên 44 chiếc, Bình Khang 43 chiếc, Diên Khánh 32 chiếc, Bình Thuận 45 chiếc"8

Song, truyền thống đi biển của cư dân miền Trung không chỉ thể hiện trong việc vận chuyển hàng hóa Bắc - Nam mà còn thể hiện trong việc đi ra biển xa với nhiệm vụ là tuần thú các hải đảo ở Biển Đông và khai thác sản vật trên các hòn đảo này. Sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn vào đời Tự Đức có ghi:

"Cù Lao Ré (Rí): Ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 45 dặm về phía đông; xung quanh nổi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỉ đá, hai bên hữu động có giếng, nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển, thì dân phường ẩn núp ở đấy. Đất sản nhiều lạc và ngô.

Đáo Hoàng Sa: Ở phía đông cù lao Ré huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kì đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể đến nơi. Có đến 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy ngàn dặm, bằng phẳng, rộng rãi, tục gọi "Vạn lý Trường Sa": nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản vật có nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích, cũng có những hàng hóa của thuyền người Thanh bị bão, trôi dạt vào đấy.

Hồi đầu bản triều, đặt đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm, cứ tháng 3, là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8, thì do cửa biển Tư Hiền về nộp, lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật ở các đảo. Phía đông đảo Hoàng Sa gần phủ Quỳnh Châu đảo Hải Nam nước Thanh. Đầu đời Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam cồn có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc bốn chữ "Vạn lý ba bình" (Muôn dặm sóng yên). Đảo này xưa gọi là núi Phật Tự, phía đông và tây đảo đều là đá san hô, mọc vòng quanh ở mặt nước; về phía tây bắc tiếp với đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát, gọi là đá Bàn Than. Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch, đá đến đây xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2000 cân".9

Cũng vào thời gian này, các chúa Nguyễn còn tổ chức đội Bắc Hải đến các hòn đảo xa xôi khác bao gồm đảo Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có ghi lại việc này: "Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được".10

Qua các ghi chép của Lê Quý Đôn và Quốc sử quán triều Nguyễn, có thể thấy rõ, các ghe thuyền của cư dân miền Trung vào các thế kỷ XVII, XVIII trở đi đã khá lớn và chắc chắn, đủ để làm những cuộc đi biển đến hàng trăm km trong nhiều ngày (quần đảo Hoàng Sa cách đảo Lý Sơn khoảng 220 km, án ngữ ngang cửa vào Vịnh Bắc Bộ11, đảo Côn Lôn và các đảo thuộc Hà Tiên còn cách xa hơn nữa).

Như đã trình bày, cư dân vùng ven biển miền Trung đã có truyền thống đi biển, khai thác biển, truyền thống đóng ghe thuyền và kinh nghiệm vượt biển khơi để đánh bắt hải sản, góp phần xác định và bảo vệ chủ quyền đất nước đối với các hòn đảo xa xôi giữa đại dương. Chính truyền thống ấy đã góp phần vào việc xây dựng và phát triển thủy quân thời Tây Sơn, một đội quân đã giành được những chiến công to lớn trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vào thế kỷ thứ XVIII.


... và phong trào Tây Sơn

Trong lịch sử Việt Nam, thế kỷ XVIII thường được đánh giá là thế kỷ của các cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó nổi bật nhất là phong trào Tây Sơn. Phong trào được mở đầu từ cuộc khởi nghĩa ở miền núi tỉnh Bình Định vào năm 1771 do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo. Với khẩu hiệu "Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo", cuộc khởi nghĩa đã tập hợp đông đảo nông dân các tầng lớp dân nghèo tham gia và phát triển từ vùng rừng núi xuống đồng bằng ven biển miền Trung. Cuộc khởi nghĩa lan rộng cực kỳ nhanh chóng cả về phạm vi hoạt động và số người tham gia, nhất là từ khi Nguyễn Huệ thực sự trở thành linh hồn của toàn bộ phong trào. Chỉ trong khoảng thời gian hai mươi năm, phong trào Tây Sơn đã lập được những chiến công xuất sắc: đánh đổ bộ máy thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, của tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh tan quân Xiêm với lực lượng 2 vạn thủy binh, 300 chiến thuyền dưới sự điều khiển của Chiêu Tăng, Chiêu Sương và 3 vạn bộ binh dưới sự chỉ huy của Chiêu Thùy Biên. Trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút ngày 19.01.1785, bằng mưu kế, Nguyễn Huệ đã nhử cho quân Xiêm lọt vào trận địa mai phục để quân Tây Sơn chặn đầu, khóa đuôi, nhất loạt công kích bằng thủy quân, pháo binh và bộ binh với chiến thuật thủy quân từ hai đầu đánh lại, pháo binh hai bên bắn sang, sau đó là bộ binh xung phong diệt địch khiến quân Xiêm bị đánh tan tác. Nguyễn Ánh cùng với một ít tàn quân Xiêm chạy sang sống lưu vong ở Băng Cốc, và kể từ đó trở đi, người Xiêm "ngoài miệng tuy nói khoác lác nhưng trong bụng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp".

Chiến công hiển hách thứ hai của quân Tây Sơn là trận đại phá 29 vạn quân Thanh do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy kéo vào xâm lược nước ta mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789). Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh trong đội quân Tây Sơn, có sự tham gia của thủy quân. Tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí có ghi chép việc quân Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy có cả lực lượng thủy bộ. Vua Quang Trung tự mình đốc thúc đại binh, cả thủy lẫn bộ cùng ra đi (hồi 14). Trong các cánh quân đánh ra Bắc, có thủy quân vượt bể vào sông Lục Đầu, cùng với quân voi và kỵ mã, hình thành thế bao vây quân Thanh".12

Để có được một đội quân thủy đủ mạnh nhằm đánh lại các lực lượng thủy quân của chúa Trịnh, chúa Nguyễn và tham gia đánh bại quân Xiêm và quân Thanh xâm lược, những người lãnh đạo phong trào Tây Sơn đã có những bước đi kịp thời và chắc chắn nhằm xây dựng và phát triển đội quân thủy của mình. Điều đó phù hợp với xu thế tất yếu của nghệ thuật quân sự thế giới và điều kiện địa lý nước ta.

Trong khoảng những năm đầu sau khi phát động khởi nghĩa (1771 - 1775), quân thủy Tây Sơn được xây dựng trên cơ sở những thuyền buôn của các thương nhân trong liên minh đánh chúa Nguyễn, chủ yếu làm nhiệm vụ vận chuyển. Sau khi chiếm được Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Phú Yên (1773) và Quảng Nam (1775), thủy quân Tây Sơn hình thành và mạnh lên nhiều nhờ thu được chiến lợi phẩm là các thuyền chiến và vũ khí của thủy quân chúa Nguyễn tại các địa phương này.

Thời gian sau đó, từ năm 1776 đến năm 1785, quân Tây Sơn ra sức xây dựng một đội thuyền mạnh, không chỉ làm nhiệm vụ tuần tra ven biển mà còn đủ sức đánh lại lực lượng thủy quân của chúa Nguyễn gồm hàng trăm chiến thuyền vào tháng ba năm Nhâm Dần (1782) tại cửa biển Cần Giờ (Gia Định) và 300 thuyền chiến của quân Xiêm xâm lược vào năm 1787.

Lúc này, lực lượng thủy quân Tây Sơn được trang bị thêm nhiều chiến thuyền do nghĩa quân đóng mới, đồng thời được bổ sung bằng thuyền chiến của chúa Nguyễn sau mỗi lần thắng lớn tại Gia Định. Về các xưởng rèn, đúc vũ khí được quân Tây Sơn xây dựng, ngày nay có xem các dấu vết còn lại tại khu vực thành Chà Bàn hoặc thành Hoàng Đế.13

Về sức mạnh của thủy quân Tây Sơn, có thể thấy rõ qua cuộc tiến quân vượt sông Gianh tiến ra Bắc của Nguyễn Huệ lấy danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh" vào năm 1786 mà chỉ trong chưa đầy hai tháng đủ đánh tan quân Trịnh, làm chủ Thăng Long. Trong đợt tiến công này, trận đối thủy ở Cửa Luộc, trước mắt quân Trịnh, quân thủy Tây Sơn xuất hiện với những hải thuyền cực lớn, trên đó mang loại pháo mà dường như trong cả quá trình xung đột với Đàng Trong quân Trịnh chưa từng thấy.

Trong lịch sử nước ta, Nguyễn Huệ là anh hùng dân tộc và là một thiên tài quân sự hiếm có. Sức mạnh quân đội Tây Sơn đã là nền tảng cho thiên tài quân sự của ông được thể hiện trong cuộc chiến đấu chống thù trong và giặc ngoài. Trong đường lối quân sự của Nguyễn Huệ, ông rất coi trọng việc xây dựng và phát triển thủy quân, cùng với bộ binh, pháo binh, tượng binh. Để phát triển quân thủy, ông đã rất chú ý việc kế thừa, phát huy công nghệ đóng thuyền và kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm thủy chiến của các lực lượng vũ trang nước ta từ thời Ngô Quyền, Lê Hoàn, thời Trần, Lê, trong đó có công nghệ đóng thuyền và kinh nghiệm đi biển của cư dân ven biển miền Trung. Hoạt động hiệu quả nhất trong việc phát triển thủy quân của Tây Sơn là tổ chức các xưởng đóng thuyền chiến lớn và thực hiện các biện pháp rất tích cực trong trang bị, tổ chức quân thủy.

Về kỹ nghệ đóng tàu thủy, Barâu (John Barrow) là một người Anh sang nước ta trong những ngày Tây Sơn đóng tàu sôi nổi nhất (1792 - 1793) đã nhận xét: "Có một nghề đặc biệt trong các nghề mà xứ Đàng Trong hiện có thể tự hào, đó là nghề đóng thuyền biển. Thuyền biển của họ đi không nhanh, nhưng rất an toàn, trong được chia thành nhiều khoang. Loại này rất chắc, có thể va vào đá ngầm mà không chìm, vì nước chỉ vào được một khoang mà thôi. Hiện ở Anh đã bắt chước cách đó để đóng tàu"14

Quân thủy Tây Sơn đã có loại chiến thuyền rất lớn, thường được gọi là thuyền đại hiệu, loại thuyền mà Hoàng Lê nhất thống chí mô tả là một pháo đài di động, trên lập chòi gác, đặt súng lớn. Đây cũng là loại chiến thuyền mà Senho (Chaigneau), Baridy (Bariry) là những sĩ quan Pháp từng trực tiếp giáp mặt với quân thủy Tây Sơn đã phải thừa nhận sự tồn tại ngoài trí tưởng tượng của họ trước những chiến hạm Tây Sơn trang bị tới 50 - 60 khẩu đại bác hạng nặng.

Viên sĩ quân Pháp Baridy còn kể về các chiến hạm Tây Sơn đã từng tham gia trận Thị Nại (1801) là: Có ba loại tàu trang bị nhiều pháo, loại lớn nhất có 66 pháo cỡ 24 livres và 70 lính; loại thứ hai có 50 pháo cỡ 24 livres và 500 lính; loại thứ ba có 16 pháo cỡ 12 livres và 200 lính. Số pháo, cỡ pháo và số lính trên các chiến hạm đó hoàn toàn tương ứng với các hạng chiến hạm phổ biến ở châu Âu đương thời. Theo bảng phân loại chiến hạm châu Âu thời này thì loại chiến hạm lớn nhất nói trên tương ứng với loại tàu hạng hai, có lượng giãn nước khoảng 900 tấn, có hai tầng pháo. Loại 50 pháo tương ứng với tàu hạng ba, có lượng giãn nước khoảng 600 tấn, hai tầng pháo. Loại 16 pháo tương ứng với tàu hạng năm hoặc sáu, lượng giãn nước khoảng 200 tấn, một tầng pháo.

Những chiến hạm trên vượt xa các chiến hạm mà Pháp, Bồ Đào Nha đã cung cấp cho Nguyễn Ánh, cũng như do Nguyễn Ánh bắt chước đóng theo. Với những chiến hạm này, đã đóng theo kiểu Âu hay theo kỹ thuật truyền thống Tây Sơn đã tạo ra một bước nhảy vọt trong lịch sử thuyền chiến ở nước ta.15

Năm 1801, khi xảy ra trận chiến trên cảng Thị Nại, lực lượng thủy quân Tây Sơn đã làm chủ rất nhiều tàu thuyền. Chính vì vậy mà trong thư đề ngày 11.4.1801, Baridy lúc ấy là cố vấn của Nguyễn Ánh đã gửi cho Lơtôngđan (Letondal) viết về trận hải chiến này có đoạn thống kê khá chi tiết về lực lượng quân thủy Tây Sơn do Đô đốcVõVăn Dũng chỉ huy ở cảng này như sau:

"Quân lực địch do Đô đốc thiếu phó chỉ huy gồm:

-   9 tàu (vaisseaux) loại 66 đại bác (canons) cỡ 24 livres (cân Anh), mỗi tàu 700 thủy binh.

-   5 tàu, loại 50 đại bác cỡ 24 livres, mỗi tàu 600 thủy binh.

-   40 tàu loại 16 đại bác cỡ 12 livres, mỗi tàu 200 thủy binh.

-   93 thuyền chiến (galeres), loại 1 đại bác cỡ 36 livres, mỗi thuyền 150 thủy binh.

-   300 xuồng gắn pháo (chaloupes canonnières), loại 50 thủy binh.

-   100 tàu buồm kiểu Đàng Trong, loại 70 thủy binh.

Trong một đoạn khác, Baridy cho biết quân Tây Sơn còn 4.800 thuyền vận tải nữa đậu trong cảng này".16

Ngoài lực lượng thủy quân mạnh nhất tập trung ở cảng Thị Nại, quân thủy Tây Sơn còn những bộ phận khác đóng giữ ở cảng Đà Nẵng, Phú Xuân và một số cảng thuộc vùng biển phía Bắc.

Có thể nói, quân thủy Tây Sơn là một lực lượng hùng mạnh vào loại nhất ở Đông Nam Á lúc ấy. Chỉ tiếc rằng Nguyễn Huệ qua đời quá sớm (ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý - 1792), bỏ dở hoài bão của ông về việc tiếp tục phát triển lực lượng về mọi mặt trong đó có thủy quân thể hiện qua câu nói khi nhắc đến nỗi lo quân Thanh trả thù sau trận đại bại năm Kỷ Dậu (1789) "chỉ cần chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu mạnh, thì ta sợ gì chúng"17

Nguyễn Huệ mất, triều đình Tây Sơn lục đục, lực lượng bị phân tán không chống nổi cuộc tổng tấn công của quân đội Nguyễn Ánh với sự tham gia của tàu chiến và binh lính, sĩ quan Pháp, nên đã thất bại. Song, tài năng quân sự và chính trị của Nguyễn Huệ, tầm nhìn xa trông rộng của ông trong việc xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh dựa trên truyền thống đi biển và thủy chiến của các thế hệ đi trước, trong đó có công nghệ đóng thuyền và kinh nghiệm đi biển của cư dân ven biển miền Trung để lại tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam noi theo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.


Tác giả: PGS.TS Trần Đức Cường
Viện Sử học
[Nguồn]: Bài sử dụng trên Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 62.
 

CHÚ THÍCH

I    2 Trần Ngọc Thêm, "Văn hóa nước của người Việt" trong Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Vân hóa sông nước miền Trung, (Khoa học Xã hội, H. 2006), tr. 431.

3   Nguyễn Thanh Lợi, "Ghe bầu miền Trung", trong Vân hóa biển miền Trung và vân hóa biển Tây Nam Bộ, (Hà Nội: Từ điển Bách khoa, 2008), tr. 113.

4   Xem: Nguyễn Bội Liên, Trần Văn An, Nguyễn Văn Phú. "Ghe bầu Hội An - xứ Quảng", trong Đô thị cổ Hội An, kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1991), tr. 104.

5   Xem: Nhiều tác giả: Vân hóa truyền thống đáo Lý Sơn, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Quảng Ngãi xuất bản năm 2002, tr. 146.

6   Theo: Nguyễn Thanh Lợi, "Ghe bầu miền Trung", trong sách của nhiều tác giả: Vân hóa biển miền Trung và vân hóa biển Tây Nam Bộ. Sđd, tr. 103, 104.

78 Lê Quý Đôn, Toàn tập, tập I: Phủ biên tạp lục. Bản dịch của Viện Sử học, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1977), tr. 240­241.

9   Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2. Bản dịch của Viện Sử học. (Huế: Thuận Hóa, 1992), tr. 422-423.

10 Lê Quý Đôn, Toàn tập, tập I: Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 120.

II   Theo Lê Bá Thảo, Việt Nam, vùng lãnh thổ và các vùng địa lý. (Hà Nội: Thế giới, 2002), tr. 60.

12 Xem thêm: Trần Nho Thìn, "Vai trò của biển đối với xã hội, con người Việt Nam thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX qua một số tác phẩm văn học (trước 1858)", trong: Vân hóa biển miền Trung và vân hóa biển Tây Nam Bộ. Sđd, tr. 75.

13 Xem: Phan Huy Lê, "Thành Hoàng Đế", Kháo cổ học, số 4-1977.

14 Xem Lam Giang, "Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Đông Hải". Sử Địa, Sài Gòn, số 29 năm 1975.

15 Theo: Nguyễn Việt - Vũ Minh Giang - Nguyễn Mạnh Hùng, Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, (Hà Nội: Quân đội Nhân dân, 1983), tr. 340-341.

16 Dẫn theo: Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng. Sđd, tr. 343, 344.

17 Ngô Gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, (in lần thứ hai), (Hà Nội: Văn học, 1970), tr. 363.

 

theo nghiencuuxuquang.com

 

 

Be the first person to like this.