• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
bbt@nguoicham
by On December 7, 2014
420 views

VĂN HÓA CHĂM: BẢN SẮC VÀHỘI NHẬP

(Tiếp cận từ góc nhìn đương đại)

Đặt bút, viết lên những dòng này, tức là trong tâm tưởng[của tôi] đang chứa đầy những ưu tư, trăn trở về một dân tộc [Chăm] trong thế đứng của nó ở một thời đại [hội nhập hay toàn cầu hóa].

Bản sắc của một dân tộc, là cái hồn túy tạo nên đặc trưng riêng có của dân tộc đó, cốt lõi của nó chính là văn hóa dân tộc, văn hóa ở đây bao gồm ngôn ngữ, chữ viết, văn chương, trang phục, nghi lễ, hội hè, phong tục, tạp quán...Văn hóa có tính “động”: thời đại nào, thì văn hóa đó, nói thế tức làvăn hóa sẽ biến đổi theo từng thời kỳ,  nhưng cái cốt tủy, cái căn cơ cấu thành văn hóa thì không bao giờ được biến đổi, một khi biến đổi thì tức là mất văn hóa, mất bản sắc.

Thời đại – từ phía nó - luôn đặt ra cho văn hóa những lo lắng, yêu cầu phải làm thế nào để vừa hội nhập, biến đổi văn hóa theo thời đại, mà lại vừa giữ gìn những cốt tủy của văn hóa? Không biến đổi, một số hiện tượng văn hóa sẽ trở nên lạc hậu, lỗi thời,làm trì trệ dân tộc; nhưng nếu biến đổi quá nhanh, không kiểm soát, thiếu chọn lọc thì những giá trị văn hóa quý báu, lành mạnh sẽ có nguy cơ bị mai một và đánh mất, khi đó dân tộc không còn văn hóa nữa, bởi vì bản sắc - cốt tủy của văn hóa - không còn nữa.

Câu hỏi đặt ra lớn là làm thể nào để vừa hội nhập mà vẫn giữ vững bản sắc? Để vừa “hòa nhập mà không hòa tan”? Mahatma Gandhi, nói: “Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và những khung cửa sổ luôn luôn bịt chặt, tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ ngọn gió nào”.Đểthực hiện nhiệm vụ này mỗi dân tộc cần phải có: bản lĩnh văn hóa.

Trãi qua biết bao biến thiên, thâm trầm của lịch sử, bản sắc Chăm cũng biết bao lần biến đổi. Từ thuở ban sơ, khi người Chăm chỉ biết đến thần trời, thần đất, thần mưa, thần biển,... chưa biết gì đến Shiva, Po Awlaoh,... chỉ biết các thầy mo, thầy cúng chứ chưa biết gì đến Basaih, Po Acar... chỉ biết Chăm Jat chứ chưa biết đến Chăm Hier, Awal hay Chăm Islam. Cho đến khi, Ấn Độgiáo, Hồi giáo theo đường biển truyền vào Champa làm biến đổi tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm, cứ mỗi lần như vậy, văn hóa Chăm lại bao lần biến đổi.

Và cứ mỗi lần như vậy, bản lĩnh văn hóa Chăm lại luôn được thể hiện.Trong quá trình ấy, người Chăm không hấp thụ toàn bộ Ấn Độ giáo, Hồi giáo mà đã biến đổi làm cho các tôn giáo này khi du nhập vào không còn như nguyên bản mà bị bản địa hóa, tạo nên những đặc thù của văn hóa Chăm trong đó các tôn giáo (với hệ thống đền tháp, thánh dường, tăng lữ) kết hợp với chế độ mẫu hệ, tục thờ cúng đa thần và ông bà, tổ tiên…

Nhưng cũng trong quá trình biến thiên ấy, đã biết bao lần người Chăm lãng quên hoặc dần đánh mất các giá trị truyền thống trong nền văn hóa của mình. Những cuộc biến loạntrong các năm 1471, 1832 làm cho người Chăm không còn đồng nhất phân biệt làm Chăm giữa, Chăm Đông, Chăm Tây, Chăm Việt Nam, Chăm Campuchia…Kéo theo đó ngôn ngữ và phong tục của mỗi cộng đồng cũng có nhiều dị biệt. Mặt khác, từ những cuộc chạy loạn ấy, bao sách vở, văn bản Chăm cũng bị thất tán, mất đi rất nhiều giá trị văn hóa. Người Chăm ngày nay không còn hoạt động kinh tế biển, do đó dấu ấn văn hóa biển rất mờ nhạt, nhiều phong tục tập quán được ghi trong thư tịch cổ cũng không được duy trì…

Dù vậy, cho đến hôm nay, người Chăm vẫn còn giữ được rất nhiều truyền thống văn hóa quý báu như duy trì các lễ hội, lễ tục như Rija nưgar, Kate, Ramưwan… Nhiều người già vẫn còn giữ nhiều ciet sách, vẫn biết ngâm nhiều ariya, damnưi…vẫn còn các nghệ nhân thổi kèn Saranai, đánh trống Baranưng, Ginang, đàn Kanhi…Đặc biệt, ngôn ngữ Chăm dù có bị lai căng, pha tạp rất nhiều, nhưng vẫn được các nhà nghiên cứu, chuyên gia và một số người Chăm quan tâm và duy trì (dù con số này cũng ít ỏi)…

Nhưng,thế giới ngày nay đã “phẳng”, người ta có thể gọi thế giới và cách mà các thực thể trong thế giới này liên kết với nhau bằng các mỹ từ như hội nhập, toàn cầu hóa hay bất cứ thuật ngữ nào khác, nhưng tựu chung lại nó ám chỉ một thế giới mà ở đó, ranh giới giữa các dân tộc, các nền văn hóa là rất nhạt nhòa. Thế giới đương đại là một thế giới hội nhập, hội nhập không ngừng với tốc độ vũ bão. Nhân loại đã trải qua nhiều cuộc hội nhập, tiếp xúc giữa các dân tộc, các nền văn hóa nhưng hôm nay hội nhập diễn ra ở quy mô toàn thế giới, với mức độ hội nhập mạnh mẽ gắp nhiều lần.

Truyền thông hiện đại, làm cho con người ở khắp nơi liên kết với nhau dễ dàng, từ đó văn hóa, ngôn ngữ, lối sống của dân tộc này sẽ tiếp xúc, ảnh hưởng văn hóa, ngôn ngữ, lối sống dân tộc khác. Những nền văn hóa này sẽ hòa nhập vào nền văn hóa kia, nhiều hiện tượng văn hóa của dân tộc khác sẽ ảnh hưởng và phổ biến vào dân tộc này. Chẳng hạn, Hàn Quốc thông qua truyền thông đa phương tiện (phim ảnh, âm nhạc) đã du nhập thời trang, âm nhạc, cách sống vào các quốc gia khác. Các sản phẩm văn hóa ngoại lại (từ tinh thần đến vật chất) không có chút gì mang dấu ấn dân tộc tồn tại đầy rẫy,…

Trong trào lưu đó, những yếu tố truyền thống được ông, cha lưu giữ tự bao đời rất có nguy cơ bỉ những thứ văn hóa lai tạp, hiện đại, nhất thời ấy làm biến đổi, mai một vàlúc nào cũng cóthể nuốt chửng các giá trị văn hóa truyền thống ấy, con người hiện đại mà đa phần là giới trẻ đang cuốn theo những trào lưu văn hóa hiện đại, ngoại lai mà lãng quên dần văn hóa dân tộc – Chăm cũng vậy!

Thế giới cần phát triển, cần hiện đại, nhưng thử thách đặt ra là phải làm thế nào vừa phát triển nhưng vừa không đánh mắt bản sắc dân tộc?Thomas L.Friedman trongchiếc lexus và cây Ôliu viết: “…Bất cứ xã hội nào muốn thịnh vượng về kinh tế đều phải cố gắng chế tạo cho được xe Lexus và lái chúng ra thế giới. Nhưng người ta cũng đừng bao giờ ảo tưởng rằng chỉ tham gia tích cực vào kinh tế thế giới không thôi mà có thể tạo được xã hội lành mạnh…Một đất nước không có những rặng cây Ô liu khỏe khoắn sẽ không bao giờ có được cảm giác nguồn gốc được duy trì hay an tâm để có thể đón nhận và hội nhập với thế giới. Nhưng một đất nước mà chỉ có những rặng Ô liu không thôi, chỉ lo giữ cội rễ, mà không có xe Lexus, thì sẽ không bao giờ tiến xa được. Giữ cân bằng giữa hai yếu tố nói trên là một cuộc vật lộn triền miên”.

Dân tộc Chăm, tồn tại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, không thể không hội nhập, không thể đứng ngoài tiến trình phát triển. Nhưng cũng như các nền văn hóa khác, Chăm cần phải giữ cho được bản sắc, đối với Chăm đây thật sự là một thách thức, “một cuộc vật lộn triền miên”. Qủa thật không ngoa khi nói như vậy! Hiện thực sinh hoạt văn hóa Chăm đương đại, cho phép chúng ta nghi ngờ đến một viễn cảnh đánh mất bản sắc dân tộc và những nguy cơ đó sẽ là sự thực nếu chúng ta không có những hành đồng kịp thời và hữu hiệu.

          Cứ xem, palei Chăm nơi tự bao đời lưu giữ các giá trị truyền thống, tính cố kết cộng đồng, nơi mà ở đó mỗi người con ý thức được vai trò, nghĩa vụ của mình với gia đình, dòng họ, xóm làng, nơi ở đó luật tục (adat) được bảo tồn, tình làng nghĩa xóm và các giá trị văn hóa được lưu giữ…Ngày nay,dưới ảnh hưởng của đô thị hóa, các palei  đã thay đổi sâu sắc, đó không còn là một không gian khép kín, nơi mà các giá trị truyền thống được lưu giữ biết bao đời.Mà mang nhiều hướng mở, nhiều giá trị bên ngoài xâm nhập vào palei, kéo theo đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống cũng không ngừng nhiều biến đổi.

          Đã không còn nữa, hình ảnh những cụ già, dưới ánh trăng, đêm đêm ngâm những dòng ariya, damnưi cho con cháu, người Chăm của mấy chục năm gần đây, đã không còn được trưởng thành từ những câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ Chăm, giới trẻ chỉ biết có truyện Con rồng cháu tiên, Thánh Gióng, Tám Cám, Cây tre trăm đốt…chứ không biết đến truyền thuyết Po Inư Nagar, Po Kloang Garai, Po Rame hay Ja Li-u… Những đứa trẻ lớn lên lại được cha mẹ nó đưa vào giất ngủ những câu truyện cổ tích của dân tộc khác, chứ không hề biết gì đến các truyện cổ của dân tộc mình.

          Từ xưa, dân tộc Chăm có một kho tàng văn chương rất phong phú, nhưng thời gian và sự quên lãng của con người khiến nó tản mát đi rất nhiều. Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu, học giả đã bỏ nhiều công sức ra - để gọi là - sưu tầm lại những tác phẩm văn chương Chăm. Nhưng đó chỉ là công việc mang tính hàn lâm, đa số người Chăm vẫn không quân tâm đến nó, đối với họ những mẫu chuyện của người Kinh đã ăn sâu vào tâm trí ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường và đến lược họ, lại kể những câu truyện đó cho con cháu mình nghe.

          Không chỉ trong văn học, ngày nay, nhiều giá trị dân gian khác như âm nhạc, diễn xướng cũng đang bị thế hệ hội nhập dần dần lạnh nhạt. Trong cộng đồng không còn bao nhiêu nghệ nhân biết hát xướng dân ca, đánh đàn Kanhi, trống Baranưng, Ginăng, kèn Saranai…Dù ở quê nhà, cũng như tại Sài Gòn đã tổ chức nhiều lớp học nhạc cụ truyền thống nhưng số người theo học vẫn rất ít so với số đông những người Chăm quay lưng lại với truyền thống, mà phần nhiều trong đó là các bạn trẻ.

          Ngày nay, nhiều thanh niên Chăm không còn thích nghe các bài dân ca, các ca khúc viết về quê hương xứ sở, về palei Chăm với những hình ảnh những ngôi tháp Chàm cổ kính, con sông quê hương, xóm thôn Chăm mùa gặt, tình yêu thủy chung của trai gái làng Chăm… những ca khúc ấy tự bao đời đã trở thành bệ đỡ tinh thần cho bao đứa con Chăm, gợi nhắc trong họ tình yêu quê hương, sứ xở.  Ngày nay, đa phần người trẻ chỉ hướng về các dòng nhạc hiện đại, mang nhiều tính thị trường của Vpop, Kpop…mà lãng quên dần các bài dân ca, các bài hát về quê hương, dân tộc.

          Bên cạnh đó, một hiện tượng văn hóa cũng đang ngày càng mai một, ngay trong tâm thực của người Chăm hiện đại đó là trang phục truyền thống Chăm. Người Chăm có nhiều loại trang phục cổ truyền phong phú, mang tính thẩm mỹ cao và chứa đầy giá trị tinh thần, tạo nên một nét đặc trưng của tộc người.Thế nhưng, hiện nay, trừ những người đã cao tuổi, hầu hết những người hai mươi, ba mươi tuổi không còn thích mặc váy, áo dài truyền thống mà chỉ mặc áo sơ mi, quần tây trong đời sống hằng ngày (kể cả nam lẫn nữ), trừ các dịp lễ hội người ta mới khoác lên mình những trang phục mang đậm hồn dân tộc ấy!    

          Đặc biệt nhất, đáng báo động nhấtlà thực trạng ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Chăm. Trong khi những chuyên gia về ngôn ngữ Chăm vẫn đang có những bất đồng về truyền thống và cải biên, vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung thì ngôn ngữ Chăm đang hằng ngày, hằng ngày lụi tàn, giãy chết. Thực trạng người Chăm giao tiếp với nhau trong đời sống hằng ngày trộn đến 50% tiếng Việt là một điều đáng quan ngại, vì nhiều từ ngữ sẽ bị lãng quên, muốn biết, muốn hiểu nghĩa người ta lại phải tra từ điển và sách vỡ, đây là một thực trạng phổ biến trong đời sống Chăm đương đại và đã được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia báo động.

Đó là về ngôn ngữ nói, về chữ viết, người Chăm ngày nay cũng không nhiều người biết viết tiếng Chăm nữa. Cho dù, trong các trường tiểu học ở các làng người Chăm, có dạy tiếng Chăm, nhưng khi lên các lớp lớn do không có điều kiện học thêm và tiếp xúc, chủ yếu trong đời sống họ viết và sử dụng toàn tiếng Việt nên sẽ không thể nhớ được, dần dần lãng quên nó. Tiếng Chăm, đối với nhiều người,không còn quan trọng nữa, không ứng dụng gì nhiều trong cuộc sống nên họ không cần thiết phải viết nó. Một số sinh viên, có ý thức bảo tồn chữ viết dân tộc đã tham gia vào các lớp học tiếng Chăm, nhưng số lượng này không được bao nhiêu, và khi hoàn thành khóa học do không có điều kiện, thời gian tiếp xúc viết, nói hằng ngày nên lâu dần lại quên.

Thành ra, tiếng nói đã lai căng, chữ viết Chăm lại càng bị mai một, không còn bao nhiêu người biết viết chữ mẹ đẻ nữa, ngôn ngữ Chăm thành ra một thứ ngôn ngữ hàn lâm (tức là chỉ sử dụng cho giới tu sĩ, giới nghiên cứu, học giả…) ngày càng xa rời đại chúng, trong khi một thứ ngôn ngữ ngoại lai lại pha tạp vào tiếng nói hằng ngày và lấn áp chữ viết dân tộc– đó là tiếng Việt, cái mà chúng tagọi là tiếng phổ thông.

Ngôn ngữ Chăm, không chỉ là đặc trưng cho bản sắc văn hóa, nó còn là phương tiện để con người hiện đại liên kết với quá khứ. Một khi ngôn ngữ này càng ngày càng bị mai một thì nó cũng sẽ kéo theo các giá trị văn chương, các văn bản cổ Chăm sẽ không còn ai lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho thế hệ sau, dòng chảy văn hóa của dân tộc sẽ bị gián đoạn. Không còn ngôn ngữ, người Chăm cũng sẽ mất đi nhiều giá trị văn hóa, mất đi bản sắc, câu truyện của 2500 ngôn ngữ đã mất (theo Unesco) là một cảnh báo cho chúng ta.

Trong suốt tiến trình tồn tại, văn hóa Chăm đã bao lần biến đổi có lúc nó hấp thu rồi tiếp biến các giá trị bên ngoài, tạo thành cái riêng, cái đặc sắc của mình, thế là tốt! Nhưng cũng có những lúc thăm trầm và đen tối, nó bị văn hóa ngoại lai thống trị và xâm nhập, khiến cho một số truyền thống bị lụi tàn…Nhưng, may mắn thay! Hôm nay,  Chăm vẫn còn giữ được một số bản sắc văn hóa như ngôn ngữ, sách cổ, các lễ hội, lễ tục và tính cố kết cộng đồng…Điều đó cho thấy, dù trải qua bao biến thiên người Chăm vẫn luôn thể hiện được bản lĩnh văn hóa của mình.

Trước thềm toàn cầu hóa, hội nhậplà yêu cầu khách quan không thể chối bỏ, nhưng làm thế nào để vừa hội nhập mà lại vừa không đánh mất bản sắc? Ở đây,tôi bày tỏ đồng cảm với Pauh Catwai, lời người xưanhư vẫn còn nguyên giá trị, thuở ấy, năm 1832, quốc gia mất đi, dân tộc phải đối mặt với nguy cơ mất luôn cả văn hóa, những người trí thức đương thời như Pauh Catwaiưu tư, trăn trở cho việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc: “…Sa bauh cơk tajuh giloang, sibơr ka throang bhap ilimo…” (một núi bảy đường, biết đường nào thông cho văn hóa dân tộc).

Hôm nay, chúng ta phải ý thức rằng: dân tộc này, theo thời gian đã mất mát rất nhiều giá trị văn hóa, đừng để mất luôn những giá trị còn giữ lại được, để rồi đánh mất luôn chính bản sắc dân tộc. Nếu có hỏi tôi có quá bi quan không khi nói vậy? Xin trả lời: Không. Vì rằng, dù Chăm, hôm nay vẫn còn ngôn ngữ, người Chăm hôm nay vẫn biết xướng hát dân ca, thuộc lòng các kho tàng văn chương…Nhưng số này rất ít, hầu hết đều đã già, nay mai cũng trở thành người thiên cổ, trong khi giới trẻ rất ít ai mặn mà, thậm chí còn quay lưng lại với chúng. Vậy, thử hỏi: Văn hóa Chăm, còn giữ lại bao nhiêu để mà cợt đùa, để mà không quan ngại?

Đối với Chăm nhiệm vụ bảo tồn bản sắc trong thời đại này lại càng khó khăn, nhất là khi chúng ta chỉ là một cộng đồng thiểu số, bị phân hóa thành các palei tách biệt và hằng ngày có những sự tiếp xúcnhiều với một cộng đồng đa số, có một nền văn hóa dị biệt, lúc nào cũng có thể hút chúng ta vào tầm ảnh hưởng của nó.

Tôi chợt nghĩ đến một viễn tượng đáng buồn của tương lai: “…nơi người Chăm nói với nhau bằng một thứ tiếng lai căng, mất gốc; nơi những bài dân ca, ariya, những nhạc cụ được đưa vào bảo tàng vì không có ai ngâm nga, diễn xướng; nơi chữ viết Chăm trở thành cổ vật phi vật thể vì không ai biết viết; nơi các lễ hội Chăm chỉ là những huyền thoại xa vời;…; nơi những đứa trẻ Chăm được truyền thụ và tự ý thức rằng tổ tiên chúng ta là con của rồng, cháu của tiên…”

Hãy nhìn vào quá khứ mà suy ngẫm, tạo nên một giá trị đã khó, giữ cái giá trị đó đến muôn đời lại càng khó hơn. Đừng để những giá trị mà bao đời tổ tiên gây dựng mất đi, nếu vậy, không phải chúng ta - những kẻ hậu thế - hổ thẹn với tiền nhân lắm sao? Một lần nữa và hơn lúc nào hết, người Chăm (tất cả người Chăm) cần thể hiện bản lĩnh văn hóa của mình trong bối cảnh mới – bối cảnh toàn cầu hóa.

 Ja shaklikei

(Nguồn: Tagalau 16)

 

                                                           

 

Like (1)
Loading...
1
admin
nice pic
December 13, 2014