• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
admin
by On March 20, 2014
588 views

Từ thế kỷ XI nước Đại Việt đã là một quốc gia độc lập tự chủ, có nền kinh tế phát triển, nền quốc phòng hùng mạnh, đất nước vừa gần 100 năm thoát ra khỏi ách Bắc Thuộc này đã vươn lên mạnh mẽ, sức mạnh của các vương triều Đại Việt đang độ “xuân thì”, nở rộ. Đại Việt lúc nào cũng khát khao tăng cường thế lực, củng cố quốc gia, giữ vững sơn hà. Để thực hiện điều này họ phải ra sức “Bắc hòa, Nam tiến”: trong khi với Trung Hoa thì họ phải luôn tỏ ra thần phục cho dù phải liên tục đối phó với các cuộc xâm lăng của Trung Hoa, với các quốc gia ở lân bang khác thì ra sức tăng cường vị thế và mở rộng cương thổ.

Trong khi đó cùng thời điểm này về phía Nam, Chăm Pa đã bước vào một thời kì suy thoái: hết chiến tranh với Đại Việt trong thế kỷ XI, lại chiến tranh với Chân Lạp suốt 100 năm (thế kỷ XII – XIII) vừa tạm ổn với lân bang (Đại Việt – Chăn Lạp) lại phải đối phó với đế quốc Mông Cổ hùng mạnh để mưu cầu độc lập, chiến tranh vừa hết, quan hệ với Đại Việt trở nên tốt đẹp chưa được bao lâu. Nước Chăm Pa lại bước vào một giai đoạn chiến sự liên tục với Đại Việt trong suốt từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII (thời điểm mà vương quốc này bị tiêu diệt).

Mối Quan hệ giữa Đại Việt với Chăm Pa đã được hình thành trong hoàn cảnh đó, nó trở thành một xu thế tất yếu của dòng chảy lịch sử. Trong mối quan hệ này Chăm Pa chắc hẳn mất nhiều hơn là được (thậm chí mất nước) và ngược lại Đại Việt được nhiều hơn là mất. Nếu như chỉ nhìn bề ngoài người ta sẽ thấy mối quan hệ này là của hai quốc gia khác nhau, như nhiều mối quan hệ khác, nhưng chính từ mối quan hệ này, người ta sẽ thấy được cả một trang sử mở nước của dân tộc Việt Nam và cả một trang sử về sự suy vi của vương quốc cổ Chăm Pa, cho tới ngày nó trở thành một “cố quốc” – trở thành một phần của đất nước Việt Nam. Như vậy nhìn ở một góc độ nào đó Lịch sử mối quan hệ Đại Việt – Chăm Pa cũng chính là một phần của lịch sử dân tộc.

Quá trình đó là một chuỗi dài của những biến hóa, thay đổi không ngừng, mà chúng ta không thể biết trước. Vận mệnh của hai quốc gia Đại Việt, Chăm Pa cũng nằm trong quy luật chung đó: Một quốc gia Đại Việt vừa thoát khỏi Bắc Thuộc đã vươn lên, đánh bại các nước bên cạnh mở mang lãnh thổ, khẳng định sức mạnh; Một dân tộc Chăm Pa đang trên đà suy thoái, nhưng ai ngờ được nó có thể nhanh chóng suy sụp, rồi không lâu sau cũng diệt vong.

Thật sự như vậy, trên con đường mở mang và phát triển của một dân tộc, chính là sự suy thoái, sụp đổ của một dân tộc khác. Đại Việt, phía bắc lúc nào cũng lo bị Trung Quốc xâm lăng, trong khi họ còn phải giải quyết nhu cầu kinh tế, xã hội khi mà sức ép dân số, tài nguyên ngày càng đè nặng lên khu vực Bắc Bộ thì Nam Tiến chính là một giải pháp để duy trì sự sống còn và phát triển của dân tộc.

Như một định mệnh , vương quốc Chăm Pa đang trong giai đoạn đang tàn lụi (chiến tranh liên tục, đất nước phân hóa, mâu thuẫn nội bộ…), đã đụng phải một dân tộc đang mạnh lên và lúc nào cũng khát khao tăng cường quốc lực đất nước. Trong bối cảnh đó với quy luật “cá lớn nuốt cá bé”, vương quốc Chăm Pa không thể thoát được định mệnh, nếu có trách thì chỉ trách quốc lực Chăm Pa quá yếu, nếu có tiếc thì chỉ tiếc số phận Chăm Pa đã tận.

Việc mở mang lãnh thổ vì nhu cầu sinh tồn là chuyện xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, gần như là hiện tượng tự nhiên, cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam đã xóa nhòa và hòa tan các dân tộc khác. Quốc gia Chăm Pa từng phát triển và phồn thịnh, nền văn hóa rực rỡ, có một nền văn minh cao độ,  từng hùng mạnh khắp khu vực; một nước “trước kia như thế, mà nay như thế này” tránh sao cho khỏi sót xa và tiếc rẻ.

Trước đây chúng ta khi nói đến “Mối Quan Hệ Đại Việt – Chăm Pa”, thì người ta thường biết đến các cuộc chiến tranh, các lần sứ giả hai nước qua lại, thương mại hai nước… nhưng một phần quan trọng không kém liên quan đến mối quan hệ này chính là những giao lưu và hội nhập văn hóa, văn minh giữa hai nước, hai dân tộc, thì chúng ta ít quan tâm và nói đến, dù nói đến cũng chỉ khái lược và sơ xài. Trong đó người Việt đã vây mượn văn hóa, kỹ thuật, phong tục của người Chăm rất nhiều trong đời sống của mình.

Từ sự tiếp thu của người, cộng với cái của mình vốn có, họ đã làm nên một văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng, như vậy dấu ấn Chăm tồn tại đầy rẫy trong văn hóa Việt, không chỉ ở miền Trung nước ta mà cả khu vực Nam Bộ và ngay trong lòng Bắc Bộ (mà cụ thể là trong kinh thành Thăng Long).

Như vậy có thể thấy không phải kẻ chiến thắng nào cũng văn minh hơn kẻ chiến bại. Thậm chí ngược lại quy luật thường thấy là kẻ chiến thắng thường tiếp thu tinh hoa văn hóa của kẻ chiến bại, tạo nên bản sắc riêng của mình. Và nó đã đúng trong mối quan hệ Việt – Chăm.

Trong Mối Quan Hệ Đại Việt – Chăm Pa, Đại Việt lúc nào cũng có ly do biện minh cho các cuộc chinh phạt Chăm Pa trong những năm 1044, 1402,1471… như : “ nước Chăm Pa sang cướp phá”, “ Nước Chăm Pa không sang dâng cống”… Và cứ thế cứ mỗi lần đó Đại Việt thường mượn cớ  để mà sang chinh phạt, giết dân, bắt người và chiếm đất Chăm Pa.

Những gì mà Nguyễn Bỉnh Quân đã ghi (ở trên), thật sự là một thực tế đáng buồn: các tác giả, sử gia, các sách báo, bài viết…cũng như trong ý thức của nhiều người trong Mối Quan Hệ Đại Việt – Chăm Pa, thì các cuộc chiến tranh đều bắt nguồn từ Chăm Pa, Đại Việt chỉ đi chinh phạt Chăm Pa, ổn định chư hầu, “chiếm vài ba Châu”, “giết, bắt mấy ngàn người ”…mà thôi. Trong lĩnh vực lịch sử cũng như trong những trao đổi và giao lưu văn hóa vai trò của Chăm Pa vẫn chưa được đánh giá cao chẳng hạn vai trò của họ trong kháng chiến chống  Mông – Nguyên, hay ảnh hưởng của dân tộc Chăm với người Việt.

Dẫu biết rằng những điều trên là một sự thật, nhưng xuất phát tư tưởng “lấy bản triều làm trung tâm” (bản triều là Đại Việt) của khổng giáo, đối với các sử gia và nhiều người khác để nói ra sự thật của vấn đề trên là “nhạy cảm – mặt cảm”, “không tiện nói ra”. Hay dựa vào các tài liệu của các sử gia người Việt từ xưa (là tài liệu đầy đủ và chi tiết nhất còn lại), nhiều  người trong chúng ta vẫn nghỉ, ngay cả các sử gia vẫn lấy đó làm khuôn mẫu cho những vấn đề, sự kiện liên quan

Thiết nghĩ đã đến lúc ta cần phải nhìn lại toàn diện về mối quan hệ này, đánh giá đúng tầm quan trọng của mối quan hệ này và vai trò của Chăm Pa trong lịch sử, văn hóa, văn minh Đại Việt. Cụ thể những vấn đề mà theo ý kiến thô thiển của tôi cần phái đánh giá, xem xét lại một cách khách quan những vấn đề liên quan đến chủ đề Mối Quan Hệ Đại Việt – Chăm Pa là:

  1. Nguyên nhân từ cuộc chinh phạt của Lý Thái Tông năm 1044, hay cuộc chinh phạt của Lê Thánh Tông năm 1471(chủ yếu là vì vua Lê yêu cầu Chăm Pa phải dâng cống và coi mình như thiên triều – tức là muốn coi Chăm Pa chỉ là chư hầu;  sự thật sự kiện Công Chúa Huyền Trân lên giàn thiêu và bị cướp về nước; tại sao lúc nào Chăm Pa cũng muốn phá hoại Đại Việt vì họ hiếu chiến hay vì muốn giành lại những vùng đất đã bị Đại Việt lấy bằng chiến tranh và âm mưu (Châu Ô, Châu Lý là được tặng cho Đại Việt, để đổi lấu Công Chúa Huyền Trân, nhưng sau khi vua Chăm mất Đại Việt lại mượn cớ cướp công chúa về mà không trả lại đất)…
  2. Đánh giá lại cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên, chiến thắng của Đại Việt không thể  có nếu như không có chiến thắng của nhân dân Chăm Pa, và ngược lại không có chiến thắng của Đại Việt thì không có chiến thắng Chăm Pa. Thay vào đó các sử gia thường đề cao vai trò của mình trong cuộc kháng chiến này.
  3. Cuối cùng nên đánh giá đúng ảnh hưởng, tác động, những biểu hiện của dấu ấn Chăm Pa với văn hóa và văn minh Đại Việt, góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.

Hy vọng trong một tương lai không xa chúng ta sẽ có những “cái nhìn mới” về các vấn đề nêu trên. Và nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu mang những “cái nhìn mới “ này của các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ ra đời. Để tất cả chúng ta có thể tiếp cận những vấn đề liên quan đến chủ đề này theo một chiều hướng mới khách quan quan hơn, tiến bộ hơn…

JASHAKLIKEI

Like (2)
Loading...
2